Phật giáo, bao gồm kinh điển cùng mọi phật sự về bản chất nhất quán, chỉ một. Khi truyền đi mọi nơi xuyên qua các nền văn hoá, thấm nhập, hội nhập, dung hợp, có biểu hiện khác biệt về hình thức mang tính dân tộc cụ thể như về kiến trúc chùa chiền, biến tấu lễ nghi, và rõ nhất ở vỏ ngôn ngữ chuyển tải kinh điển. Như vừa viết, đấy là biểu hiện mang tính hình thức, bản chất ĐẠO như nhất dù ở Ấn hay Thái Lan, hoặc Đài Loan hay VN.... Các nhánh toả ra từ một và chỉ một cội cây Bồ Đề, hệ phái, giáo hội chỉ mang tính phương tiện.
Phật giáo ở VN có nhiều hệ phái: Bắc Tông, Thiền Tông, Nam Tông, Khất sỹ... Riêng Nam Tông lại có Nam Tông Kinh và Nam Tông Khmer.
Một nhân duyên khi đi thực tế làm truyền thông Phật giáo ở Miền Tây, tại một huyện có đông đồng bào Khmer và nhiều ngôi chùa Nam Tông Khmer, trong cuộc trao đổi về phật sự, Thầy Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện tâm sự về một chi tiết điển hình: “ Tu sĩ Phật giáo Nam Tông Khmer thích gọi bằng SƯ hơn tiếng THẦY”. Điển hình vì chi tiết này khái quát được một vấn đề.
Thực ra đấy chỉ là chuyện văn hoá, nếp nghĩ nào đó. SƯ - từ Hán Việt, đồng nghĩa với THẦY- từ thuần Việt. Nho giáo có một tôn ti “ Quân, Sư, Phụ”, tức Vua- thầy- cha, trong một thang bậc kính trọng, ơn nghĩa, trong đấy “ sư” tức “ thầy” chỉ thầy dạy, nhà giáo. Hàm nghĩa “ sư” tức “ thầy” rộng: thầy giáo, thầy tu... Đều biểu hiện kính trọng.
Ngoài Bắc có hiện tượng ghép: Sư Thầy- tức tu sĩ nhà Phật, “ Sư Thầy Trú trì”, ghép từ Hán Việt với từ thuần Việt. Hay một cách gọi khác bậc xuất gia: nhà sư. Chung quy, Miền Bắc dùng từ “ Sư” nhiều hơn hẳn trong Nam.
Nam Bộ phổ biến dùng từ “ Thầy” để chỉ bậc xuất gia, từ “ Sư” dùng ở hệ phái Nam Tông Khmer: Hội Sư sãi yêu nước- “ sư” kết hợp “ sãi”, một dụng từ gần gũi ngoài Bắc.
Thực tế khi đảnh lễ chư tăng Nam tông Khmer, phổ biến dùng từ “ sư”, từ “ thầy” ở các hệ phái khác, vùng Nam Bộ. Khi giao tiếp quý bậc tu hành Nam Tông Khmer, dùng từ “ thầy” thấy lạ và như có viết, đấy thuộc thói quen trong văn hoá, sự cung kính trong ngữ nghĩa là như nhau và hiện tượng từ đồng nghĩa trong tiếng Việt có nhiều, trong đấy có trong Phật giáo. Kho tàng Việt ngữ có từ Hán Việt, thuần Việt, từ gốc La tinh...
Sư và Thầy khi chỉ tu sĩ Phật giáo, là đồng nghĩa, nhưng từng thành tố khi ghép thêm lại tạo nên ngữ nghĩa độc lập: Sư huynh, sư đệ, sư tỷ, sư muội, sư phụ... hay, với “ thầy”: thầy giáo, thầy võ, thầy cúng, thầy u.... Tức chỉ đồng nghĩa ở một tình huống sử dụng, khi phát triển ngôn ngữ thành hai nhánh riêng biệt, một đằng là các từ ghép Hán Việt, một đằng các từ ghép thuần Việt.
Một điều thú vị, ngoài Bắc biến tấu “ thầy” & “ thày”: thầy cô/ thày cô, thầy mẹ/ thày mẹ... Trong khi đấy, trong Nam không dùng chữ “thày” ở mọi tình huống.
.......
Như vậy, Sư hay Thầy cũng như nhau, chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
Nguyễn Thành Công