Ở nhiều nơi, xuất hiện những vị mang trang phục nhà chùa đi khất thực, thậm chí đi xin tiền của, vật chất. Những giá trị Phật giáo đã bị lợi dụng, bị bôi bẩn. Vậy phải ứng xử như thế nào với hiện tượng này?
Những hình ảnh khó coi
Ở khu vực Bình Chiểu, Thủ Đức TP Sài gòn, giáp đầu mối đường Phạm Văn Đồng đang làm dở, người dân sở tại thi thoảng chứng kiến cảnh tối đến, nhiều “ông sư” đi xe ôm cấp tập trở về, ghé vào đâu đó thay trang phục rồi mặc áo thun, quần ngố về xóm trọ gần đấy, vẻ mặt hứng khởi.
Ở đường khu vực La Thành vào Lò Đúc Hà Nội, dõi theo hành trình của một ông sư thì thấy, chỉ trong ba mươi phút ông đã rảo bước gần 3 km khắp khu vực Trần Xuân Soạn, Thi Sách, Mai Hắc Đế với tốc độ chóng mặt. Phóng viên Gia đinh Việt Nam đi theo muốn... hụt hơi.
Ảnh: Huy Cường
Gáy ông béo căng như đô vật sumo, bước đi dài, khẩn trương, ông sục vào từng tiệm hàng, gia chủ ngửa tay xin tiền, nhà nào không cho ông trở ra lẩm bẩm, mặt đỏ phừng phừng.
Chỗ nào "sư" cũng sáp vào xin. Ảnh: Huy Cường
Kể cả người đang ăn, đang nói chuyện "sư" cũng không tha! Ảnh:Huy Cường
Ở Thuận Đạo, Bến Lức tỉnh Long An người dân thỉnh thoảng còn phải tiếp ông sư vào xin ăn rồi nhân thể gạ xem bói cho gia chủ, xong xin vài chục tiền quẻ tiêu chơi!
Trên đường Bạch Đằng, Phường 2 Tân Bình TP Sài gòn, một vị tự xưng là cao tăng, đến cúng…thành lập công ty xong, ngồi xơi tiệc mặn với heo quay, gà gỏi đàng hoàng với gia chủ…
Cần hiểu về khất thực
Pháp môn này là một hệ phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc khất thực đã giúp các nhà sư Khất Sĩ trên bước đường du hóa trong thời kỳ mở đạo, đẩy mạnh việc tiếp cận chúng nhân, phát triển đường đạo.
Đạo Phật Khất Sĩ (tên gọi đầu tiên sử dụng từ thời kỳ lập đạo đến năm 1982) là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tên gọi mới là Hệ phái Khất sĩ còn kết hợp việc khất thực với việc ăn chay.
Và việc này đã tạo nên bản sắc riêng của “Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam” với những ý nghĩa thâm sâu, với mục đích tu tập cho cả người đi khất thực lẫn người mở lòng bố thí.
Việc khất thực được quy quản bởi 26 nguyên tắc nhưng xin tóm lược vài nét căn bản như sau:
1- Đi khất thực không được vào chợ búa, chen lấn chỗ đám đông. Nên phải đi vào trong xóm hoặc các đường lộ xa chợ.
2- Khi đi đứng trước cửa (ngoài đường, chớ không được vào thềm), mỗi nhà đứng năm ba phút theo thứ tự.
3- Không được nhận đồ ăn mặn, khi người đem đến cúng, mình có thể hỏi thêm chay hay mặn, đó là gương dạy thiện cho người.
4- Không được đi vào nhà ai, khi đi khất thực
Người khất thực chân chính thường nhìn thẳng, chân không mang dầy dép. Ảnh: Huy Cường
5- Không được ngó mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá năm, sáu câu.
6- Khi đi khất thực, ai muốn cúng hoặc thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi, chớ chê khen bắt lỗi ép buộc người ta.
7- Khi đi khất thực phải trang nghiêm, ngó ngay xuống, ngó xa hai thước, chớ ngó liếc hai bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm Phật.
8- Đừng vừa đi vừa nói chuyện, chỉ trỏ, muốn qua đường quẹo phải đứng lại xoay mình, chớ đừng đi tắt xéo.
9- Khi đi khất thực, ngoài món ăn ra, không nhận món chi hết. Nếu là tiền bạc hãy bảo người ta đem lại các chùa cúng.
Đó là những nguyên tắc mà các vị cư sỹ chân chính thuộc nằm lòng, ít làm sai.
Việc bố thí cho người khác, trong đó có giới sư sãi, khất thực bản chất là việc tốt . Hiện không thiếu những người lợi dụng phật pháp, lòng hảo tâm của mọi người để làm giầu bằng nghề này nên nếu người cho không tinh tường, gặp ai cũng cho sẽ phát sinh những tai hại, hơn hết là dung túng những kẻ lợi dụng nhà Phật để làm những điều xằng bậy.
Huy Cường/giadinhonline
Hình ảnh thêm về Sư… giả, sư thật