Trong văn hóa Việt Nam, sen là loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh tao. Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết, thánh thiện, trí tuệ, sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm. Trong tâm thức dân gian, sen được ví với những con người có vẻ đẹp cao quý, bản lĩnh. Do đó, từ lâu sen đã đi vào cuộc sống và nghệ thuật của người Việt. Sen được dùng khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình, cách điệu trong trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình.
Hình tượng biểu đạt đa nghĩa
Với tính biểu tượng cao, không có gì ngạc nhiên khi hình tượng sen (với cả hoa, cánh, lá, đầm sen...) phổ biến trong nghệ thuật tạo hình, cách điệu bay bổng và mềm mại trong trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt, trang trọng trên đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình... Các nghệ nhân cung đình và dân gian, các phong cách trau chuốt và mộc mạc, các vật liệu quý hiếm và bình dân đã thể hiện sen với đủ các cung bậc biến tấu của họa tiết hình khối và mầu sắc. Một biểu tượng thiêng linga trong văn hóa Chăm-pa từ thế kỷ 11 - 12, có đế trang trí bằng cánh sen, một chiếc chậu trong cung đình thời Nguyễn bằng vàng, một chiếc đĩa vẽ sen trong đời sống gia dụng hằng ngày hay chân tảng kê cột chùa Phật Tích thời Lý, miệng giếng đắp nổi cánh sen... đều hiện rõ sự trân trọng những ý nghĩa biểu tượng của sen. Sự đa dạng và phổ biến trên nhiều vùng, nhiều nền văn hóa cũng nói lên mức lan rộng của hình tượng sen theo "chiều ngang" khu vực địa lý nhiệt đới nóng, ẩm, nhiều mưa.
Tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen (gỗ sơn thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 - 18).
Theo chiều "dọc" thời gian, trải suốt chiều dài sử Việt, qua nhiều đời Lý - Trần - Lê -Nguyễn, có thể gặp hình tượng sen dày đặc trong các công trình kiến trúc, đồ sinh hoạt trong cung đình và ngoài dân gian... Chất liệu thể hiện sen rất đa dạng, phong phú - từ đất nung, sành, gốm, gỗ, đá, đồng, đến các đồ quý bằng ngọc, vàng, bạc... Họa tiết sen khi thì chân thực mộc mạc, lúc lại cách điệu phóng khoáng, biến hóa bay bổng, truyền tải nhiều nét đa dạng hồn cốt thẩm mỹ tinh tế và tài hoa khéo léo của đôi bàn tay các nghệ nhân xưa. Trên nhiều món đồ ngự dụng trong cung đình - từ đồ thờ cúng, đồ văn phòng tứ bảo đến đồ dùng sinh hoạt, dưới bàn tay tài khéo của những nghệ nhân, trên những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà... hình tượng hoa sen được khắc họa hết sức tinh xảo, mềm mại. Trên các công trình, đền đài, sen được trang trí ở nhiều bộ phận như trên các bức phù điêu, đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật, gạch lát nền, diềm ngói... Hình tượng sen rất phổ biến, thậm chí là mô-típ chủ đạo trong nghệ thuật kiến trúc. Trong thời Lý, sen còn được tạo tác cách điệu bằng cả một công trình nổi danh như Liên hoa đài (đài sen) -Chùa Một Cột.
Hộp hình hoa sen bằng vàng nạm đá quý, đồ dùng trong cung đình thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20).
Không chỉ trong Phật giáo, trong cung đình, hình tượng sen còn hiện hữu rất phong phú đa dạng trong cuộc sống thường nhật trên những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Vào thời Lý, người nghệ nhân xưa thường khắc chìm các lớp cánh sen trên xương gốm cả trong lòng và phía ngoài bát, đĩa sau đó đem phủ men và nung. Các loại đồ dùng để đựng như bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp... thường được trang trí đắp nổi nhiều lớp cánh sen trên nắp, cổ và chân tạo vẻ thanh thoát, tao nhã, quý phái. Sang đến thời Trần, hình tượng hoa sen được thể hiện sinh động, khoáng đạt, thanh thoát với cách nhìn hiện thực hơn. Trong giai đoạn sau, thời Lê, Nguyễn, hình tượng hoa sen lại được bố cục chặt chẽ nhưng vẫn linh hoạt với các hình khối sắc nét tạo nên sự trang nhã, khúc triết trên từng tác phẩm nghệ thuật. Sen gần gũi và tạo cảm hứng cho nghệ nhân xưa sáng tạo ra nhiều sản phẩm trang trí như tranh thêu và đại tự với các đề tài như: sen - cò; hoa sen - vật báu...
Sen trên cổ vật
Với mong muốn công chúng trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa của biểu tượng hoa sen trong tâm thức của người Việt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Trưng bày chuyên đề "Sen trên cổ vật". Hơn 100 cổ vật quý làm từ ngọc, vàng, bạc... có họa tiết hoa sen lần đầu tiên được tập hợp để giới thiệu đến công chúng, được bố cục theo những mảng lớn: Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn, Sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng, Sen trên vật liệu kiến trúc, Sen trong đời sống xã hội...
Gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13 - 14) trang trí bằng họa tiết hoa sen.
Triển lãm giới thiệu sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn với những đồ ngự dụng được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc... sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng bằng gỗ, đồng, gốm, đất nung, sành... có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20; sen trên vật liệu kiến trúc và trong đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp...
Qua Trưng bày chuyên đề này còn có thể thấy sự phong phú và tính đa dạng của hình tượng sen qua nguồn gốc xuất xứ của các hiện vật được trưng bày. Có hiện vật khảo cổ học (các chân tảng. miệng giếng...), nhiều hiện vật nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình Huế, có hiện vật trong dân gian (đồ thờ, các bức tranh thêu, đồ gia dụng...), có hiện vật thuộc nền văn hóa Chăm-pa (đài thờ có hình linga, mũ vàng...), nhiều hiện vật lại là sản phẩm của các lò gốm cổ truyền thuần Việt (Thổ Hà, Bát Tràng)... tất cả đều thể hiện rõ nét hình tượng sen - một biểu tượng liên văn hóa, "xuyên" văn hóa.
Với khoảng 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ 7 - 9 tới thời Nguyễn (1802 -1945) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày chuyên đề "Sen trên cổ vật" sẽ góp phần phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt
© Copyright 2025, Design by Triviet