Sáng 16/1, tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ Khánh hạ chùa Hoằng Phúc, Đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia và cung nghinh xá lợi Đức Phật. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Myanmar, Vua sư Tep Vong Campuchia cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử cả nước về dự lễ.
Chùa Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam được tạo dựng cách đây 700 năm. Chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km về phía Nam. Đến nay, Chùa còn lưu giữ lại một số hiện vật như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo, đặc biệt, vẫn còn đại hồng chung cao 1,15 m, đường kính thân chuông 0,57m, chu vi 1,45m được đúc vào thời vua Minh Mạng và cổng Tam Quan, nền nhà Chính điện. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó chùa Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự.
Trải qua thời gian, chiến tranh và thiên tai, chùa đã bị hư hỏng nặng. Năm 2014, tỉnh Quảng Bình khởi công phục dựng chùa Hoằng Phúc với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIDV) kêu gọi các đơn vị cá nhân, doanh nghiệp đóng góp.
Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ cung nghinh xá lợi Phật tổ từ chùa Shwendagon (Chùa Vàng), thành phố Yangon, ngôi chùa lớn và thiêng liêng nhất Myanmar do Giáo hội Phật giáo Myanmar tặng rước về chùa Hoằng Phúc./.