Quán Thế Âm
觀世音
Avalokiteśvara
***
Nội dung
1.- Bồ-tát Quán Thế Âm.
1.1.- Danh hiệu Bồ-tát.
1.2.- Bồ-tát Quán Thế Âm.
+ Quan Âm Đại Sĩ + Quan Âm Bồ-tát
+ Quán Tự Tại Bồ-tát. + Quán Thế Âm Bồ-tát
1.3.- Ý nghĩa về Bồ-tát Quán Thế Âm.
1) Tu học hạnh Quán Âm “Từ Bi – Trí Tuệ”
2) Tu học hạnh Quán Âm “Nhĩ Căn Viên Thông”
3) Tu học hạnh Quán Âm “Định – Tuệ”.
+ Thực hành Chánh niệm trong tu Định: Chân ngôn.
+ Thực hành Chánh niệm trong tu Tuệ: Bát-nhã Tâm kinh.
1.3.- Tín ngưỡng về Bồ-tát Quán Thế Âm.
1.4.- Huyền thoại về Bồ-tát Quán Thế Âm.
+ Truyền thuyết về Bồ-tát Quán Thế Âm.
+ Quan Âm Nam Hải.
+ Quan Âm Thị Kính.
+ Quan Âm Diệu Thiện.
1.5.- Kinh điển về Bồ-tát Quán Thế Âm.
1.6.- Hình tượng về Bồ-tát Quán Thế Âm.
+ Nam thân-Nữ thân. + Pháp thân-Hóa thân.
+ Thủ-Nhãn thân. + Dược Sĩ thân.
+ Diện Nhiên Đại Sĩ thân.
2.- Bồ-tát Quán Thế Âm Chuẩn Đề.
3.- Bồ-tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.
4.- Bồ-tát Quán Thế Âm nơi Tam tôn.
4.1.- Di Đà Tam tôn.
4.2.- Thích Ca Tam tôn.
Bài đọc thêm
1/. Tam thân và Quán Thế Âm.
2/. Tín ngưỡng và Triết lý về Bồ Tát Quán Thế Âm.
1.- Bồ-tát Quán Thế Âm.
1.1.- Danh hiệu Bồ-tát.
Chân dung một Bồ-tát, Nhật Bản
Trong đạo Phật, Bồ-tát (菩薩; P: Bodhisatta; S: Bodhisattva) là từ được sử dụng trong cả Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền.
- Bồ-tát được chỉ cho bất kỳ ai đang trên con đường hướng tới Phật quả, có quyết tâm trở thành một vị Phật, hay được một xác nhận hoặc dự đoán từ một vị Phật hãy đang còn sống.
- Bồ-tát còn được xem một cách đơn giản như là Bậc giác ngộ đang gắn với việc độ sinh, nghĩa là đang trong hạnh nhập thế.
Tư tưởng Bồ-tát bắt đầu ảnh hưởng trong các tông phái Phật giáo Ấn Độ vào những năm cuối của vương triều A-dục (Ashoka). Không lâu sau đó, khi Phật giáo Đại Chúng bộ phát triển, tư tưởng nhập thế này đã nhanh chóng ảnh hưởng mạnh mẽ khắp Ấn Độ và truyền rộng đến các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Việt Nam …
Theo truyền thống tư tưởng này, có vô lượng Bồ-tát thị hiện trong nhiều hình tướng và chủng tộc, trong nhiều không gian và thời gian để cứu giúp chúng sanh đang trôi lăn trong khổ đau.
Phật giáo Bắc truyền thường thờ bốn vị Bồ-tát lớn, đó là:
- Bồ-tát Quan Âm (觀音; S: Avalokiteśvara)
- Bồ-tát Địa Tạng (地藏; S: Kṣitigarbha)
- Bồ-tát Phổ Hiền (普賢; S: Samantabhadra)
- Bồ-tát Văn Thù (文殊; S: Mañjuśrī).
Quán Thế Âm – Wikipedia tiếng Việt
Tôn tượng Quan Âm bằng ngọc bích lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
[Xem: Pho tượng Quan âm bằng ngọc bích lớn nhất ...]
Bồ-tát Quán Thế Âm (菩薩觀世音; S: Avalokiteśvara Bodhisattva) hay còn gọi là Bồ-tát Quán Âm, được cho là do kỵ tên húy của nhà vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599-:649).
- Quán Thế Âm là biểu tượng cho một vị Bồ-tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn thân nữ.
- Quán Thế Âm là một trong những biểu tượng Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Bắc truyền, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
- Quán Thế Âm được chuyển dịch như là “Người lắng nghe tiếng nói của cuộc đời : He who listens to the voices (outcries) of the world”.
Thông thường các kinh điển kể về danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm như sau:
2/. Quan Âm Bồ-tát.
3/. Quán Tự Tại Bồ-tát.
4/. Quán Thế Âm Bồ-tát.
Giáo sư Yu Chang Fang có nhận định rằng ngài Kumarajìva (Cưu Ma La Thập), người nghiên dịch bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa từ tiếng Sanskrit sang ngôn ngữ Trung Hoa vào năm 406 sau Công Nguyên, dù biết rằng Bồ-tát này được gọi là Quán Tự Tại (觀自在 - Kuan-Tzu-Tsai), nhưng ngài đã dùng danh hiệu Quán Âm (觀音 - Kuan-yin) hay Quán Thế Âm (觀世音 - Kuan-shih-yin) trong bản phiên dịch của mình.
1.3.- Ý nghĩa Quán Thế Âm.
Danh xưng Quán Thế Âm được xem là xuất phát từ một truyền thuyết của Phật giáo, tin rằng những người tu hành đạt tới chánh quả, thì 5 giác quan của họ có thể dùng chung được. Nghĩa là họ có thể dùng tai để "nhìn" thấy hình ảnh, dùng mắt để "nghe" thấy âm thanh, lưỡi có thể ngửi được v.v. Theo lòng tin này, thì danh xưng Bồ-tát Quán Thế Âm có nghĩa là: vị Bồ-tát luôn "nhìn thấy" tiếng ai oán, đau khổ trong bến mê của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp hay nói pháp khi cần.
Có thể chúng ta không tin rằng Bồ tát Quán Thế Âm là có thật, nhưng Hạnh nguyện Quán Âm – là tinh thần Từ Bi cứu độ chúng sinh, và giá trị Bình đẳng giới xóa bỏ truyền thống tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội thì không thể phủ nhận. Do đó, khi nghiên cứu về Bồ-tát Quán Thế Âm, thật sự là nghiên cứu về nghệ thuật sống nhập thế và xuất thế, tức đạo đức và chân lý của đạo Phật ngang qua 3 việc chính sau:
1) Tu học hạnh Quán Âm “Từ Bi – Trí Tuệ”: Đó là thực hành nguyên tắc đạo đức – biểu trưng cho tinh thần nhập thế của đạo Phật – là độ sinh một cách rộng lớn mà không vướng mắc qua việc quán sát, lắng nghe nơi mọi loài.
- Từ Bi, là nói gọn của Từ Bi Hỷ Xả.
+ Từ, là phát nguyện độ sinh đạt được hạnh phúc cao thượng (Từ) và cảm thán trước hạnh phúc cao thượng của chúng sinh (Hỷ).
+ Bi, là phát nguyện độ sinh vượt qua khổ đau thấp hèn (Bi) và cảm thông trước khổ đau thấp hèn của chúng sinh (Xả).
- Trí tuệ, đó là khả năng sáng tạo hay dung nạp có chọn lọc các quan điểm, các ứng xử cho mọi hành động, sao cho hợp với nguyên tắc “ Lợi mình và lợi người, không được lợi mình mà hại người, không được lợi người mà hại mình, không được hại cả mình và người “.
Đạo đức Từ Bi – Trí Tuệ được xem là dẫn xuất từ nguyên lý chân lý Duyên khởi, thể hiện tình cảm trên nền tảng trí tuệ Vô ngã cho các hành động nhập thế mà lại không dính mắc vào thế tục. Từ Bi trái với Bác Ái nơi nhiều tôn giáo khác, đó là Bác Ái thể hiện tình cảm trên chấp thủ Hữu ngã dính mắc vào thế tục.
Trên tinh thần Trung đạo của chân lý Duyên khởi, Từ Bi luôn gắn liền và hài hòa cùng Trí Tuệ, giúp tình cảm không rơi vào cực đoan mù quáng trong hành xử. Đây cũng là điều mà đạo Phật khác biệt đối với việc xem nhẹ lý trí và đề cao tình cảm ở nhiều tôn giáo khác qua việc cổ xúy Đức tin.
2) Tu học hạnh Quán Âm “Nhĩ Căn Viên Thông”:
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy về việc phòng hộ 6 căn Nhãn (mắt), Nhĩ (tai), Tỷ (mũi), Thiệt (lưỡi), Thân (da), Ý (não) như sau:
" Có sáu pháp vô-thượng mà các thầy cần tu. Những gì là sáu?
- Mắt thấy sắc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
- Tai nghe tiếng, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
- Mũi ngửi mùi, không ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
- Lưỡi nếm vị, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
- Da chạm xúc, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
- Não suy tưởng đối với mọi sự vật, không sanh tâm ưa thích hay ghét bỏ; hãy trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.”
“Nhĩ Căn Viên Thông” được gọi là hạnh Quán Âm, đó là phương pháp thực hành quán sát âm thanh trong việc tu học của hành giả để đạt đến giác ngộ – giải thoát. Điều này hàm ý rằng một khi căn Nhĩ viên thông, thì tương tự, 5 căn còn lại đều viên thông cả; đây là cách nói chính xác hơn cách nói truyền thuyết “5 giác quan có thể dùng chung được” đã đề cặp bên trên.
Hành giả quán sát âm thanh trên nền tảng chân lý Duyên khởi để nhận chân bản chất không thực thể của âm thanh. Âm thanh bởi các Duyên sinh-diệt, đến rồi đi như mộng huyễn. Được thế, hành giả tự xả ly một cách tự nhiên mà không cần phải cố dằn ép để loại trừ, nghĩa là hành giả không còn chấp mắc vào cảm xúc của âm thanh nữa.
3) Tu học hạnh Quán Âm “Định – Tuệ”:
Phổ biến nhất của Chánh niệm trong tu Định nơi hạnh Quán Âm là trì tụng các Chân ngôn (真言; S: Mantra => còn gọi là Chân âm), hay còn gọi là Thần chú 神咒, Mật ngôn 密言.
Chân ngôn có thể là âm tiết của một chữ hoặc một câu kệ, vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ. Chân ngôn được xem là chứa đựng năng lực bí mật của vũ trụ giúp cho hành giả thành tựu (S: ṛṣi) trong thiền định.
Trong Phật giáo Bắc truyền, Chân ngôn được cho là chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ giúp tâm thức hành giả tu tập. Hành giả có thể tập trung tâm ý một cách có ý thức nơi một âm tiết, để phát triển khả năng định tĩnh tâm trong thiền định, nhằm cung cấp tốt cho động lực trong thiền quán về sau.
Trong quyển ‘Tư tưởng Mật tông Tây Tạng’, tác giả Anagarika Govinda, 1970 - tr28, nói rằng: “Chân ngôn có tác dụng kỳ diệu không phải vì tính chất thần bí của tự thân Chân ngôn, mà vì sức cảm nghiệm của tâm thức. Chân ngôn chỉ là công cụ để gom kết những nguồn năng lực sẵn có. Giống như một thấu kính hội tụ, mặc dù bản thân thấu kính không chứa đựng một chút ánh sáng nào cả, thế mà nó có thể gom kết những tia sáng và chuyển hóa những tia sáng dàn trải lan man đó trở thành một điểm sáng cháy bỏng”.
Trong Phật giáo Mật tông, với ba ải thân-khẩu-ý, thì Chân ngôn thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm. Hành giả luôn luôn vừa đọc Chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một Ấn (S: Mudrā) nhằm Thành tựu pháp (S: Sādhana) “Tam mật tương ưng”.
Om Mani Padme Hum – Wikipedia tiếng Việt
Câu Chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất được Phật giáo Tây Tạng xem đó là Chân ngôn của Bồ-tát Quán Thế Âm, còn gọi là "Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn tức Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ":
- Theo âm Hán-Việt: Úm ma ni bát ni hồng – 唵嘛呢叭𡁠吽, cũng đọc Án Ma Ni Bát Mê Hồng.
- Theo âm Phạn: Oṃ Maṇi Padme Hūṃ – ॐ मणि पद्मे हूं.
Đây là câu Chân ngôn rất phổ biến và được sử dụng rất nhiều trong các nghi lễ, và được cho là có công năng rất lớn, lớn đến nỗi nó giúp cho hành giả trì niệm đến giác ngộ-giải thoát. Còn về ý nghĩa của nó thì được giải nghĩa như sau:
- Oṃ: Tiếng khởi đầu của mỗi câu Chân ngôn, chỉ chư Thánh, chư Phật, trên toàn vũ trụ.
- Maṇi: Viên ngọc quí.
- Padme: Hoa sen.
- Hūṃ: Ở trong.
Toàn câu Chân ngôn Oṃ Maṇi Padme Hūṃ có nghĩa là: Viên ngọc quí nằm trong hoa sen. Nói cách khác, hoa sen là biểu tượng ẩn chứa Chân lý giải thoát (không dính mắc) Duyên khởi.
Trong các trường phái tại Phật giáo Tây Tạng thì chức năng của các Chân ngôn ở mỗi cấp Đát-đặc-la (S: Tantra) là khác nhau. Có khi, trong lúc niệm Chân ngôn hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Chân ngôn này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó. Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh. Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó.
Chương 5 của tác phẩm Subāhupariprcchā có ghi: “Lúc đọc Chân ngôn: Đừng quá gấp rút, Đừng quá chậm rãi, Đọc đừng quá to tiếng, Đừng quá thì thầm, Không phải lúc nói năng thì không để bị loạn động.”
Ngoài ra, còn có Chân ngôn Chuẩn Đề (Chú Chuẩn Đề), Chân ngôn Đại Bi (Chú Đại Bi) của các hóa thân Bồ-tát Quán Thế Âm, đó là Bồ-tát Quán Thế Âm Chuẩn Đề và Bồ-tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (Xin xem mục 2. và 3. bên dưới).
Ngày nay, Chân ngôn có thể được cảm nghiệm phần nào qua các âm thanh liệu pháp và âm nhạc liệu pháp (sound therapy, music therapy) của y học.
2/. Chánh niệm trong tu Tuệ:
Phổ biến nhất của Chánh niệm trong tu Tuệ nơi hạnh Quán Âm là trì tụng
Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh (般若波羅蜜多心經; S: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajnaparamitahridaya Sūtra; E: Heart of Perfect Wisdom Sutra), còn được gọi là Bát-nhã Tâm kinh hay Tâm kinh. Đây là bản kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Bắc truyền. Đó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.
Kinh này được hầu hết các Phật tử tại Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, và Trung Quốc biết đến và rất thường dùng trong việc đọc tụng.
Về việc xuất hiện của kinh này không được các tác giả thống nhất. Thời điểm ra đời của kinh có thể là từ năm 100 tCN đến thế kỷ thứ 2, và một số tác giả cho rằng bài kinh này do Bồ-tát Long Thọ (Nàgàrjuna) viết ra.
Bản kinh phổ biến nhất ở Việt Nam là bản dịch của sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng Pháp Sư) vào năm 649, sau khi sư đã thỉnh kinh về. Trước đó đã có nhiều sư dịch từ tiếng Phạn ra Hán, trong đó có Cưu Ma La Thập (402-412), Nghĩa Huyền, Pháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi Ngôn, Trí Tuệ Luận, Pháp Thành, và Thi Hộ.
Kinh cũng đã được sự chú giải của rất nhiều sư từ nhiều quốc gia. Riêng ở Việt Nam, người chú giải kinh này đầu tiên là thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động (tỉnh Ninh Bình) thời vua Minh Mạng.
Về đại cương thì các bản văn đều khá rõ và giống nhau nhưng về chi tiết ngay các bản chữ Phạn để lại cũng có chi tiết khác nhau. Dĩ nhiên là trong các bản dịch như tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Việt, … đều có những chi tiết khác nhau nhỏ.
Trong thập niên cuối của thế kỷ 19 thì bản kinh mới được Samuel Beal dịch ra Anh ngữ. Còn Edward Conze (1904-1979), nhà nghiên cứu Phật học Anh với nhiều công trình nghiên cứu đã không thể tìm thấy được bài văn nguyên thủy của kinh này, mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy có một nguyên bản ban đầu của kinh này.
Toàn bộ bộ kinh lớn Đại Bát Nhã cũng đã bị quân Hồi giáo tiêu hủy khi họ đánh chiếm Đại học Nalanda của Phật giáo. (Xin xem: Lịch sử Phật giáo)
Khi so lại bản dịch phổ biến hiện nay, hầu hết dịch lại từ bản Hán ngữ của sư Trần Huyền Trang thiếu vắng phần khai kinh và phần kết luận so với một phiên bản khác còn đầy đủ hơn được lưu lại trong bản Tạng ngữ.
Bài Bát-nhã Tâm kinh thường thấy lắp ghép vào bố cục của các nghi thức kinh tụng tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung các bản dịch Hán và Việt của Bát-nhã Tâm kinh do Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch:
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh – Wikipedia tiếng Việt
- Bản dịch Hán
觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若 波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即說咒曰 揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝菩提僧莎訶
- Bản phiên âm Hán-Việt
Quán-Tự-Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời , chiếu kiến ngũ-uẩn giai Không , độ nhất thiết khổ ách .
"Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ,Tưởng,Hành,Thức diệc phục như thị ".
Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp Không tướng, bất sinh , bất diệt, bất cấu , bất tịnh, bất tăng , bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ , tưởng , hành , thức.
Vô nhãn , nhĩ , tỷ thiệt , thân , ý ; vô sắc ,thanh , hương , vị ,xúc , pháp ; vô nhãn giới ,nãi chí vô ý thức giới.
Vô Vô-minh diệc, vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô Khổ , Tập , Diệt , Đạo , vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô sở đắc cố , Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng-bố, viễn ly điên đảo mộng-tưởng, cứu cánh Niết-Bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú . Tức thuyết chú viết:
"Yết-đế, yết-đế, Ba-la yết-đế. Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha"
- Bản dịch Việt bằng văn trường hàng
Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác giải thoát, đã thấy ra rằng tất cả năm uẩn đều Không (= tuy có mà không thực là có). Giác ngộ điều ấy xong, Bồ-tát vượt qua được mọi khổ đau ách nạn.
“Này Śāriputra, hình Sắc (Sắc uẩn) này với tự tánh là Không ở nơi hình sắc này. Điều này cũng đúng với các cảm Thọ, suy Tưởng, tâm Hành và nhận Thức (Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn).
“Này Śāriputra, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều mang theo tướng Không. Tất cả không tự sinh ra, không tự diệt đi, không thêm-không bớt, không dơ-không sạch.
“Chính vì vậy với tự tánh Không mà năm uẩn là hình sắc, cảm thọ, suy tưởng, tâm hành và nhận thức đều không là những thực tại riêng biệt. Mười tám lĩnh vực hiện tượng là sáu Căn, sáu Trần, sáu Thức cũng đều không là những thực tại riêng biệt; mười hai Nhân Duyên cùng sự chấm dứt của chúng, hay bốn đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng đều không là những thực tại riêng biệt; tuệ giác và chứng đắc cũng đều như thế.
“Vị bồ-tát khi thực tập phép quán tuệ giác giải thoát không thấy có gì cần được chứng đắc, nên không thấy còn có gì chướng ngại trong tâm. Và vì tâm không còn chướng ngại nên vị ấy vượt qua được mọi sợ hãi, vượt qua được mọi thấy biết mê lầm và đạt được thực tại Nirvāṇa.
“Tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác giải thoát mà đạt tới Chánh giác toàn vẹn.
“Cho nên, này thầy Śāriputra, ai cũng cần biết rằng tuệ giác giải thoát là một phương tiện tu học chói sáng và kỳ diệu không gì so sánh được. Đó là tuệ giác chân thực có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn. Vì vậy ta nên tán dương tuệ giác giải thoát tựa như một linh chú sau:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”
- Bản dịch Việt bằng kệ tụng 5 chữ.
Bồ-tát Avalokiteśvara
Khi quán chiếu sâu sắc,
với tuệ giác giải thoát,
đã khám phá ra rằng:
Cả năm uẩn đều Không.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt qua được
mọi khổ đau ách nạn.(C)
“Này Śāriputra,
Hình Sắc này là Không,
Không nơi hình sắc này;
điều này cũng đúng với
cảm Thọ và suy Tưởng,
tâm Hành và nhận Thức. (C)
“Này Śāriputra,
Mọi sự vật đều Không,
không sinh cũng không diệt,
không có cũng không không,
không dơ cũng không sạch,
không thêm cũng không bớt. (C)
“Cho nên với tánh Không,
năm uẩn đều không thể
tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng,
là sáu Căn, sáu Trần
và sáu Thức cũng thế;
cùng mười hai Nhân Duyên,
sự chấm dứt của chúng.
Tất cả đều như thế,
không tự riêng có mặt;
Và Khổ, Tập, Diệt, Đạo;
Tuệ giác và Chứng đắc.
Tất cả đều như thế,
không tự riêng có mặt. (C)
“Khi một vị Bồ-tát
Nương tuệ giác giải thoát,
không thấy có sở đắc,
nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại,
nên không còn sợ hãi,
vượt qua mọi vọng tưởng,
đạt thực tại Niết-bàn. (C)
Chư Phật trong ba đời,
nương tuệ giác giải thoát,
đều có thể thành tựu,
quả chánh giác toàn vẹn. (C)
“Vậy nên phải biết rằng:
Phép tuệ giác giải thoát,
là phương tiện chói sáng,
là phương tiện kỳ diệu,
là phương tiện cao tột,
mà không phương tiện nào
có thể so sánh được.
Phép tuệ giác giải thoát,
là tuệ giác chân thực,
có khả năng diệt trừ
tất cả mọi khổ nạn. (C)
Vậy ta hãy tuyên thuyết,
phép tuệ giác giải thoát
như một câu linh chú:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”
- Bản dịch Việt phổ thơ lục bát
Khi hành Bát Nhã Ba La
Ngài Quán Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều Không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
Này Xá Lợi Tử xét ra
Không là Sắc đó, Sắc là Không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc vẫn sánh tài như nhau
Thọ, Tưởng, Hành, Thức uẩn nào,
Cũng như Sắc uẩn, một màu không không
Nầy Xá Lợi Tử ghi lòng
Không không tướng ấy, đều Không tướng hình
Không tăng giảm, không trược thanh
Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
Vậy nên trong cái Chơn không
Vốn Không năm uẩn, cũng Không sáu trần
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc, thinh
Từ không giới hạn mắt nhìn
Đến không ý thức, vô minh cũng đồng
Hết vô minh, cũng vẫn không
Hết già, hết chết, cũng không có gì
Không Khổ, Tập, Diệt, Đạo kia
Trí huệ chứng đắc cũng là Không, Không
Sở thành, sở đắc bởi Không
Các vì Bồ Tát nương tùng huệ năng
Tâm không còn chút ngại ngăn
Nên không còn chút băn khoăn sợ gì
Đảo điên mộng tưởng xa lìa
Niết Bàn mới đến bên kia bến bờ
Ba đời chư Phật sau, xưa
Đắc thành Chánh giác cũng nhờ huệ năng
Trí huệ năng lực vô ngần
Đại Minh vô thượng, Đại Thần cao siêu
Trí huệ năng lực có nhiều
Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
Trí huệ năng lực vô biên
Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
Liền theo lời chú thuyết rằng:
Độ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.
Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề Tát bà ha.
Xem thêm:
- Đọc va hiểu Bat Nha Tam Kinh - Nguoi Cu Si
- Tìm Hiểu Ý Nghĩa BÁT NHÃ BA-LA-MẬT ĐA TÂM KINH
- Chú giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa - Phatgiao.org.vn
- New Heart Sutra translation by Thich Nhat Hanh – Plum Village
- Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Kinh Sanskrit/Hán Tạng - THƯ VIỆN ...
VIDEO
- HT. Thích Thanh Từ: Bát Nhã Tâm Kinh
- Bát Nhã Tâm Kinh - TT. Thích Chân Quang
- Bát Nhã Tâm Kinh Phần 1 - Thầy Thích Phước Tiến
- Bát Nhã Tâm Kinh Phần 2 - Thầy Thích Phước Tiến
- Trái Tim của Hiểu Biết (Bát Nhã Tâm Kinh) - Thích Nhất Hạnh
- Lúc Nào Tụng Chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh (vấn đáp) - Thầy Thích Pháp Hòa
1.4.- Tín ngưỡng về Bồ-tát Quán Thế Âm.
Tín ngưỡng Quán Thế Âm được xem là phát xuất từ Ấn Độ, sau đó nhờ công tác phiên dịch kinh điển mà nó được truyền sang Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam v.v…
Bản kinh có đề cập đến Bồ-tát Quán Thế Âm là kinh Pháp Hoa Tam Muội, gồm 6 quyển, do Chi Cương Lương Tiếp dịch vào năm Ngũ Phụng thứ 2 (255CN) triều đại nhà Ngô thời Tam Quốc. Đây là bộ kinh được dịch sớm nhất. Sau đó, Trúc Pháp Hộ dịch Chánh Pháp Hoa Kinh Quán Thế Âm Phổ Môn phẩm vào năm Thái Khang thứ 7 (286 CN). Rồi Cưu-ma-la-thập dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn phẩm vào năm Hoằng Thỉ thứ 8 (406) đời Diêu Tần.
Bắt nguồn từ các kinh được phiên dịch ra chữ Hán kể trên mà sự tín ngưỡng Quán Thế Âm dần dần phát triển mạnh. Tại các nước Châu Á, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc truyền thì hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm tượng trưng cho mẹ hiền cứu khổ thế gian, được nhiều người thành kính tin tưởng và rất mực tôn sùng.
Bodhisattva Avalokitesvara (Tibet)
Tại Tây Tạng, sự tín ngưỡng Quán Thế Âm rất thịnh hành. Quán Thế Âm được xem là “Người bảo vệ xứ tuyết” và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Bồ Tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng-tán Cương-bố (620-649), được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm. Lạt-ma giáo cho rằng đức Đạt-lại Lạt-ma (Dalai Lama hay Tenzin Gyatso) và Cát-mã-ba (Karmapa) tái sinh nhiều đời chính là hình ảnh hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Hình tượng Quán Thế Âm ở Tây Tạng thường được trình bày là hình tượng Chuẩn Đề. Câu Chân ngôn Oṃ Maṇi Padme Hūṃ được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất.
1.5. Huyền thoại về Quán Thế Âm.
Có rất nhiều huyền thoại về Bồ-tát Quán Thế Âm. Dưới đây là những huyền thoại phổ biến:
1) Truyền thuyết về Quán Thế Âm.
Theo kinh Bi Hoa, có nói rằng đức Quán Thế Âm vốn là thái tử, con trai của vua Vô Tránh Niệm. Lúc đó, vua và thái tử phát tâm bồ đề, thành kính cúng dường và phát nguyện tu học được với vị Phật bấy giờ là Bảo Tạng Như Lai. Phật đã thọ ký vua và thái tử, mà sau này khi thành Phật có thể giúp chúng sinh muôn nơi thoát khỏi khổ đau.
Về sau, vua Vô Tránh Niệm chứng ngộ thành Phật lấy hiệu là A Di Đà, còn thái tử chứng ngộ thành bậc Đại Bồ Tát, hiệu là Quán Thế Âm. Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm cùng dẫn dắt chúng sinh trở về cõi Cực Lạc.
Trong kinh sách, văn học thần thoại, thì Bồ-tát Quán Thế Âm là vị có thần lực nhất chỉ sau Phật Thích Ca. Điều này có thể do Ngài là vị cứu độ rộng lớn tất cả chúng sinh, nên được nâng lên một tầm quan trọng như vậy để thể hiện lòng tôn kính của mọi người. Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân trong tất cả các hình tướng để cứu độ chúng sanh, nhất là trong các hoạn nạn về lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm.
Ý nghĩa của Bồ-tát Quan Thế Âm.
- Bồ-tát 菩薩 là độ thoát, cứu giúp chúng sanh vượt qua khổ đau trong cuộc sống.
- Quán 觀 là sự quan sát, hiểu biết rõ ràng về đối tượng.
- Thế 世 là thế gian, cuộc sống trong thế gian.
- Âm 音 là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ.
Theo đó, Bồ-tát Quan Thế Âm là vị luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu từ chúng sinh trong nhân gian để cứu độ. Bồ-tát Quan Thế Âm mang lòng Từ Bi, không phân biệt trong việc cứu giúp tất cả muôn loài, như một người mẹ luôn bảo vệ những người con của mình.
Theo truyền thuyết, một năm có 3 ngày là ngày vía Bồ-tát Quán Thế Âm, là những ngày kỷ niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện nơi thế gian này được ghi nhận, đó là:
- Ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày Quán Thế Âm đản sanh.
- Ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày Quán Thế Âm thành đạo.
- Ngày 19 tháng 9 âm lịch là ngày Quán Thế Âm xuất gia.
Ở một ý nghĩa triết lý đúng đắn, thì Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu tượng cho phương pháp tu học để vượt qua khổ đau, đạt tới Giác ngộ-Giải thoát.
2) Quan Âm Nam Hải :
Theo một huyền thoại Trung Quốc thì Quán Thế Âm là con gái thứ ba của một nhà vua. Lớn lên, mặc dù vua cha ngăn cản, nhưng công chúa quyết đi tu. Cuối cùng vua nổi giận, sai đem giết nàng. Công chúa tái sinh lại trên núi Phổ-đà biển Đông và trở thành người cứu độ cho ngư dân.
Theo đó, tại Trung Quốc, các ngư dân thường cầu nguyện Quán Thế Âm để được bình an trong các chuyến đi đánh cá. Vì thế, Quán Thế Âm cũng có biệt hiệu "Quan Âm Nam Hải".