Chủng virut Delta hoành hành ở Sài Gòn, khuynh đảo sự sống ở đô thị lớn nhất đất nước với hơn 8 triệu dân cư. Thành phố lâm vào tình trạng không khác thời chiến bởi lệnh phong toả nâng dần, sinh hoạt bị khu biệt tại chỗ. Bài toán nhu yếu phẩm cho sự sống nhiều triệu dân trong điều kiện không bình thường ở Sài Gòn đặt ra gay gắt, cấp bách.
Nhà nước đã có sự tập trung nguồn lực cho thành phố, từ vắc xin đến nhân sự y tế, lương thực. Mới đây chính phủ đã giao quân đội chủ trì cung cấp lương thực cho dân cư Sài Gòn.
Tuy nhiên, đấy là những nét lớn, đi vào thực tế bài toán có những góc khuất đáng lo lắng.
Như mọi đô thị lớn, Sài Gòn có cấu trúc hạ tầng, phân bố nhân khẩu, bản đồ dân cư phức tạp. Các khu vực qui hoạch, xây dựng bề thế như ở trung tâm quận 1 nơi địa chỉ số nhà hẳn hòi, cảnh sát khu vực quản lý chặt, liên lạc dễ dàng không phải là tất cả. Sài Gòn rộng lớn còn bao gồm nhiều khu vực dân cư nghèo, nhà ổ chuột, các hẻm hóc chằng chịt như địa đạo và những chỗ ở không địa chỉ... Các khu vực ấy là những điểm chết khi có hoả hoạn hay truy bắt tội phạm cả dưới chế độ cũ, thời thuộc địa hay VNCH, và mấy chục năm dưới chế độ XHCN các điểm chết vẫn nhức nhối về dân sinh, an ninh, môi trường... Tình hình xã hội ở nhiều khu vực dân cư thành tồi tệ hơn cả những vùng xa xôi của tỉnh lẻ: muốn phát một cánh thư, thực hiện một giao dịch hành chính không hề đơn giản. Thời chiến tranh, khi cán binh cộng sản bị truy đuổi lọt được vào các góc khuất ấy đối phương của họ, cảnh sát và an ninh VNCH, phải đau đầu. Nói cho công bằng, đô thị lớn nào, Nữu Ước- Xít nây- Bom bây...đều có tình trạng đó, nhưng do qui định của trình độ phát triển, nguồn lực vật chất và khả năng mang tính kỹ thuật, tình trạng những góc khuất ở Sài Gòn nặng nề hơn và chậm được cải thiện.
Các khu vực này trong tình trạng khủng hoảng dễ bị bỏ quên và tạo nên vấn đề nhân đạo và điều này không khó hiểu.
Một khó khăn cho công tác cứu trợ ở thể chế XHCN ở chỗ xã hội dân sự bị triệt tiêu, mọi hoạt động xã hội đều trong tay Đảng, nhà nước của Đảng hay các đoàn thể công cụ của Đảng, hoạt động cứu trợ của đồng bào về nguyên tắc phải thông qua hệ thống đấy, từ xin phép, thông báo đến “nhờ” đảng, nhà nước, đoàn thể trao giúp cho đồng bào. Chuyện nhà từ thiện tận tay hỗ trợ cho bà con nghèo cùng lời an ủi sẻ chia cũng không dễ, không phổ biến, bị coi là đi ngang về tắt. Hoạt động cứu trợ miền Trung mới đây cho nhiều bài học. Ở đâu bạn cũng cũng khó trực tiếp gặp người dân, phải thông qua chính quyền cơ sở, và phải cứu trợ tại trụ sở UBND xã.... Trong lũ, ca sỹ Thủy Tiên đã xông xáo dấn thân lội nước trong nội ô Huế trao từng thùng mì cho bà con, tạo một tiền lệ và sau đấy gánh một loạt trận đánh từ truyền thông mà nếu động não sẽ đoán đòn đánh từ đâu: “ người ta” không thích làm trái ý, dù việc thiện trong hoàn cảnh cấp bách cũng phải trong sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự ghi công của các đoàn thể của họ. Điều này bất nhân, phi lý.
Anh chị có tiền, có lòng, muốn giúp đồng bào, phải đến MTTQ “xin” giúp, trao tiền hàng để nhờ MTTQ trao cho người nghèo theo “ tiêu chí” của mặt trận gồm thân bằng quyến thuộc cán bộ, gia đình có công với Đảng mà không chắc có trao hết hay không. Đảng tặng giấy khen, vỗ tay. Một ấp khóm trao hoài, bao nhiêu nhà tài trợ nhân đạo đến, nhưng mưa không đều, có địa chỉ liên tục có quà, nhiều nhà đói bị bỏ quên một cách cố ý vì không đủ “ tiêu chí”.
Quay lại những góc khuất ở Sài Gòn cùng bài toán cứu trợ gian nan. “ Ai ở đâu yên ở đấy”, nếu ở yên trong hẻm nhỏ không tên, nhà không số, cái đói khát thiếu thốn bên trong các rào dân quân diễn ra lặng lẽ, không nhà hảo tâm nào tìm đến được nơi mà chính dân cố cựu ở Sài Gòn lắm khi bó tay. Từ Bắc Trung Nam muốn cứu trợ Sài Gòn phải qua một chặng đường dài với nhiều chốt chặn, lọt được vào thành phố không dễ, rồi làm sao đến các địa chỉ thực sự cần ở bên trong các rào chắn?
Những ngày qua, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm đã vất vả tiếp cận đồng bào nghèo thành phố.
Những nỗ lực ấy cho thấy tấm lòng nhưng không giải quyết được nhiều, cứu trợ cho những góc khuất ở Sài Gòn cần bài bản, căn cơ hơn, cần thay đổi suy nghĩ của nhà cầm quyền dám đặt lợi ích, sự sống đồng bào lên trên các nguyên tắt chính trị có nguồn gốc từ thời chiến. Làm sao cho xã hội dân sự hoạt động, trực tiếp cứu trợ đồng bào tận tay, nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng dịch và an ninh, không can thiệp sâu vào hoạt động cứu trợ bằng tiền túi của nhân dân.
... Các hội đoàn, nhóm thiện nguyện, tổ chức quần chúng không có yếu tố Đảng hay yếu tố chính trị khác, của dân chúng, của tôn giáo, thương nhân...mang tình nghĩa con cháu Lạc Hồng san sẻ cho bà con, cho những góc khuất, cho những số phận không đủ “ tiêu chí” do Đảng qui định, giúp bà con chỉ vì tình máu cháy ruột mềm, không có gì khác và chỉ như thế đã đủ cao quý. Đảng cộng sản ưa xài chữ nhân dân, tại sao không tin dân vào lúc dầu sôi lửa bỏng này? Sao Đảng không tự tin để dân cứu dân, khi hoà bình đã mấy chục năm và Đảng đã xây dựng thiên la địa võng khắp nơi?
Để những phận đời nghèo chờ chết ở những góc khuất đô thị bị phong toả trong khi hàng hoá cứu trợ ách tắt hay không đủ thủ tục, là tội ác.
Theo cách nói của Đảng, đấy là THẤT CHÍNH TRỊ.
Ở những góc khuất Sài Gòn, bình thường khi chưa có dịch, bà con đã đói rồi...
Và xét cho cùng, không chỉ Sài Gòn mới có những góc khuất đói nghèo mưa không đến, nắng cũng không tới được càng quẫn bách trong đại dịch, cần được đoái hoài san sẻ...
Nguyễn Thành Công