Niềm tin trong đạo Phật
***
I. Khái niệm về niềm tin.
Tín = Tin 信 là từ gốc Hán, có nghĩa là chấp nhận, không nghi ngờ một sự vật hay hiện tượng nào đó, cho là có thật, là đúng sự thật. Mà thực ra, sự vật hay hiện tượng đó chưa chắc là có thật hay đúng sự thật.
Tín là một động từ hay danh từ:
- Động từ: Tín = Tin (E: to believe, to have confidence in; F: croire, avoir confiance).
- Danh từ: Tín = Tin = Niềm tin (E: belief, confidence; F: croyance, confiance)
Niềm tin được xem là một điểm tựa quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi con người trong đời sống đạo đức xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo hay khoa học.
Niềm tin là một thuộc tính tâm lý (E : psychological attribute).
- Niềm tin với nhận thức cảm tính là một loại hiện tượng tâm lý (E : psychological phenomena) thể hiện tính nương tựa, thụ động đồng hành cùng hình thức biểu trưng trừu tượng như lễ nghi chẳng hạn, mà đại diện là các nhà truyền giảng tôn giáo.
- Niềm tin với nhận thức lý tính là một loại hiện tượng tâm lý thể hiện tính suy lý, chủ động đồng hành cùng các hình thức thực nghiệm cụ thể, mà đại diện là các nhà triết học, khoa học.
II. Phân loại niềm tin:
Có thể tạm phân làm 2 loại niềm tin với hai tính chất định tính và định lượng kèm theo như sau.
1) Niềm tin tốt (E: good belief; F: bonne croyance): Đó là niềm tin, mà khi sống với nó, sẽ đem lại lợi ích thực tế về vật chất và tinh thần cho chính mình và thế giới bên ngoài. Trí tuệ được xem là đầu mối của niềm tin tốt. Không thể nhân danh hay hứa hẹn những ảo tưởng của niềm tin, mà thực tế là gây ra biết bao đau khổ, sợ hãi và tăm tối cho thế giới sống này.
Có một số từ chỉ tính chất cho một niềm tin tốt là:
- Chánh tín (正信; E: right belief; F: croyance juste): Đó là niềm tin mang tính chân thực, nghiệm đúng những suy nghĩ trên thực tế. Niềm tin này bắt nguồn từ động lực của lý trí, thường trước đó sự vật-hiện tượng nào đó chưa thấy hay chưa biết, sẽ được phân tích bằng phán đoán lý trí hợp lý nào đó và thực tế sẽ nghiệm lại tính đúng hay sai. Thường thì Chánh tín là những niềm tin nơi các nhà khoa học …
Trong tôn giáo vô thần như Phật giáo chẳng hạn, Chánh tín là niềm tin đặt trên chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Như vây, để gọi là niềm tin tốt, có lẽ niềm tin này phải thỏa đủ 3 tính chất là chân thực, đạo đức nói trên, đồng thời cũng đem lại lợi lạc thực sự cho thế giới sống này.
- Sùng tín (崇信; E;F: devotion): Đó là niềm tin tốt thể hiện với tinh thần kính trọng và ngưỡng mộ có tính chuyên chú, mạnh mẽ nơi một giá trị đem đến nhiều điều lợi ích. Sùng tín thường đề cao yếu tố lý trí chân thực bằng sự giáo dục mang tính khai phóng.
2) Niềm tin xấu (E: bad belief; F: mauvaise croyance):
Có thể nói rằng niềm tin xấu là ngược lại với niềm tin tốt. Đó là niềm tin mà trong đó thiếu vắng một trong 3 yếu tố: Chân chánh – Đạo đức – Lợi lạc. Thật vậy, khi thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì 2 yếu tố còn lại dễ trở thành ảo tưởng hay giả dối để lường gạt và làm hại cho thế giới sống. Si mê được xem là đầu mối của niềm tin xấu.
Một số dạng niềm tin xấu thường gặp:
- Mê tín (迷信; E;F: superstition): Đó là niềm tin xấu và thường được chỉ cho niềm tin thiếu vắng yếu tố chân chánh, niềm tin này là sự thừa nhận bằng phán đoán cảm tính và thật sự không hiểu điều mình tin là gì, sau đó là những tai hại đưa đến từ những niềm tin này. Thường đây là những niềm tin nơi các đồng bóng, tôn giáo …
- Cuồng tín (狂信; E: bigotry; F: bigoterie): Đó là niềm tin xấu mãnh liệt, điên cuồng, mù quáng nơi một giá trị sai lầm, gây ra nhiều tai hại bằng bạo động, khủng bố và chiến tranh dưới mọi hình thức nhân danh. Cuồng tín thường khởi nguồn từ mê tín, hạ thấp giá trị lý trí chân chánh bằng sự giáo dục mang tính nhồi sọ. Thường đây là những niềm tin được thấy nơi các tôn giáo và các chủ nghĩa chính trị …
III. Niềm tin trong đạo Phật.
Niềm tin được đạo phật chia làm hai loại sau:
- Chánh tín (正信; P: Sammā-saddhā; S: Sammā-śraddhā; E: Right belief; F: Croyance juste) : Đó là niềm tin đúng đắn, hợp với Chân lý Duyên khởi và Đạo đức Duyên khởi. Niềm tin này giúp hành giả đi tới nột nội tâm trong sáng và hành động nhiều thiện lành. Niềm tin này đối với một sự kiện được hình thành sau khi hành giả đã chứng kiến và hiểu rõ sự kiện.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật cũng đã khai thị: “Chánh tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”.
- Tà tín (邪信; P: Micchā-saddhā; S: Mithyā-śraddhā; E: Wrong belief, false belief; F: Croyance erronée, fausse croyance) : Đó là niềm tin không phù hợp với Chân lý Duyên khởi và Đạo đức Duyên khởi. Niềm tin này được xem như xuất phát từ các động lực bất thiện Tham, Sân, Si, dễ dàng đưa hành giả tới những hành động bất thiện. Niềm tin này đối với một sự kiện trên con người được nhồi sọ hay áp đặt một cách vô điều kiện.
Đại sư Atisha nói: “Nếu rễ cây đã độc thì cành lá cũng độc, nếu rễ cây có dược tính thì cành lá cũng có dược tính. Tương tự nếu gốc rễ đã Tham Sân Si thì bất cứ gì người ta làm cũng đều bất thiện”.
Nơi Ngũ căn-Ngũ lực của 37 Phẩm Trợ Đạo có Tín căn và Tín lực, có ý nghĩa sau:
Tín căn (信根; P: Saddhindriya; S: Śraddhendriya): Có nghĩa là hành giả cần tạo dựng cho mình có được nền tảng (= căn 根) là Chánh tín (= tín信) để đoạn trừ sự mê tín.
Tín lực (信力; P: Sadhā-bala; S: Śraddhābala): Có nghĩa là hành giả cần hành trì Chánh tín để có được sức mạnh vững vàng đoạn trừ sự mê tín.