Âu đó cũng là sự bình thường. Bởi ti vi hồi ấy được sán xuất từ các nước tư bản có khoa học công nghệ phát triển cao mà nhập vào đô thị các nước, trong đó có đô thị Sài gòn. Sau này được biết: giá tiền mỗi cái ti vi hồi ấy đâu có rẻ. Quan trọng đi liền là có điện đóm để mà coi/xem được ti vi hay không. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là “ti vi đen trắng”.
Chuyện kể: Có một anh bộ đội mới vô nam, gặp bà con ở Sài Gòn. Khi họ hỏi rằng: ngoài quê có ti vi không vậy. Anh mới hồn nhiên trả lời: “Tưởng gỉ chứ, ngoài quê mình ti vi chạy đầy đường”. Thì ra, anh ấy chưa hề biết cái ti vi nó ra sao. Chắc anh nghĩ ti vi là một phương tiện giao thông nào đó như mô tô, xe máy chẳng hạn. Vậy thôi.
Câu chuyện tiếu vui này đã lùi vào dĩ vãng, dù có thật hay không. Và những người loan chuyện cũng không phải có “ý đồ” gì. Giả sử chuyện đồn này là có thật đi chăng nữa thì câu trả lời như trên của anh bộ đội cũng là sự thường, rất đáng cảm thông.
Quả thật, ở miền Bắc sau năm 1975 dần mới có ti vi. Người Bắc nói chung hồi ấy gọi ti vi là “vô tuyến” hay “máy vô tuyến truyền hình”.
Hồi ấy, mua sắm, trang bị được cái ti vi không hề là việc đơn giản. Chỉ có những cơ quan nhà nước, những hộ gia đình khá giả lắm mới mua sắm được. Để mua sắm ti vi, người ta phải dành dụm, tích lũy rất cố gắng, chẳng hạn như nuôi lợn, buôn bán và làm nhiều việc thời bao cấp. Thế nên, chiếc ti vi là cả một phần gia sản.
Nhiều nhà mua sắm tấm vải đẹp, tấm voan che phủ chiếc ti vi để chống bụi, ngừa xây xước do tác động, ngừa côn trùng…
Năm 1978, chúng tôi mới được xem ti vi và được ngắm nghía cái ti vi, mà hồi ấy chúng tôi vẫn gọi nó là “cái vô tuyến”.
Chiều ngày chủ nhật, cánh sinh viên chúng tôi sang xem nhờ ti vi ở hội trường một cơ quan gần trường tôi, tuy không được xem nhiều do lệ thuộc quy chế do ban quản trị nhà trường đó thực hiện rất nghiêm.
Được xem ti vi năm ấy, ấn tượng nhất của riêng tôi về chương trình ti vi là xem những trận bóng đá thuộc giải bóng đá thế giới (wordcup) được tổ chức tại Ác hen ti na.
Vào trước trận chung kết, ban quản trị ký túc xá chúng tôi mở ti vi ở gần cổng ra vào ký túc xá cho sinh viên và bà con xem. Qua hai hiệp thi đấu rực lửa, nghẹt thở ở đỉnh cao, đội tuyển Áchentina đã chiến thắng đội tuyền Hà Lan, giành ngôiv ô địch. Ấy là chuyện cũ.
Mỗi khi xem ti vi, tôi có sự cảm thương về cha mẹ, bạn bè, những người thân của tôi ở nơi xa còn chưa được xem ti vi, thiệt thòi biết mấy. Bởi vì: được xem ti vi là được tiếp thu, hưởng thụ về thông tin, văn hóa do khoa học công nghệ đem lại. Có một câu hỏi thi thoảng vẫn chập chờn trong tâm thức tôi là: Đến bao giờ mỗi nhà mới có được một cái ti vi…
Ở mỗi làng xóm hay ở phố phường thời ấy, xem nhờ ti vi cũng là cả vấn đề: Làm sao tránh được sự nhiêu khê không đáng có, phải lệ thuộc vào chủ nhà khi họ dùng bữa tối, tiếp khách. Khi xem ti vi, tránh bình luận, hò reo. Ấy là chưa nói về sự rộng hẹp của không gian đặt ti vi. Rồi khoảng cách mình đi tới đó xa hay gần. Về thời tiết (có gió mưa, bão lụt hay không)…
Còn nhớ: Ti vi ở ta hồi ấy chủ yếu có hai loại. Một là ti vi nhãn hiệu Neptuyn do Ba Lan sản xuất, phần vỏ ti vi được làm bằng gỗ. Hai là ti vi nhãn hiệu Sam sung do Hàn Quốc (trước kia gọi là Nam Triều Tiên) sản xuất, vỏ nhựa. Hai loại ti vi này có núm điều chỉnh theo lối “vặn” chứ không phải “ấn”. Không có điều khiển từ xa.
Xoay chỉnh ăng ten để lấy cho được độ nét của ti vi cũng không hề đơn giản. Hầu hết ăng ten ti vi được làm bằng nhôm, mua ở chợ về. Ăng ten được buộc níu chặt vào ngọn cây tre, cây luồng, rồi cố định phía giữa thân tre, luồng vào ngôi nhà, sao cho có thể xoay ăng ten cả vòng 360 độ. Việc xoay chỉnh ăng ten đòi hỏi sự phối hợp giữa người xoay và người xem ti vi, thường là với những tiếng nói to làm tín hiệu như: “chưa được”, “xoay lại đi”, “được rồi”, “được rồi đấy”.
Độ lớn nhỏ (rộng hẹp) của màn hình ti vi hồi ấy cũng được tính, gọi theo số đo độ dài đường chéo của màn hình. Đơn vị đo theo quy định xưa nay vẫn là inh (inc), một đơn vị đo quốc tế. Mỗi inc tương ứng 2,5 cm. Ti vi Sam sung gia đình phổ biến có cỡ màn hình 14 inc.
Về chương trình truyền hình, nói chung từ những năm tháng ban đầu của Đài Truyền hình Việt Nam là chương trình thời sự rồi tiếp đến là các chương trình, chuyên mục khác nhưng chưa phong phú như về sau. Vào tối thứ bảy hàng tuần có mở đầu là chương trinh “Những bông hoa nhỏ” phục vụ thiếu nhi, mà hấp dẫn, yêu thích cho cả trẻ em và người lớn.
Riêng về chương trình phim thì Đài Truyền hình Việt Nam, tức Đài truyền hình Trung ương đã sớm có phim tài liệu, thời sự, phim truyện. Về phim truyện, phần lớn là “phim truyện chiến đấu của Liên Xô”, phim của các nước xã hội chủ nghĩa. Về sau mới có thêm các nguồn phim khác tới từ nhiều quốc gia.
Từ những năm 90 của thế kỷ hai mươi trở đi mới có ti vi màu. Thay ti vi đen trắng bằng ti vi màu là một sự “lên đời”. Cả một thời gian dài, ti vi màu và ti vi đen trắng cùng tồn tại, hoạt động theo kiểu “xôi đỗ”.
Ngày nay, ti vi đen trắng không còn nữa. Song, chắc nhiều người đương thời vẫn còn hồi tưởng lại “cái thuở ti vi đen trắng”. Ôi, nhớ biết bao.
N.Q.H