Một phần bộ sưu tập khổng lồ các tiểu tháp năm tầng bằng gỗ vừa được phát hiện tại Chùa Entsuji được trưng bày tại Bảo tàng Koyasan Reihokan, Koya, tỉnh Wakayama, Nhật Bản. (Nguồn: Mainichi/Kazuo Matsuno)
Các tiểu tháp nói trên, số lượng ước tính lên đến hàng chục ngàn cái, được cất giữ trong 16 chiếc hộp gỗ. Những tiểu tháp đã được kiểm tra cho đến hiện tại đều được làm từ gỗ tuyết tùng và gỗ bách Nhật Bản. Mỗi tiểu tháp cao khoảng 9 cm và rộng khoảng 3 cm. Rất hiếm khi tìm thấy một số lượng lớn tiểu tháp bằng gỗ như vậy ở Nhật Bản.
“Rất nhiều khả năng chúng được sử dụng để cầu nguyện. Chúng ta có thể rằng đây là những hiện vật lịch sử vô cùng quý giá”, một đại diện của Hội bảo tồn tài sản văn hóa Núi Koya cho biết.
Các văn tự Ấn Độ được viết trên một chiếc hộp cho thấy có 15.218 tiểu tháp được cất giữ. Có ý kiến cho rằng chúng được tạo ra vào năm thứ bảy niên hiệu Tenpo (1830-1844) theo lịch hoàng gia. Một dòng chữ riêng biệt khác thậm chí nhắc đến con số 84.000 tiểu tháp. Rất có thể chúng đã được thu thập trong thời kì Tenpo.
Năm tầng của các tiểu tháp tượng trưng cho năm yếu tố: đất, nước, lửa, gió và không khí – những thành tố cấu thành không gian vật lý trong Phật giáo bí truyền. Mỗi phần của tiểu tháp đều có các chữ sanscrit được viết trên bề mặt. Một số tiểu tháp mang những cái tên sau khi qua đời của những người quá cố, tên của những người bảo trợ và xuất xứ của họ. Ngoài ra, dưới đáy của một số tiểu tháp còn có phần chạm đục đường kính khoảng 5 mm để cất một mảnh giấy nhỏ viết kinh Phật trong đó.
Một tiểu tháp năm tầng bằng gỗ với những chữ sanskrit được viết trên bề mặt mỗi tầng và bên cạnh là mảnh giấy được cất giữ bên trong tiểu tháp. (Nguồn: Mainichi/Kazuo Matsuno)
Theo giải thích của Hội bảo tồn tài sản văn hóa Núi Koya, hoàng đế Ấn Độ cổ đại A Dục Vương được cho là đã phân phát xá lợi của Đức Phật thành 84.000 phần, từ đó truyền bá giáo lý Phật giáo đi xa và rộng khắp.
Các nhà sư tu học ở Núi Koya, được gọi là Hijiri, sẽ đi hành hương đến nhiều nơi khác nhau, mang theo các tiểu tháp năm tầng và viết các dòng kinh bằng mực Ấn Độ theo yêu cầu của các nhà bảo trợ. Có vẻ như sau đó các nhà sư sẽ đưa tiểu tháp về lại Núi Koya nhưng không rõ mục đích của việc thu thập một số lượng lớn tiểu tháp như vậy là gì. Một khả năng được tính đến đó là người ta tin rằng nếu thành tâm thu thập càng nhiều càng tốt tiểu tháp thì càng đạt được công đức lớn hơn.
Hội bảo tồn tài sản văn hóa Núi Koya dự định kiểm tra tất cả các hộp đựng tiểu tháp với sự cộng tác của Cơ quan Văn hóa quốc gia.
Một phần của bộ sưu tập nói trên sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Koyasan Reihokan trong một triển lãm đặc biệt được khai mạc vào ngày 20/07 sắp tới.