Nhân quả là cặp lý luận căn bản của Đạo Phật.
Gieo nhân, gây tạo nhân dù vi tế như một ý nghĩ, một câu nói, một động thủ nhỏ của tay chân, tức hoạt động của thân khẩu ý, đã bắt đầu hành trình nhân quả có khi không thể ngờ về thời gian và kết quả. Cũng như trồng trọt, từ những hạt giống nhỏ xíu phủ xanh cả mảnh vườn hay nhiều chục năm cho những cội cây lớn bất ngờ. Những cổ thụ nghìn năm tuổi dân làng lập miếu thờ hay bày bát hương, bắt đầu cũng từ hạt giống nhỏ mà thôi.
Không đơn giản cứ gieo nhân sẽ có quả theo hình dung thô sơ. Những hạt giống gieo vào chỗ đất tốt giàu dưỡng chất, mầu mỡ, có độ chiếu sáng phù hợp cùng những thuận lợi khác sẽ phát triển nhanh. Những hạt giống gieo vào chỗ đất xấu, khuất nắng mưa, cằn cỗi, sẽ chậm lớn. Những hạt giống gieo rơi vãi vào chỗ thiếu điều kiện sinh trưởng có tỷ lệ chết cao. Giống là nhân, đến khi thành quả là quá trình tác động có con người, thời tiết thuận nghịch đan xen. Rồi sâu hại, chuột bọ....
Một nông phu gắn với mảnh vườn mảnh ruộng, chuyên cần, siêng năng, nhiều kinh nghiệm, anh chọn giống tốt, chăm sóc đầy đủ, mưa thuận gió hoà, anh có quyền tin vào thành quả. Niềm tin nhân quả này là chính tín, có cơ sở. Anh nông phu góp phần quan trọng cho thành công của mùa vụ bên cạnh các yếu tố khách quan của thời tiết. Bằng cần lao, anh làm chủ quá trình tạo nhân thành quả, niềm tin của anh không hên xui may rủi.
Ngược lại, một anh nông phu mần ăn hú hoạ cho có, không coi trọng công việc, giống xấu, gieo tùm lum không đúng kỹ thuật, phân bón không đạt, sâu bọ chuột phá không được can thiệp, anh lại cúng vái cho mùa vụ bội thu và tin vào đấy, niềm tin ấy thiếu căn cứ, mê tín.
Cũng như một học trò ngày đêm đèn sách, sôi kinh nấu sử nghiêm cẩn, quyết chí thành tài, bước vào kỳ thi, lều chõng tự tin vì đã gieo nhân tốt.
Ngược lại, một trò kiểu Bùi Kiệm, học chăng hay chớ cho có, quay cóp, gian lận, đến kỳ thi cuống quýt cầu khấn ở đền miếu, chạy chọt nhờ vả phong bì phong bao, lại tin vào đỗ đạt, niềm tin ấy mê tín không hợp quy luật nhân quả.
Đương nhiên, cách diễn giải ấy vẫn còn đơn giản. Quá trình nhân quả trong thực tế có thể phức tạo hơn nhiều do bối cảnh điều kiện khác nhau.
Một công dân thực hiện hành vi phạm tội, thành lập tội theo luật và bị tố tụng. Nhưng anh thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, nhân xấu nhưng quả cũng có phần nhẹ nhàng hơn so với khi anh ngoan cố, chối tội, không hợp tác.
Những nhận thức về nhân quả khác nhau, có nhận thức sai và đấy thuộc mê tín: làm ác nhưng cậy bùa chú, cúng bái, chạy án để hy vọng nhân xấu sinh quả tốt. Hàng năm, nếu có thể thống kê, con số lễ lạc cúng bái hy vọng làm lệch nhân quả ở xứ mình là khủng. Mỗi khi vào mùa thi, cánh xì tin và phụ huynh sờ đầu rùa, cúng đền, cầu khấn nhộn nhịp cho thấy mức độ mê tín đến đâu ngay ở người có học. Âu đấy là một lối mòn não trạng từ xa xưa.
Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả, sợ nhân là giác sợ quả là mê. Gieo nhân lành không cần cúng bái cầu khẩn cũng có quyền tin vào quả lành.
Nhân quả nhà Phật thuộc chính pháp, chính tín, nhân quả theo nhận thức lệch lạc của thế gian như đã dẫn là mê.
Nguyễn Thành Công