Lập hồ sơ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử:
Đánh giá Yên Tử theo 5 tiêu chí về văn hoá và tự nhiên
Tại Hội thảo nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Di tích - Danh thắng (DT-DT) Yên Tử được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Bộ VH,TT&DL phối hợp tổ chức vào ngày 18/8/2015 vừa qua, 2 vấn đề lớn tiếp tục được đề cập. Đó là nhận diện về các giá trị của Quần thể di sản đề cử theo các tiêu chí đánh giá về di sản thế giới của UNESCO và quản lý một di sản có tính chất liên vùng như Yên Tử.
Chất dính kết tháp gạch, những phiến đá lớn người xưa đã vận chuyển lên núi Phật Sơn (Quảng Ninh) xây dựng chùa Hồ Thiên như thế nào đang là những bí ẩn của các nhà nghiên cứu
Quần thể DT-DT Yên Tử đề cử bao gồm 5 cụm DT-DT chính, là Khu di tích (KDT) lịch sử và danh thắng Yên Tử, KDT Bạch Đằng, KDT nhà Trần tại Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; KDT Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai thuộc tỉnh Hải Dương và KDT danh thắng Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang.
Lần này, các giá trị của Quần thể DT-DT Yên Tử được phân tích, đánh giá theo cả 4 tiêu chí về văn hoá (tiêu chí II, III, V, VI) và 1 tiêu chí về tự nhiên (tiêu chí VII). Theo đó, đối với tiêu chí II, các nhà khoa học cho rằng: Những di tích trên mặt đất và được khai quật trong lòng đất tại di sản là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hoá lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là phật giáo, thuyết phong thuỷ. Kết quả đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, nghệ thuật kiến trúc và trang trí với diễn biến văn hoá đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
Tháp Phật hoàng uy nghiêm trên chùa Ngọa Vân, núi Bảo Đài Quảng Ninh
Chứng minh cho tiêu chí III, các ý kiến nhận định: Hệ thống di tích dày đặc trong khu di sản, bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hoá huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt. Những giá trị đó luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt, được các thế hệ nối tiếp kế thừa ngày một phát triển và đang được các thế hệ thiền sư sau này truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong cuốn “Thiền tông bản hạnh” lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được lấy làm mẫu cho phông chữ Nôm trên mã Unicode và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, khác hẳn với mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán.
Quần thể di sản Yên Tử cũng là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người. Điều này thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay đã sử dụng vùng cảnh quan linh thiêng nơi đây để xây dựng và hình thành nên một Trung tâm phật giáo, với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ (tiêu chí V). Minh chứng cho tiêu chí VI, các nhà khoa học nhận định: Thiền phái Trúc Lâm - thiền phái thuần Việt có tính hướng nội, nhập thế, khai phóng, vị tha. Thiền phái chủ trương gắn đạo với đời, mang đậm bản sắc dân tộc, tinh thần nhập thế tích cực. Giáo lý của thiền phái được kết tinh bởi nhiều yếu tố và kế thừa, phát huy. Trên cơ sở kế thừa, Trần Nhân Tông đã tập hợp thành các kinh văn, bản sách rất quý giá, dạy cho các tăng môn, dân chúng tu tập sám hối và tu hành thập thiện. Nhiều tác phẩm mộc bản còn là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội, được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu...
Văn bia đá lập năm 1331 còn lưu giữ tại chùa Non Đông là 1 trong số những văn bia thời Trần hiện còn ở Quảng Ninh
Minh chứng cho tiêu chí VII, các nhà khoa học đánh giá: Địa danh Yên Tử từ ngàn xưa đã được biết đến và ca ngợi như “phúc địa”, bởi nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ kỳ vỹ, huyền bí của thiên nhiên, của cõi thiền xưa. Cảnh trí, sự linh thiêng nơi đây đáp ứng được các yêu cầu xây dựng một trung tâm phật giáo. Vì vậy mà từ xưa tới sau này, các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến đây dựng am cầu kinh, niệm phật, xây dựng chùa, tháp...
Nhận định về tính toàn vẹn, xác thực của Quần thể di sản được minh chứng dưới nhiều góc độ khác nhau. Về mặt địa lý, dãy núi Yên Tử đóng vai trò kết nối không gian địa lý của các địa phương thuộc phạm vi di sản kể trên. Về mặt lịch sử, dãy núi Yên Tử gắn với quá trình phát tích của triều Trần, triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, lừng lẫy với chiến công 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đế quốc hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ. Về mặt văn hoá, vùng đất này hiện đang lưu giữ hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng gắn với trung tâm Phật giáo Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập. Trải qua thời gian, những biến động của lịch sử, nhiều công trình kiến trúc đã bị phá huỷ, xuống cấp, tuy nhiên, một số di tích đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Còn lại hầu hết các di tích khác vẫn hiện hữu trên mặt đất hoặc được bảo vệ dưới lòng đất...
Cùng với việc nhận diện các giá trị nổi bật, các nhà khoa học cũng gợi mở việc xây dựng kế hoạch quản lý Quần thể di sản - yêu cầu bắt buộc trong quá trình lập, đệ trình hồ sơ di sản, với tư cách là một di sản thế giới có tính chất liên vùng. PGS.TS Đặng Văn Bài, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia nhấn mạnh: Kế hoạch quản lý rất quan trọng, để giữ gìn di sản bền vững. Bài học Hội An, Huế đã chứng tỏ các di tích vào di sản thế giới thì không di sản nào chỉ tồn tại dưới góc độ văn hoá mà là động lực, nguồn lực rất lớn cho phát triển. Kế hoạch quản lý phải hoàn thiện cùng với hồ sơ di sản đề cử, phải có sự tham gia của cả 3 tỉnh thì Quần thể di sản Yên Tử mới đảm bảo được tính toàn vẹn của nó. Mỗi KDT hiện đều có 1 ban quản lý, ta nên đề xuất có 1 ban quản lý chung, có sự tham gia của cả 3 tỉnh...
Ý kiến về việc đề nghị thành lập 1 ban chỉ đạo có sự tham gia của 3 tỉnh nhận được sự thống nhất cao trong hội thảo. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia “chốt” lại: Cùng với việc thành lập 1 Ban chỉ đạo chung, cần thành lập 1 bộ phận để chuẩn bị hồ sơ này gồm những cán bộ chuyên môn, trực tiếp lập hồ sơ, đảm bảo là có một tổ chức mạnh, thống nhất để làm hồ sơ. Hồ sơ đã đưa ra là phải chắc thắng, vì vậy việc chuẩn bị phải thật chắc chắn, không vì chạy đua theo thời gian mà cần lựa chọn thời điểm phù hợp để trình hồ sơ.