Phương pháp “điền vào ô trống” có ở tiểu học, những lớp đầu cấp, nhằm tạo độ dễ sự hứng thú cho trẻ ôn lại kiến thức đã học, mang tính trắc nghiệm, học trò thay vì chọn A,B,C... sẽ chọn từ, số, dấu thích hợp điền vào khoảng trống.
Ví dụ: 11+.... = 15, số cần chọn điền là số 4.
Một đoạn thơ bị khuyết:
Trăm năm trong.... người ta
Từ cần điền là “cõi”.
Những trẻ siêng học, có kiến thức, nhớ tốt, khoái trò này, vừa học vừa chơi.
Nhiều trò chơi truyền hình cũng khai thác phương pháp này, làm rõ tính trắc nghiệm khi cho trước các lựa chọn, trong đó có lựa chọn đúng:
Trăm năm trong... người ta
Cách này giống trắc nghiệm lý thuyết khi thi lấy bằng lái xe.
Làm báo cách mạng thì có liên quan gì đến trò này?
Người làm báo cách mạng, vốn thuộc nằm lòng các bài học chính trị, trong đầu ăm ắp từ ngữ luận điểm giàu tính Đảng, những ngôn từ được phép sử dụng đúng nghị quyết chủ trương đường lối, kho từ an toàn không dẫn đến kỷ luật kiểm điểm... Và họ khi làm tin bài, vận dụng kho từ kia cho khuôn mẫu đã sáo mòn:
“Đảng” luôn luôn “đi” với “quang vinh” hay “bách chiến bách thắng”, “vừa đạo đức vừa văn minh”.... Cứ việc điền vào tùy ngữ cảnh.
Quân đội nhân dân tất phải “đi” với “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, “bộ đội Cụ Hồ”...
Công an nhân dân “đi” với “ vũ khí sắc bén của Đảng”....
HCM “đi” với các mỹ từ mặc định “ vĩ đại”, “muôn năm”, “ Cha già kính yêu”....
Thành tích thì “ vẻ vang”, thất bại yếu kém “ tạm thời”, “ một bộ phận”...
Đại loai vậy, thành tin bài “chuẩn mực”. Những ngòi bút ngây thơ lá mơ, viết tất không dụng kho từ vựng và cụm từ cho trước, xong hàng. Dù công an có kiêu binh, bức cung nhục hình, tham ô, cũng phải chọn từ gia giảm, “ rút kinh nghiệm”, “ sai lầm cá nhân”... Chứ chơi thẳng như “ nhẫn tâm”, “ tàn bạo”, “ vi phạm nhân quyền” là xong phim!
Viết về một tập thể luôn có các cụm từ “ thi đua sôi nổi”, “ năm sau cao hơn năm trước”, “ lập thành tích chào mừng”...
Đấy mới chút xíu “chuyện nghề” làm báo cách mạng, phổ biến ở VN, từ đó hình thành lối mòn văn mẫu trăm người như một, ai cũng viết được, ai cũng có thể là “ nhà báo nhân dân”.
Bây giờ, làm tin bài về Covid 19, cũng có một kho từ để điền: chống dịch như chống giặc, mục tiêu kép vừa giãn cách vừa phát triển kinh tế, phát huy truyền thống...
Lâu dài, kho từ kia triệt tiêu chính kiến, quan điểm góc nhìn cá nhân của người làm báo và qua họ, triệt tiêu chính kiến quan điểm khác biêt trong quần chúng, phục vụ lợi ích chính trị của đảng cầm quyền. Nhà báo cách mạng rốt cuộc chỉ việc nhai lại loại cỏ được phép.
Làm báo , nghề đòi hỏi cao về năng khiếu, trình độ chuyên môn và sự uyên bác, lòng can đảm và chính kiến trước các vấn đề xã hội....
Làm báo không phải trò điền vào ô trống, một trò vốn dành cho học sinh lớp 1 lớp 2 hay trò giải trí truyền hình.
Chuyện đó ai cũng biết.
Nguyễn Thành Công