Gần đây, trong hạ, xem trên Facebook Thích Nhật Từ, chúng ta thấy tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Sg thường xuyên tụng “Kinh Bổn môn Pháp Hoa” đông đảo, thành kính, trang nghiêm.
“Kinh Bổn môn Pháp Hoa” là tác phẩm của Hòa thượng Thích Trí Quảng, đem Kinh Pháp Hoa do Đức Phật tuyên thuyết, có dung lượng vài trăm trang, cắt xén, gọt chặt, bớt xuống còn vài chục trang, nếu in bằng giấy cùng khổ thì chỉ còn là một xấp mỏng.
Dĩ nhiên, Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng Kinh Pháp Hoa quá dày, thừa thải một cách không cần thiết, cần phải loại bỏ phần lớn nội dung, nên mới điều chỉnh Kinh Pháp Hoa như vậy.
Đây là một việc làm chưa từng có trong lịch sử Phật giáo. Bởi lẽ, mức độ thay đổi là vô cùng lớn. Kinh Pháp Hoa do Đức Phật tuyên thuyết không phải là bị biến dạng, mà bị thay đổi hoàn toàn, triệt để, đến mức không còn lại được bao nhiêu.
Tuy nhiên, khác với Thích Nhật Từ, tự tiện sửa Kinh Phật và không chú thích, Hòa thượng Thích Trí Quảng có để thêm từ “Bổn môn” bên cạnh cụm từ Kinh Pháp Hoa để phân biệt Kinh Hòa thượng Thích Trí Quảng biên soạn với Kinh Đức Phật tuyên thuyết.
Việc Hòa thượng Thích Trí Quảng cắt gọt, xén bớt Kinh Pháp Hoa do Đức Phật tuyên thuyết bằng những phương thức nào sẽ được tìm hiểu trong một bài khác. Ở đây, chúng ta bước đầu dễ dàng kết luận bất kỳ một tác phẩm triết học nào bị cắt xén đến mức như thế thì nội dung của nó sẽ hoàn toàn bị thay đổi.
Đức Phật là vị có trí tuệ siêu việt, nhìn thấy quá khứ, vị lai, không phải là người để kẻ hậu bối cho rằng tác phẩm của ngài đã được tạo thành một cách dài dòng một cách không cần thiết để phải sửa chữa, loại bớt bằng cách viết ngắn lại như vậy.
Giáo pháp của Đức Phật là một thứ di sản thiêng liêng, một dạng chúc thư tư tuởng.
Đối với di chúc, theo quan điểm hiện hành, sửa một con chữ đã là việc làm không thể chấp nhận, cố ý làm sai lệch, biến nguyên bản thành một thứ giấy tờ giả mạo. Nói chi là việc lược bỏ vài trăm trang lời Phật.
Hòa thượng Thích Trí Quảng gọi cái do mình cắt gọt từ lời Phật để tạo thành là “kinh”. Kinh Pháp Hoa là Kinh Phật. Kinh Bổn môn Pháp Hoa là kinh Thích Trí Quảng?
Điều này tạo nên một tiền lệ hết sức nguy hiểm, có tác động phá hoại giáo pháp một cách tàn khốc. Rồi một vị, hay nhiều vị hòa thượng nào đó, nếu cho là Kinh Phật dài quá, không súc tích cô động, không phù hợp với việc tu học ngày nay không nhiều thời gian, sẽ cứ đem Kinh Phật ra cắt từ hàng nhiều trăm trang xuống vài chục trang, cầm cho nhẹ, tụng cho nhanh, cho khỏe, in ấn rẻ.
Hòa thượng Thích Trí Quảng tạo “Kinh Bổn môn Pháp Hoa” là mở đường cho “Kinh Bổn môn Hoa Nghiêm”, “Kinh Bổn môn Kim Cang”, “Kinh Bổn môn Viên Giác”...
Việc làm của Hòa thượng Thích Trí Quảng phải chăng cho thấy chính Hòa thượng mới là nguời tạo nên những kinh “thích hợp”, còn Phật thì thuyết kinh dài dòng, luộm thuộm, lan man, thừa thãi, nên cần phải tóm lại ngắn gọn như “Kinh Bổn môn Pháp Hoa” cho thích hợp, ưu việt.
Trước đây, Kinh Bổn môn Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng sáng tác chỉ được đạo tràng Pháp Hoa đọc tụng, nghĩa là trong phạm vi hẹp, nay Kinh này được tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam đọc tụng. Phạm vi lưu thông của Kinh Bổn môn Pháp Hoa do Hòa thượng Thích Trí Quảng là tác giả đã được mở rộng.
Việc lưu thông Kinh Bổn môn Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng xung đột với kinh Pháp Hoa của Đức Phật. Tụng Kinh Bổn môn Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng, hành giả cứ tưởng là mình đọc tụng Kinh Pháp Hoa, dĩ nhiên, là sẽ để kinh Pháp Hoa của đạo Phật qua một bên, chỉ biết Kinh Bổn môn Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng mà thôi.
Có ý kiến cho rằng, Kinh Pháp Hoa dài dòng do được tuyên thuyết, ghi chép bằng phong cách ngôn ngữ thời Đức Phật, do đó, Hòa thượng Thích Trí Quảng là một vị “bồ tát thị hiện”, sửa chữa, khắc phục những hạn chế đó của Kinh Pháp Hoa của Đức Phật, cống hiến Kinh Bổn môn Pháp Hoa là bản kinh mới của Hòa thượng Thích Trí Quảng, tóm gọn lại Kinh Pháp Hoa làm cho phù hợp với thời đại, chỉnh lý lại việc làm thừa thải của Đức Phật?
Giọng điệu đó là giọng điệu của Thanh Hải Vô Thượng Sư, cho rằng cần phải điều chỉnh, nâng cấp, biên soạn lại, làm cho đơn giản dễ hiểu Kinh Phật, vốn là Kinh do Phật quá khứ biên soạn. Nay thì có Thanh Hải Vô Thượng Sư cập nhật!
Nếu thế, thì cách làm của Hòa thượng Thích Trí Quảng tương đồng với Thanh Hải Vô Thượng Sư về mặt phương pháp: Đem Kinh do mình soạn lại ngắn gọn để thay thế Kinh Phật.
Thanh Hải Vô Thượng Sư vứt bỏ Tam Tạng Kinh Điển và cho là chỉ cần dùng các tác phẩm tóm tắt việc chỉ dẫn tu tập của bà là đủ khai ngộ.
Nay, Kinh Pháp Hoa của Đức Phật đã bị xén thành Kinh Bổn môn Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng, từ vài trăm trang, thì nguy cơ Đại Tạng Kinh từ quy mô một thư viện nhỏ, bị xén thành vài cuốn sách như của Thanh Hải Vô Thượng Sư là một nguy cơ.
Tôi thấy ảnh chụp cả ngàn tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Sg thành kính nghiêm trang hành lễ với Kinh Bổn môn Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng biên soạn chứ không phải Kinh Pháp Hoa của Đức Phật tuyên thuyết mà kinh sợ, ghê rợn, hãi hùng, bàng hoàng cho Phật giáo Việt Nam.
Điều chắc chắn là một bộ kinh nhiều trăm trang với bản tóm gọn vài chục trang là hai văn bản rất khác nhau. Hòa thượng Thích Trí Quảng đã dùng quyền hạn của mình để loại trừ Kinh Pháp Hoa do Đức Phật tuyên thuyết bằng “Kinh Bổn môn Pháp Hoa” do mình biên soạn trong nghi lễ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Sg.
Hòa thượng Thích Trí Quảng chưa xưng mình là Phật nhưng đã gọi cái mà mình biên soạn là “Kinh”, bắt tăng ni sinh đọc tụng với nghi lễ như Kinh. Chúng ta nghĩ gì về sự việc này?