Sutar Soemitro, người sáng lập và là biên tập viên của trang web buddhazine.com cho biết sự kiện lịch sử này diễn ra tại tu viện Wisma Kusalayani ở thị trấn Lembang, phía Tây Java. Chín Tỳ kheo ni được thọ giới tại tu viện gồm có 2 Tỳ kheo ni người Indonesia, 2 Tỳ kheo ni người Việt Nam, 2 Tỳ kheo ni người Malaysia, 1 Tỳ kheo ni đến từ Nhật Bản và 1 Tỳ kheo ni của Australia. Có khoảng 1500 người đã đến tham dự buổi lễ, vượt xa sức chứa của địa điểm tổ chức.
Các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni khác cũng được mời đến tham dự buổi lễ vì theo Luật Tạng, một buổi lễ thọ phong hoàn chỉnh phải được thực hiện bởi một nhóm các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Dẫn đầu đoàn Tỳ Kheo là Hòa thượng Bootawatte Saranankara đến từ Malaysia và đoàn Tỳ kheo ni là Ni sư Ayya Santini đến từ Indonesia.
Chín Tỳ kheo ni sắp được thọ giới sẽ đi kinh hành quanh bảo tháp phía sau tu viện 3 lần, những bông hoa sẽ được rải xuống mặt đất khi những vị Tỳ kheo ni tương lai đi qua. Bầu không khí trở nên yên tĩnh và thanh bình, những người tham dự đứng trang nghiêm trong sự im lặng. Âm thanh nghe thấy duy nhất chỉ là tiếng chuông được lặp đi lặp lại. Sau đó, họ tiến về hội trường nơi diễn ra buổi lễ thọ giới, được chủ trì bởi vị Hòa thượng đáng kính Bootawatte. Buổi lễ chính thức được khai mạc sau lời mở đầu của Bộ trưởng Bộ tôn giáo Indonesia : “Cộng đồng Tỳ kheo ni của Phật giáo nguyên thủy đóng vai trò quan trọng trong thực hiện quyền bình đẳng giới và duy trì Phật pháp Indonesia. Đức Phật đã đặt một nền tảng vững chắc cho sự tôn trọng các quyền của nữ giới, người phụ nữ không chỉ được tôn vinh khi là một nữ tu sĩ mà còn được tôn sùng trong vai trò một người mẹ”.
Ni sư Ayya Santini nói rằng sự kiện lần này sẽ là động lực cho nữ giới Phật giáo Indonesia, những người muốn sống như một nữ tu sĩ. Đồng thời cũng là sự công nhận tích cực cho những hoạt động của nữ giới trong Phật giáo Indonesia. Ni sư Ayya Sansitini là chủ tịch Hiệp hội Tỳ Kheo Ni Phật giáo Nguyên Thủy tại Indonesia, và đã được Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng Nữ giới Phật giáo xuất sắc nhân ngày Quốc tế phụ nữ năm 2007. “ Về cơ bản, Phật giáo không phân biệt giữa nam giới và nữ giới. Đức Phật cũng dạy rằng trong đời sống hôn nhân, người vợ và người chồng có trách nhiệm như nhau”, Ni sư nhấn mạnh.