Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 10 năm thành lập BTS tỉnh (2009-2019), do Ban Văn hóa T.Ư kết hợp Viện nghiên cứu Tôn giáo và GHPGVN tỉnh Quảng Bình tổ chức.
Phật giáo Quảng Bình có lịch sử từ hàng trăm năm trước, có những ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần, nhiều ngôi chùa được triều Nguyễn sắc phong và từng là trung tâm Phật giáo lớn. Ngoài ra, qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau như khảo cổ, bia ký... cho thấy trước thời Trần, những dấu ấn của Phật giáo Quảng Bình đã xuất hiện trong vương quốc Chăm Pa. Quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo Quảng Bình còn gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam. Các chúa Nguyễn như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Chu và các vua Nguyễn sau này đã có nhiều đóng góp đối với Phật giáo Quảng Bình trong lịch sử.
Chư tôn đức, đại biểu tham dự
Hiện nay, Phật giáo Quảng Bình có hơn 3.000 tín đồ phật tử sống rải rác trên địa bàn 42 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 24 vị là nhà tu hành. Trên địa bàn có các cơ sở thờ tự Phật giáo tiêu biểu như: chùa Hoằng Phúc, chùa Đại Giác, chùa Quan Âm, chùa Kim Phong, chùa Quảng Xá, chùa Phổ Minh… Phật giáo Quảng Bình đã thành lập 5 tổ chức, gồm: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, GHPGVN huyện Bố Trạch, GHPGVN huyện Lệ Thủy, GHPGVN huyện Tuyên Hóa, GHPGVN huyện Quảng Ninh.
Hội thảo có 47 tham luận tập trung làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Quảng Bình; những đóng góp của các vị tăng ni, cư sỹ đối với Phật giáo Quảng Bình qua các giai đoạn lịch sử; những giá trị của Phật giáo Quảng Bình cần bảo tồn và phát huy; định hướng và giải pháp phát huy vai trò, giá trị của Phật giáo Quảng Bình…
PG Quảng Bình qua 10 năm, tương đối đi vào nề nếp, mọi chướng ngại trong tổ chức không còn nặng nề, cái nặng nề hiện nay là phát triển cơ sở các vùng xa, vùng cao. Bằng mọi cách xin thu hồi những cơ sở bị xem là di tích để đưa vào sinh hoạt thuần túy tôn giáo » Xem thêm |
Hội thảo khoa học “Phật giáo Quảng Bình xưa và nay” là dịp để các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước công bố những tư liệu mới, những kết quả nghiên cứu mới về Phật giáo Quảng Bình.
Các bài tham luận đã đề cập và khẳng định Phật giáo Quảng Bình vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII. Dấu ấn Phật giáo Chăm-pa trong Phật giáo Quảng Bình, các ngôi cổ tự, danh Tăng, phong trào chứng hưng Phật giáo. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã giới thiệu các di sản Phật giáo, thư tịch cổ, tư liệu Hán - Nôm, bia ký, chuông, hệ thống tượng pháp, kinh sách, các bài kệ… góp phần làm rõ lịch sử, những nét đặc thù của Phật giáo Quảng Bình xưa.
Những thành tựu trong 10 năm thành lập và phát triển, đánh giá hiện trạng của Phật giáo Quảng Bình nhằm định hướng đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát triển Phật giáo Quảng Bình trong thời gian tới cũng đã được đề cập trong hội thảo này.
Cũng trong sáng nay, Ban Tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập BTS tỉnh Quảng Bình đã khai mạc triển lãm ảnh, pháp khí, tượng pháp… tại chùa Đại Giác.
Sáng mai, vào lúc 7g30 sẽ diễn ra lễ tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Trí Quang và chính thức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập GHPGVN tỉnh Quảng Bình.