Tham dự hội nghị có các chuyên gia Phật học và ngôn ngữ học từ các quốc gia như: Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Czech, Đức, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mông Cổ và các vùng khác của nước Nga.
Hội nghị được tổ chức bởi chùa Trung tâm Kalmykia, chùa Vàng Thích Ca và Đại học Gorodovikov (thuộc Kalmykia) cùng với sự tham gia của Viện Đông phương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Hiệp hội người Mông Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ về lịch sử, khảo cổ học, ngôn ngữ, văn học, triết học và Viện Nghiên cứu Mông Cổ (Đại học Quốc gia Mông Cổ).
Nhân dịp này, lễ kỷ niệm 420 năm ngày sinh của nhà sư Zaya Pandita Namkhai Jamtso (1599 - 1662), một học giả Phật giáo nổi tiếng người Oriat (Mông Cổ Tây) cũng được tổ chức
Ngài Zaya Pandita Namkhai Jamtso (1599 - 1662), một học giả Phật giáo nổi tiếng người Oriat
Nhà sư Zaya Pandita Namkhai Jamtso thuộc bộ tộc Khoshut của tộc người Oriat, nhóm người Mông ở cực tây. Bộ tộc Khoshut lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1580 và năm 1620, là bộ tộc mạnh nhất của Oriat, nổi bật với sự truyền bá rộng rãi Phật giáo tại Mông Cổ.
Năm 1615, sư Zaya Pandita đến Tây Tạng và thực hành Phật giáo, trải qua nhiều năm tu học ở Lhasa dưới sự hướng dẫn của ngài Lobsang Chokyi Gyaltsen - vị Lạt-ma Panchen thứ 4.
Năm 1638, sư rời Tây Tạng thực hiện sứ mệnh truyền bá trường phái Phật giáo Gelug ở Mông Cổ (Oirat, Khalkha) và Kalmykia.
Sư là người tạo ra hệ thống chữ viết mới dựa trên bảng chữ cái Mông Cổ truyền thống, được gọi là todo bichig để ký âm ngôn ngữ Oriat và đã dịch 186 bản kinh Phật giáo từ Tạng ngữ sang ngôn ngữ Oriat.
Ngôn ngữ Oriat được sử dụng tại Kalmykia cho đến năm 1920 và được thay thế bởi ngôn ngữ ký tự Latin và sau đó là bảng chữ Kirin (Cyrill). Tại Mông Cổ, ngôn ngữ này được thay thế bằng ký tự Kirin vào năm 1941.
Trần Trọng Hiếu