1. Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói
Khi tức giận, bạn vẫn có ý định cho "nổ tung" cơn giận vì nếu cứ im lặng mãi, bạn sẽ quay cuồng trong suy nghĩ đó. Nhưng trước khi mở lời, thử nghĩ xem nếu mình nói câu này ra, người nghe sẽ cảm thấy thế nào. Nếu mình phải nghe những câu đó, mình sẽ phản ứng ra sao. Cân nhắc thật kỹ trước khi nói, bởi cái gì đã nói ra không rút lại được.
2. Hãy nói bình tĩnh
Ngữ điệu, giọng điệu và tần suất lời bạn nói cũng thể hiện sự thiếu thiếu kiểm soát trong đầu bạn. Thay vì hét to, nói nhanh liên hồi với những từ khó “lọt tai”, bạn nên dùng ngữ điệu chậm và nói vừa đủ nghe. Thực tế cho thấy, vẫn là một vấn đề nhưng nếu bạn nói bình tĩnh, lời nói của bạn sẽ có tác động tích cực hơn những lời nói to và suồng sã. Đây cũng là lý do tại sao những lời nói ru nhẹ nhàng có thể khiến trẻ nhỏ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn và thôi miên là nghệ thuật của sự điều tiết ngữ điệu vừa đủ để tác động đến não bộ người bị thôi miên.
3. Áp dụng nguyên tắc "10 giây"
Bạn đang "bí bách", bức bối trong lòng và chỉ muốn "xả" hết ra cho hả, hãy hạ nhiệt bằng cách hít thở sâu và nhẩm đếm từ 1 đến 10. Việc nhẩm đếm này tưởng chừng chỉ dành cho những đứa trẻ nhưng khi đếm xong số 10 thì sự minh mẫn, bình tĩnh của bạn cũng quay trở lại.
4. Tìm niềm vui trong công việc
Đừng làm xấu hình ảnh của mình bằng cách đấm bàn, đá ghế, hò hét loạn xạ hoặc hầm hập như một quả bom. Hãy quay trở lại với công việc, biết đâu, những cuốn hút mang tính chuyên môn sẽ giúp bạn quên đi cơn nóng.
5. Lên kế hoạch xả stress
Có thể “cục tức” của bạn không nhỏ nên bạn không thể “nuốt” trôi bực tức ngay. Hãy lên kế hoạch xả stress cho mình vào buổi tối hay vào cuối tuần. Những giờ phút thư giãn sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn. Đằng sau bất kể sự tổn thương hay tình huống khó khăn nào cũng để lại một bài học cho bạn. Nếu bạn dành thời gian để suy nghĩ, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn. Và ít nhất ở khía cạnh kiểm soát cơn bực tức bạn sẽ rèn luyện được tinh thần thép tốt hơn.
6. Đừng tự gây họa
Bạn biết cô đồng nghiệp ngồi cạnh không thích bị làm phiền, sao còn cứ mượn đồ của cô ấy, khiến cô ấy nổi cáu và nói những câu không hay, làm bạn bực mình? Bạn biết anh chàng kia không biết đùa, ai động trêu tí là la ó, vậy sao bạn còn thích chọc ngoáy anh ta? Bạn đã biết cô nàng kế toán của công ty hay soi mói, chỉ trích, vậy thì hãy tránh xa cô ta ra. Đừng tự gây cho mình những mâu thuẫn.
7. Không giữ ác cảm, hận thù
Ác cảm và hận thù là những suy nghĩ tiêu cực không nên có. Chúng chỉ làm bạn bị mất tinh thần và thêm mệt mỏi. Đặc biệt, khi bạn tức giận, chúng là “chất phụ gia” có thể khiến bạn mất kiểm soát lời nói và hành động một cách bột phát. Vậy nên, bạn cần loại bỏ hết những suy nghĩ đó ra khỏi đầu mình càng nhanh càng tốt!
8. Chia sẻ
Bí mật của các cơn giận là phải được trút ra mới hả. Vậy, thay vì trút ra những lời nóng giận với "đối thủ", bạn hãy tâm sự, kể lể với người thân. Như vậy, bạn vừa tránh được một cuộc cãi vã không đáng có, vừa nhận được những lời khuyên tốt.
9. Xem lại bản thân mình
Trước khi định cáu giận với ai, hãy xem lại mình, có phải bạn như thế thật không? Nếu người góp ý nói đúng thì bạn nên cảm ơn người ấy đã chỉ cho bạn những điểm yếu của mình.
10. Học các "kỹ năng" thư giãn
Khi giận dữ, hãy tập hít thở sâu, tưởng tượng ra những cảnh nghỉ ngơi, hay đọc đi đọc lại một khẩu hiệu như: "Rồi tôi sẽ ổn thôi" hay "Bình tĩnh nào"... Bạn cũng có thể nghe nhạc, viết mọi suy nghĩ lên giấy, hay tập vài động tác thể dục... Hãy làm tất cả mọi thứ mà bạn cảm thấy mình thoải mái nhất mà không ảnh hưởng tới bất kỳ ai.