Đạo hữu Thị Thể mua một cây hoa Hoàng hậu, trồng bên hông cầu thang lên Nhật nguyệt lầu. Hoa Hoàng hậu màu tím cánh sen khá đẹp, nhưng cây còn nhỏ nên chưa thể ngắm được. Trong vườn Mật gia Song Nguyễn có trồng một số loại cây ra hoa mang sắc màu khác nhau. Có khi cùng một giống hoa nhưng có màu khác nhau như hoa Sen, hoa Sứ, hoa Phong lan, hoa Ly..Nhờ đặc điểm riêng nên mọi người có thể nhìn vào để nhận biết.
Ngắm hoa nở là thú vui tao nhã của nhiều người. Cũng tựa như ngắm một thiếu nữ, chúng ta chỉ thấy sắc đẹp cũng chưa đủ, cần phải cảm nhận được tấm lòng đôn hậu, đức tính dịu dàng, hoặc khí chất đặc sắc nào đó.., mới có thể để cho mình ngưỡng mộ đến mức thầm thương trộm nhớ. Cũng vậy, những người chơi hoa chân chánh không phải chỉ vì hoa đẹp mà hoa ấy cần phải tỏa hương. Mùi hương ấy không quá nồng nàn như hoa Sữa, mà nhẹ nhàng thoang thoảng lâu phai. Viết đến đây chợt nhớ câu ca dao của ông bà:
Ai ơi nồng thắm chóng phai
Đâu phải hoa Nhài mà được thơm lâu!
Song, vì “các pháp là vô thường” nên tính thưởng ngoạn của con người cũng thay đổi. Ngày nay, người ta chuộng loại hoa gì thật lạ mắt, nhiều màu kết hợp mà không nơi nào trồng được, mới gọi là “hoa độc” (từ “độc” này không phải độc tính, mà là độc đáo). Chẳng hạn như mới đây, một chậu hoa Địa lan mang sắc màu vàng tím xen kẽ trong cùng một loại được hô giá 42 triệu đồng. Lại có những loại hoa đơn sơ mà rực rỡ như hoa Bông bụt, hoa Giấy nhưng mấy ai nâng niu, trân trọng?
Riêng cá nhân mình, tôi vẫn chuộng loại hoa mùi, nhờ đó mà nó tự khẳng định tên hoa của mình. Chắc chắn rằng ai đó sành điệu, vô tình thoang thoảng mùi hương của hoa nhài, hoặc mùi hương ngào ngạt của hoa Lan, liền phân biệt được. Còn những hoa không mùi gọi là vô hương, chỉ có thể xem thấy mới biết tên. Bởi lẽ đó, tố chất bên trong mới là đặc sắc, chính mình!
Ngang đây, tôi liên tưởng đến người tu của đạo Phật. Muôn vàn giống hoa khác nhau đều được gieo trồng trong khu vườn Trí tuệ. Dù nhiều tông môn, dòng phái khác nhau với những pháp phục khác nhau, tu trì theo phương pháp khác nhau nhưng đều là phương tiện dẫn đến đạo quả Giải thoát. Do vậy, không thể cố chấp mà nói hoa màu này đẹp, màu kia không đẹp cũng như không thể bảo màu áo người tu này mới chính thống, màu kia thì không; mùi hương này mới thực thơm, mùi kia thì không. Hãy đọc lên yếu tính của tâm kinh Bát nhã ba la mật đa thì rõ: “Trong Chân không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưởi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp…”. Do đó, không ngẫu nhiên Trần Thái Tông thượng sĩ nhắc nhở chúng ta sử dụng mà chớ lạm dụng:
“ Lưỡi dính vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi đưa hương
Bôn ba làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa vạn dặm trường..”
Tuy vậy, tâm kinh vẫn khẳng định “Chư Phật ba đời cũng y vào Bát nhã ba la mật đa mà đạt đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác!”. Bát nhã ba la mật đa ấy là Trí tuệ nhà Phật, không phải trí tuệ ngoại đạo, trí tuệ thế gian. Trí tuệ tuy nội hàm nhiều tầng bậc khác nhau nhưng tựu trung người tu được trí huệ thì “tiếng lành đồn xa” chẳng khác gì loài hoa có mùi là có hương thơm (hữu xạ tự nhiên hương). Điều này được Phật khẳng định trong kinh Pháp cú bằng hình ảnh ẩn dụ rất đẹp:
“Hương của loài hoa bay theo chiều gió
Hương đạo người tu tỏa khắp muôn nơi”
“Hương đạo” có nghĩa là đạo lực của người tu. Không giống như loài hoa được nằm ở giống hoa nào, tự khắc hoa đó có hương thơm như hoa Sữa, hoa Lan, còn Đạo lực được hiểu là lực nội quán lộ xuất theo từng giai đoạn nỗ lực tinh tấn của người tu. Có nghĩa là vị ấy luôn quán chiếu đề mục tu tập của mình từ chỗ thức ngộ, chánh ngộ đến chỗ triệt ngộ rồi giác ngộ. Khác với loài hoa có loại chỉ đẹp hình sắc lại thiếu hương hoa; ngược lại tỏa hương ngào ngạt mà dáng hoa quá đổi bình thường; người tu Phật khi đã phát sinh được đạo lực đương nhiên sẽ đầy đủ đạo hạnh.
Bất kỳ loài hoa nào cũng phải đến thời kỳ phát triển theo diễn trình thời gian mới lộ diện sắc màu, nhưng người tu không phải vậy! Không phải vị sư nào tu lâu năm, nhiều tuổi Hạ mới gọi là chân tu! Vấn đề là lực tinh tấn của họ như thế nào. Không ngẫu nhiên Đức Phật so sánh có 4 loại sau đây chớ xem thường: (1) chú rồng nhỏ (2) con rắn độc còn nhỏ (3) vị thái tử còn nhỏ (4) người tu còn nhỏ. Vì sao? Đức Phật lý giải: chú rồng nhỏ có thể làm mưa được; con rắn độc tuy nhỏ có thể cắn chết người; thái tử tuy còn nhỏ mà sẽ lên làm vua (4) chú tiểu tuy nhỏ tuổi mà có thể đắc Thánh quả (trường hợp sa di Quân Đầu, đệ tử ngài Xá lợi phất).
Loài hoa thường nở rộ vào mùa xuân, không cần phải cố gắng, ra sức nhưng hương đạo người tu cần chánh tinh tấn trên nền tảng chánh tư duy. Như hoa kia được mau ra dáng và nở hoa là nhờ được chăm bón (nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống), thì người tu cần được tưới tẩm những gì mà Quán Âm Tứ Thủ dạy: “ Hãy sử dụng 3 phương tiện: CHÁNH NIỆM, TĨNH GIÁC, CHÚ TÂM là nước và phân bón; quán chiếu Vô thường là chăm bón để hoa đạo tăng trưởng; hãy vun trồng bằng lòng sùng mộ vô biên..” (trích (Đại nguyện Quán Thế Âm Bồ tát). Từ đây, hoa đạo dần dần nở, hương đạo bắt đầu tỏa khắp nơi không phải thuận theo chiều gió như hoa thường.
Người tu không cần mùa xuân thế gian, họ cần một mùa xuân đạo pháp để làm thời điểm thích hợp cho hoa tâm bừng nở dưới ánh từ quang. Mùa xuân thế gian phải qua mùa đông lạnh rét thì mùa xuân đạo pháp cũng phải trải qua những năm tháng tu trì miên mật đúng pháp. Và đó mới là mùa xuân vĩnh cửu gọi là Xuân Di lặc! Tôi xin kết thúc bài này bằng câu thơ của Mãn Giác thiền sư:
“Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai”
(Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền, tạc dạ nhất chi mai)
Cầu nguyện tất cả chúng sanh an lành trong mùa xuân Di lặc vĩnh cửu!
THINLEY-NGUYÊN THÀNH
Hình ảnh thêm về HOA ĐẠO, HOA ĐỜI