Ngoài ra, khi xem xét thần thức hay linh hồn của tất cả chúng sinh, Đức Phật còn nhận thấy sau khi đã gột bỏ hết tất cả phần nhân quả, nghiệp chướng thì phần cốt lõi tận cùng bên trong của linh hồn chúng sinh đều giống nhau y hệt, không có sự khác biệt nhau về chất mà ông gọi là Phật Tính. Phật tính là bản thể tối hậu, tận cùng của con người và ở nơi tận cùng đó mọi người đều giống nhau y hệt. Cho nên bình đẳng và không phân biệt đối với tất cả chúng sinh chính là một sự thực của Tự Nhiên, là chân lý của Vũ Trụ và là quy luật khách quan của Tạo Hóa mà chúng ta phải tôn trọng nếu không muốn tạo nghiệp, đó không phải là đòi hỏi hay sáng kiến chủ quan gì gì đó của những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội như nhiều người lầm tưởng.
Phật tính là là một thể vật chất đặc biệt, trường tồn, bất sinh bất diệt, nó vừa là vật vừa là tính. Là vật, nó là một bộ phận của Đấng Tạo Hóa được tách ra từ Đấng Tạo Hóa; Là tính, nó có đầy đủ tính chất và năng lực của Đấng Tạo Hóa. Đấng Tạo Hóa, tùy theo tôn giáo, được gọi là Phật Tổ Tối Cao hoặc Thượng Đế Tối Cao. Con người, do bị Nghiệp Lực che khuất, nên không nhận ra Phật tính của mình, nhưng một khi đã nhận thức và hợp nhất được làm một với Phật tính thì con người sẽ làm chủ được những khả năng phi thường như Đấng Tạo hóa. Đó là con đường mà Thích ca đã đi qua, từ một người bình thường đến “Kiến tánh thành Phật”, cho nên Ngài mới tự tin khẳng định “Ta là Phật đã thành, con con là Phật sẽ thành”
Nhờ hợp nhất với Phật tính của mình, Thích ca đã (1) nhìn thấy rõ mọi thứ trong Vũ Trụ; (2) nghe được mọi âm thanh, tiếng nói trong toàn Vũ Trụ; (3) hiểu được suy nghĩ , tâm trí của mọi người; (4) biết rõ các tiền kiếp của mình và toàn thể chúng sinh; (5) biến hóa, dịch chuyển tùy theo ý mình; (6) biết rõ mình đã được giải thoát, đoạn diệt ô nhiễm…Đó chỉ là một phần rất nhỏ năng lực của Đấng Tạo Hóa nhưng cũng đủ làm cơ sở để Ngài kết luận :
“Từ đời vô thủy tới nay, hết thảy chúng sinh đều là cha mẹ họ hàng lẫn nhau. Hết thảy đàn ông là cha lành, hết thảy đàn bà là mẹ hiền. Đã là cha mẹ, là đã có ơn lớn. Đã có ơn lớn đương nhiên phải trả ơn ấy bằng cách phải làm lợi ích lẫn nhau, không nên gây vọng nghiệp, oán hại, chấp trước.”
Từ lời dạy đó của Đức Phật, chúng ta hiểu không nên chấp ai cả, trong mọi trường hợp hãy chỉ làm lợi cho nhau. Nghiệp là cái khung số phận của con người. Không có điều gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta là ngẫu nhiên, tất cả đều có liên quan tới nhân quả hiện thời hoặc nhân quả trong những kiếp sống từ quá khứ xa xôi. Cho nên khi xảy ra một việc gì đó không xứng ý toại lòng thì đó chính là do lỗi của chúng ta trong một kiếp xa xưa nào đó, đã có “nhân” rồi nay chúng ta mới nhận “quả”.
Nếu ngộ ra được điều này, ta sẽ hiểu được những điều mà vị Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa là Huệ Năng dạy trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”: “Nếu thấy thế gian sai, chính mình sai và tà. Người sai mình có lỗi. Mình sai mình có lỗi. Chỉ cần khử tâm sai.”
Huệ Năng (638-713) là Tổ thứ sáu và cũng là Tổ cuối cùng của Thiền Tông Trung Hoa. Nhờ có Pháp thiền “tức khắc khai ngộ” của Huệ Năng mà Thiền tông Trung Hoa có được một ảnh hưởng quốc tế rất lớn. Zen của Nhật Bản, Thiền của Triều Tiên, Việt Nam cũng như cái gọi là ảnh hưởng của Thiền đến văn hóa, học thuật Tây Phương ở thế kỷ XX cũng đều từ Huệ Năng mà ra cả.
Các học giả Trung Hoa đánh giá rất cao Huệ Năng, coi Ngài là một trong những thiên tài lớn nhất Trung Hoa và xếp Ngài ngang hàng với Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh tử và Trang Tử.
Nhiều bậc thầy tâm linh của Việt Nam lại cho rằng Huệ Năng, người đã lập nên trường phái Thiền Nam tông đối chọi với trường phái Thiền Bắc tông của Thần Tú, sự thực là người Việt, đã đắc quả Phật và được coi là một vị Minh Sư trong thời đại của mình. Những lời giảng của Ngài được ghi lại và được thừa nhận là Kinh Phật. Ở Việt Nam có đền thờ Lục Tổ ở Bắc Ninh. Nhiều vị Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam trong quá khứ đã tu tập tại đây. Cho nên nhận định cho rằng nếu không có Ngài Huệ Năng và nhờ vào công đức tu hành của Ngài thì khó mà có được đời Lý, đời Trần, hai triều đại đã định hình và kết tinh được tất cả những cái gì tinh túy nhất của tinh thần Việt Nam cũng đáng để chúng ta lưu tâm suy nghĩ tìm hiểu.
Tuân thủ Luật yêu thương và Bình đẳng tất yếu sẽ dẫn ta đến Luật Vô Vi. Thương yêu thì không làm hại. Bình đẳng thì phải tôn trọng. Chúng ta thương yêu nhau vì chúng ta cùng một nguồn cội, là ruột thịt của nhau. Chúng ta bình đẳng bởi vì bên trong chúng ta có cùng một bản thể như nhau. Sự khác biệt là do duyên nghiệp tạo ra, chỉ có ở bên ngoài. Duyên nghiệp là một giai đoạn của quá trình tiến hóa. Đây cũng là đặc điểm của Tự Nhiên trong đó có nhân loại.
Vô Vi là Luật của Vũ Trụ, quy định cách thức hành xử của con người như thế nào để thể hiện được tình yêu thương và sự bình đẳng với nhau.
Trong Đạo Lão, Vô Vi được coi là nguyên tắc quản lý xã hội tốt nhất của nhà nước. Lịch sử Việt Nam cũng có một câu chuyện hay về việc này.
Đỗ Pháp Thuận (915-990) là một thiền sư thuộc trường phái Nam Tông. Ông sống dưới cả ba triều đại đầu tiên của thời kỳ tự chủ là Ngô (939 - 967), Đinh (968 - 980), và Tiền Lê (980 - 1009). Khi Lê Đại Hành lên ngôi có hỏi Ông về chiến lược giữ nước, Ông đã trả lời bằng bài thơ như sau :
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình,
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh
Tạm dịch :
Vận nước như dây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
Lúc đó tình thế quốc gia, cả đối nội lẫn đối ngoại, đều hết sức rối ren và phức tạp. Trong nước thì đang có nạn đói, nhà Vua mới lên ngôi lòng người còn chưa thuận theo, các lực lượng chống đối thì nổi lên khắp nơi tranh giành quyền lực với Nhà Vua. Đối ngoại thì hai đầu Bắc – Nam đều phải đối phó với nguy cơ chiến tranh. Phía Nam, Chiêm Thành liên tục quấy rối.
Phía Bắc là nguy cơ xâm lược của nhà Tống…như hình dung của Pháp Thuận thì “Quốc tộ như đằng lạc” tức là vận nước không khác gì một “bó dây rối bời quấn chặt với nhau”, rất khó tháo gỡ. Nhà Vua hỏi vì vô cùng lo lắng cho vận mệnh quốc gia. Pháp Thuận khuyên Vua phải “Vô vi trên điện các” thì “ Xứ xứ tức đao binh” và “Nam thiên lý thái bình” tức là nếu Đức Vua biết quản lý Vô Vi thì “chiến sự sẽ chấm dứt, đất nước sẽ hòa bình”, mọi chuyện sẽ yên và quả nhiên là như vậy.
Vậy Vô Vi là gì? Về mặt ngữ nghĩa, Vi là tạo tác, là làm. Vô Vi là không tạo tác, không làm. Vậy không làm gì mà tại sao lại yên?”. Thực ra, Vô Vi không có nghĩa là không làm gì mà là nương theo Tự Nhiên mà làm, nương theo quy luật của nó mà làm, rồi để cho Tự Nhiên tự nó vận hành, cho nên làm mà như không làm, mà việc gì cũng được làm như Lão Tử nói “Vi vô vi nhi vô bất vi”. Ngược lại với Vô Vi là Hữu Vi tức nôm na là “cái gì cũng làm mà không làm được cái gì”.
Vô Vi là một từ cổ vì vậy cũng nên dùng các thí dụ hiện đại để giải thích cho dễ hiểu.
Ở một phương trời xa xôi, hơn 200 năm trước, nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith (1723-1790) đã đưa ra Lý thuyết về bàn tay vô hình trong cuốn sách Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc sự giầu có của các quốc gia ( An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) Trong cuốn sách này ông đã chứng minh rằng sự giầu có của các quốc gia phụ thuộc vào sự tự do vận hành và phát triển của các nguồn lực kinh tế trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng chứ không phải là kết quả của sự can thiệp, điều tiết hoặc phân biệt đối xử của nhà nước. Việc nền kinh tế phát triển theo quy luật riêng của mình, Adam Smith gọi là bàn tay vô hình.
Áp dụng lý thuyết này, nước Anh đã cho phép tự do kinh doanh, bãi bỏ các hạn chế và đặc quyền đặc lợi cho một số tầng lớp xã hội và doanh nghiệp, trở thành nước đầu tiên đi vào Cách mạng Công nghiệp và đã phát triển thành một quốc gia giàu có nhất thế giới. Ban đầu, lý thuyết của Adam Smith cũng gây ra hiệu ứng “sốc” cho các nhà nước Âu Châu lúc đó, nhưng những thành tựu ấn tượng của nước Anh cuối cùng đã thuyết phục họ từ bỏ đường lối chính trị chuyên chế dùng quyền lực nhà nước để điều hành kinh tế.
Nhờ vậy, kinh tế và xã hội hay nền văn minh Phương Tây đã phát triển vượt bậc và bỏ xa tất cả các khu vực khác trên thế giới. Cuốn sách “Sự giàu có của các quốc gia” được xếp là quyển sách quan trọng thứ hai sau cuốn Kinh Thánh, Adam Smith được suy tôn là “cha đẻ của nền kinh tế hiện đại”. Thực ra lý luận của Adam Smith, về bản chất, không có gì xa lạ đối với chúng ta cả, đó chính là chính sách “Vô vi trên điện các” mà hơn một ngàn năm trước Thiền sư Pháp Thuận đã khuyên Lê Đại Hành phải thực hiện để đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn lúc bấy giờ.
Đó là chuyện quá khứ của hàng trăm năm trước, hiện tại chúng ta cũng có rất nhiều thí dụ để hiểu rõ hơn thế nào là quản lý theo Vô Vi và thế nào là quản lý theo Hữu Vi.
(Còn tiếp)