Khổng Tử xây dựng học thuyết của mình trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu, sách vở, kiến thức trong quá khứ của các triều đại phong kiến Trung Hoa điển hình (xấu hoặc tốt theo quan điểm của ông) cùng với những quan sát trực quan (mắt thấy, tai nghe) đối với xã hội đương thời mà ông đang sống, rồi từ đó đề xuất ra những giải pháp mà theo ông là đúng đắn, là lý tưởng và là khuôn vàng thước ngọc để xây dựng một xã hội hoàn thiện cho muôn đời mai sau cứ thế mà thi hành. Như vậy, phương pháp luận của Khổng Tử là một phương pháp luận dựa trên cơ sở nhận thức của năm giác quan.
Đây cũng là phương pháp luận của phần lớn các học giả nghiên cứu về chính trị - xã hội trên thế giới cho tới hiện nay. Khổng Tử cũng nói đến Đạo Trời nhưng rất tiếc điều này chỉ được nhắc tới loáng thoáng, ông coi vua là người thay Trời hành Đạo nên ông gọi vua là Thiên tử tức con Trời. Không có cái gì gọi là siêu hình hay trìu tượng trong học thuyết của ông cả. Vì vậy, Khổng Tử gọi học thuyết của ông là Đạo Nhân.
Phương pháp luận của Thích ca lại khác hẳn. Đó là phương pháp luận đặt trên cơ sở nhận thức đa giác quan mà ông làm chủ được thông qua Thiền định. Ông không đọc thiên kinh vạn quyển, cũng không quan sát xã hội bằng trực quan để tìm chân lý như Khổng Tử. Sáu năm tìm kiếm chân lý của ông là sáu năm nhắm mắt, im lặng ngồi thiền trong rừng sâu vắng vẻ. Đợt thiền định cuối cùng của ông kéo dài 49 ngày và chính trong thời gian này ông đã tìm ra sự thật của Vũ Trụ, sự thật của Tự Nhiên trên Trái đất, trong đó có con người và trải nghiệm được những chân lý tối thượng mà ông gọi là Khai Ngộ.
Trải nghiệm trong Đạo Phật là chứng kiến, là hiện diện, là tự mình thể nghiệm chân lý. Chân lý hay sự thực mà Thích ca trải nghiệm là con người không chỉ sống có một lần duy nhất mà còn có vô số kiếp đã sống trong quá khứ cũng như sẽ sống trong tương lai. Về bản chất, con người là một dạng sống trong quá trình tiến hóa của sự sống trong Vũ Trụ. Tiến hóa trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, có thể tiến, có thể lùi, có thể lặp đi lặp lại, có thể vô hình, có thể hữu hình… mà trong đó khoảng thời gian mang thân xác con người chỉ là một giai đoạn quá độ, một mắt xích trong dòng chảy liên tục của Tâm thức con người.
Trong quá trình tiến hóa, con người chịu sự tác động của những quy luật Vũ Trụ nhất định theo nguyên tắc Nhân Quả cho đến khi tự mình ý thức và thực hiện được các quy luật của Vũ Trụ (Đạo Trời), thoát khỏi Nhân Quả thì sẽ tìm lại được Phật tính của mình. Phật tính chính là tâm thức thuần túy cuối cùng, không còn nhân quả, là chân ngã, là bản thể tối hậu, tối thượng của con người.
Và ông gọi mình là Phật tức là người đã đồng nhất được với bản thể tối thượng. Kể từ đó trong vòng 49 năm, ông đi khắp đất nước Ấn Độ để thuyết giảng về những điều mà ông đã trải nghiệm. Những bài giảng này đã được Tôn giả A- nan- đà, một đại đệ tử của ông, ghi chép lại theo trí nhớ và tập hợp lại thành Kinh Phật để truyền lại cho đời sau, toàn bộ học thuyết của ông được gọi là Đạo Phật. Phật, tiếng Phạn là Buddha, tức là Bậc Giác Ngộ, Bậc Toàn Giác – người nhận thức được hết thảy. (Thực ra còn có một bộ Kinh nữa do Tôn giả Ma-ha-ca-diếp ghi lại những lời Đức Phật giảng riêng cho những người xuất gia trong Tăng đoàn của Ngài. Bộ Kinh này gọi là Tàng Kinh vì được cất giữ bí mật trên dẫy núi Hymalaya mà không phải ai cũng có duyên cơ để đọc)
Khác với Khổng Tử, Thích ca không tuyệt đối hóa học thuyết của mình, ông đã dặn lại học trò và các thế hệ mai sau nhiều lần là hãy coi học thuyết của ông như bàn tay chỉ Trăng và chớ nhầm lẫn bàn tay chỉ Trăng với Mặt Trăng. Thông điệp bằng hình ảnh mà ông để lại cho hậu thế là những pho tượng ông đi tìm chân lý trong tư thế nhắm mắt ngồi thiền hoặc nằm thiền tay che tai. Nhắm mắt và bịt tai! Vậy ông nhìn bằng gì? Nghe bằng gì? Ông nhìn bằng Thiên nhãn (mắt Trời), nghe bằng Thiên nhĩ (tai Trời).
Có Thiên nhãn, ông nhìn thấy mọi vật trong Vũ Trụ, có Thiên nhĩ ông nghe thấy mọi tiếng nói và âm thanh trong Vũ Trụ … Điều đó giải thích tại sao trong giới tu hành thường nói cuốn Kinh chân chính nhất là Vô Tự Chân Kinh. Vô tự là không có chữ, Vô Tự Chân Kinh là kinh không chữ mà người ta chỉ có thể hiểu được thông qua thiền định, cũng như bên Thiên Chúa Giáo cho rằng có Luật Bất Thành Văn tức là luật không ghi thành văn bản là Luật Trời tối thượng mà con người chỉ có thể nhận thức được bằng lương tri, lương tâm của mình. Ngộ được Kinh vô tự hay Luật bất thành văn tức là ngộ được Đạo Trời, Luật Trời.
Nhờ Thiền định, Phật Thích ca thấy và hiểu được sự tiến hóa của mọi hình thức sống, tức là của tất cả các chúng sinh trong Vũ Trụ, từ con vi trùng nhỏ bé đến cây cỏ, muông thú, từ con người đến các hành tinh, từ vô hình đến hữu hình và tất cả đều liên hệ, tác động qua lại với nhau trong môi trường không – thời gian của Vũ Trụ bao la, vô cùng vô tận không có kết thúc và không có bắt đầu… để rồi từ đấy mới nhận thức ra được quy luật của Vũ Trụ và sự tiến hóa của toàn thể chúng sinh, trong đó có con người và như thế theo Đạo Phật mới được gọi là Giác Ngộ. Hiểu biết về Tự Nhiên và Vũ Trụ đến trình độ như vậy, khoa học hiện đại chưa thể vươn tới được cho nên Albert Eistein, nhà vật lý vĩ đại nhất của thế kỷ XX, khi nghiên cứu Phật Giáo mới thừa nhận: