Nhìn vào lịch sử nước nhà, đại bộ phận các nhà nghiên cứu đều nhận định hai triều đại Lý -Trần là đỉnh cao của nền văn minh Việt Nam. Quả thực, đó là một giai đoạn thăng hoa của lịch sử dân tộc. Tất cả những cái gì tinh túy nhất của Việt Nam đều được định hình trong thời kỳ này. Kinh tế phát triển, văn hóa dân tộc phát triển một cách độc lập, khác biệt với văn hóa Trung Hoa. Tư thế quốc gia, tư thế dân tộc, tinh thần tự chủ, tự cường, sự tự tin, phong cách ung dung, thư thái, chủ động của các vị vua hai triều đại này trong việc đối phó với mọi biến động của tình thế quốc gia, đối nội cũng như đối ngoại, thật khó thời nào bì kịp.
Ta giải thích thế nào về hiện tượng phát triển của các triều đại Lý - Trần? Phải chăng đó là một giai đoạn ngẫu nhiên của lịch sử dân tộc hay là có những điều kiện nào đó mang tính quy luật mà chúng ta chưa biết?
Có lẽ chúng ta đều nhất trí với nhau rằng, một đất nước, một quốc gia phát triển như thế nào tùy thuộc rất lớn vào Hệ tư tưởng hay Ý thức hệ chính thống mà quốc gia đó lựa chọn. Sự lựa chọn này là điều quan trọng bậc nhất mà các bậc đế vương phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng để quyết định vì các vấn đề như chế độ kinh tế, tiêu chuẩn đạo đức xã hội, hệ thống pháp luật, các chủ trương chính sách đối nội, đối ngoại… đều được xây dựng trên cơ sở một Hệ tư tưởng nào đó mà nhà nước coi là chính thống. Nếu chọn sai, kinh tế sẽ kém phát triển, đạo đức xã hội sẽ suy đồi, hệ thống pháp luật sẽ rối ren, các chủ trương chính sách của nhà nước sẽ kém hiệu quả…xã hội sẽ bất ổn và cuối cùng sẽ dẫn đến vấn đề tồn vong của chế độ, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến quốc gia và dân tộc.
Trong điều kiện lịch sử nước ta và khu vực lúc đó, các vị vua đầu đời Lý-Trần chỉ có thể xây dựng Hệ tư tưởng quốc gia từ 3 nguồn tư tưởng triết học và Đạo học của Á Đông là Đạo Phật, Đạo Khổng và Đạo Lão. Điều may mắn đối với dân tộc và đất nước là các vị đã chọn Đạo Phật làm Ý thức hệ chính thống, chọn Phật giáo làm Quốc Đạo, còn Nho giáo chỉ được sử dụng như một công cụ hành chính của nhà nước và được thi hành trong khuôn khổ Ý thức hệ của Đạo Phật.
Đạo Lão nói về Đạo Trời, rất gần gũi với Đạo Phật nhưng Đạo Đức Kinh – tác phẩm duy nhất mà Lão Tử (571 - ? TCN) để lại chỉ có hơn 5000 chữ tuy khó có thể phổ thông hóa thành một hệ tư tưởng xã hội cho quảng đại quần chúng, nhưng những tư tưởng triết học về xã hội và tự nhiên của ông luôn được các học giả trên toàn thế giới đánh giá rất cao, học thuyết của ông là sự bổ xung quý giá cho Đạo Phật và cùng với Đạo Phật được coi là nền tảng và tài sản lớn nhất của Đạo học Phương Đông.
Đạo Khổng hay Nho Giáo là một học thuyết triết học - đạo đức - chính trị - xã hội của Trung Quốc do Khổng Tử (551-479 TCN) san định. Nội dung học thuyết của Khổng Tử là các vấn đề về Tu thân - Tề gia - Trị Quốc - Bình thiên hạ, nó bao quát toàn bộ các mối quan hệ, từ quan hệ gia đình, xã hội đến quan hệ vua - tôi trên cơ sở nam quyền và phục tùng quyền lực cao nhất, quyền lực tối thượng trong xã hội lúc bấy giờ là quyền lực của nhà vua.
Đưa ra học thuyết này, mục đích trực tiếp của Khổng Tử là muốn ra làm quan, thi thố tài năng để giúp Vua trị quốc, an dân. Ông đã từng nói về cái Đạo làm quan mà ông ấp ủ: “Dùng ta thì ta giúp làm nên sự nghiệp, không dùng thì ta ở ẩn”. Nhưng cũng phải hơn 300 năm, sau khi ông qua đời, giai cấp thống trị Trung Quốc mới nhận ra học thuyết của ông rất phù hợp để duy trì, bảo vệ và phát triển một cách ổn định chế độ phong kiến tập quyền.
Vì vậy, bắt đầu từ đời Hán Vũ Đế (năm140 TCN) trở đi cho đến Cách mạng Tân Hợi (1910), hơn 2000 năm, Đạo Khổng được công nhận là Hệ tư tưởng thống trị của xã hội, là Vương Đạo của tất cả các triều đại phong kiến Trung Hoa, Khổng Tử được suy tôn là “Vạn tuế Sư biểu” tức là “Vị Thầy của muôn đời”. Khổng giáo trở thành chương trình học bắt buộc và là nội dung thi cử cho tất cả những ai muốn làm việc, muốn có quyền lực, công danh, sự nghiệp trong bộ máy hành chính, quan lại của vương triều Trung Quốc.
Ngược lại với Đạo Khổng, Đạo Phật không phải là một học thuyết chính trị. Đạo Phật không nhằm tới quyền lực xã hội. Mục tiêu duy nhất của Đạo Phật làm sao cho mỗi một người trong xã hội giác ngộ và sống phù hợp với các quy luật của Vũ Trụ hay như ta thường nói Luật Trời, Đạo Trời vì Đức Phật (566 - 486 TCN?) nhận thấy nguyên nhân duy nhất gây nên sự bất hạnh và đau khổ cho con người, làm cho xã hội rối loạn và bất an chính là do con người vi phạm vào các quy luật khách quan của Vũ Trụ. Bởi vậy, Ngài còn gọi học thuyết của mình là “Học thuyết thoát khổ”, thoát khổ cho cá nhân và thoát khổ cho xã hội.