Hôm thứ ba, ngày 01/10/2019, Cục Di sản Văn hóa nước này đã công bố Yunjangdae – chiếc hòm xoay đựng kinh Phật – và Daejangjeon – sảnh đường lưu giữ chiếc hòm đặc biệt nói trên – tại Chùa Yongmunsa, Yecheon, tỉnh Gyeongsang Bắc có khả năng sẽ được công nhận là báu vật quốc gia. Trước kia, Yunkangdae và Daejangjeon cũng đã được xem là báu vật nhưng bây giờ Hàn Quốc sẽ công nhận chúng là báu vật quốc gia và nâng cao vị thế của chúng.
Yunjangdae, còn gọi là Jeonryunjang, là một hòm đựng kinh dạng hình trụ được tạo ra bởi một nhà tu hành Phật giáo trong triều đại Goryeo. Các bản kinh nằm trong Daejangjeon và một cấu trúc hình bát giác xoay quanh một trụ gỗ. Kinh sách cũng được để trong cấu trúc bát giác này, vốn đã từng được cải tạo nhiều lần, ít nhất là cho đến thế kỉ 17. Người ta tin rằng, nếu Yunjangdae xoay quanh một vòng thì bạn cũng đã đọc một lần kinh.
“Yunjangdae ở Chùa Yongmunsa nguyên bản và nghệ thuật ở chỗ nó phản ánh quan niệm âm dương và ngũ hành của vũ trụ cũng như trời đất nhưng lại được trang trí một cách giản dị mà tinh tế”, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết. “Đây là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ được sinh ra từ kỹ thuật và tài năng nghệ thuật trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ và hội họa”.
Trong khi đó, Daejangjeon của Chùa Yongmunsa là kiến trúc duy nhất tại quốc gia này lưu giữ một “kinh thư trụ” như vậy. Công trình này đã được sửa chữa tám lần cho đến lần gần nhất vào cuối thế kỉ 17. Daejangjeon mang phong cách kiến trúc đặc trưng cuối thời Goryeo – đầu thời Joseon. Tổng cộng 24 công trình đã được công nhận là báu vật quốc gia, trong đó Daejangjeon sẽ là công trình kiến trúc đầu tiên nằm trong danh sách trong vòng 8 năm qua kể từ Geukrakjeon ở Chùa Hwaamsa, Wanju được công nhận.
Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc cho biết họ quyết định nâng tầm vị thế của Yunjangdae – Daejangjeon thành báu vật quốc gia khi cân nhắc thời gian hình thành, ý nghĩa và đặc trưng của chúng. Quyết định cuối cùng về việc công nhận hay không sẽ có sau 30 ngày ra thông báo thông qua sự cân nhắc của Ủy ban Di sản Văn hóa Hàn Quốc.
Dân Nguyễn
(Dịch từ The Dong-A Ilbo)