Khác hẳn loài vật, dù là động vật bậc cao nhất trong thang tiến hoá sinh học, con người có cấu trúc não bộ phát triển rất cao với các nơ- ron thần kinh, các trung khu chuyên biệt chức năng trong hoạt động nhận thức, tư duy, ngôn ngữ... Chính sự có mặt, hoạt động, phát triển của não bộ mang đến cho con người khác biệt muôn loài, có đời sống đạo đức, tình cảm, đời sống xã hội, tư tưởng, khả năng học tập, cần lao hiệu quả; đời sống tâm linh, nghệ thuật, triết học... Khái quát: hết thảy những điều đó tạo nên nhân tính ở con người và chỉ con người mới có.
Có một bộ sách tuyệt vời mang tên “ hạt giống tâm hồn”, tập hợp những câu chuyện có thực mang giá trị giáo dục sinh động, bộ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, bán chạy, có bản tiếng Việt và nổi tiếng ở VN không kém ở các nước. Những câu chuyện đẹp về hành xử của con người trong đời sống ca ngợi nhân tính, bồi đắp và giáo dục nhân tính hơn nhiều các giáo điều đạo đức khô cứng.
Bộ sách ấy chỉ là một chấm phá nét đẹp nhân tính, xã hội mênh mông có vô vàn ví dụ về biểu hiện nhân tính không hề ít thuyết phục hơn, có khi ở quanh bạn, quanh tôi hàng ngày.
... Nhớ một câu chuyện từng đươc đọc từ những năm 1980, 1990 trên hoạ báo Liên Xô khổ rộng, phát hành bằng tiếng Việt ở VN: một cô bé Nhật Bản tên Sadaky Sadako do ảnh hưởng phóng xạ từ vụ nổ nguyên tử cuối đệ nhị thế chiến, vướng nan y, sự sống chỉ còn đếm từng ngày. Niềm hy vọng sống còn của cô có nét giống nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Mỹ Hen-ry qua sự tồn tại của chiếc lá cuối cùng ngoài khung cửa trong tuyết lạnh. Cổ tích Nhật - Bản có niềm tin rằng nếu thành tâm xếp thật nhiều chim hạc bằng giấy thả xuống dòng sông và nguyện cầu, khổ nạn sẽ qua. Cô bé , hồi ấy cuoi những năm 1950, kiên trì gấp hạc để con số 1.000 con, để có hy vọng sống còn. Nhưng cô chi gấp đến 644 con hạc và... ra đi. Và không rõ bằng cách nào đấy câu chuyện về cô gái nọ truyền lan khắp Nhật - Bản và ra bên ngoài đất nước, mọi người, nhất là với giới thanh thiếu nhi học trò đồng trang lứa cô bé, đã xúc động trước hoàn cảnh của cô và rất nhiều chim hạc giấy đã được gấp nguyện cầu cô bé vượt qua chứng bệnh ngặt nghèo.... Sanaky Sadako không sống nữa, nhưng giọt nhân tính lung linh từ cô và bạn bè đồng lứa năm châu làn mãi một giá trị sống đẹp. Câu chuyện là một ví dụ về nhân tính chỉ con người mới có.
Đã có nhân tính, lại có phi nhân tính _ một “ nét” xấu xa tồn tại ngoài mong đợi. Cũng một câu chuyện thực, ở VN, một vụ án từ tai nạn giao thông: hồi 2017, ở TP HCM, một xe hơi đâm phải người trên đường, tài xế dừng xe nhận ra nạn nhân chỉ bị thương chứ không chết, và cũng nhận ra đường vắng không có nhân chứng, anh ta lùi xe lấy chớn cán thêm một lần cho nạn nhân chết hẳn với suy nghĩ: nếu nạn nhân còn sống pháp luật sẽ buộc chịu trách nhiệm chi trả viện phí và nuôi nấng lâu dài rất tốn kém trong khi nếu cán chết hẳn tiền đền nhân mạng ít hơn! Nạn nhân là một chau bé, tên Khoa. Câu chuyện rợn người này điển hình cho sự phi nhân tính, cái ác vượt ngưỡng, kinh tởm, kẻ ác không còn tính người. Số lượng vụ cán nhiều lần cố sát như thế ở VN đuoc toà thụ lý không ít Và, nhớ lại câu chuyện với cô bé người Nhật, những con hạc giấy tuyệt đẹp được gấp bằng tấm lòng, nghĩ về động cơ gây án của tài xế nọ thật rợn người: bác tài kia phi nhân tính vô đạo đức, ví ngang cầm thú.
Mọi nền đạo đức, giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo... đều hướng con người đến sự bồi đắp nhân tính qua nhiều phương pháp.
Và, hai câu chuyện có thật kia đánh thức, nhắc nhở về một giá trị căn bản nhất của đời sống con người: lòng trắc ẩn với đồng loại, tha nhân, nhân tính...
Nếu không có giá trị ấy, con người dù giàu có tài giỏi quyền lực mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ là dã thú mang lốt người, một loại động vật cao cấp mà thôi...
Nguyễn Thành Công