Gần 50 vị hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại diện các giáo đoàn hệ phái khất sĩ đã đến dự và nhận ấn tống tại gia đình thầy giáo, cư sĩ, dịch giả Thiện Trí Nguyễn Tri Bật ở TP biển Nha Trang.
![]() |
Lễ rước từ tịnh xá Ngọc Pháp về gia đình dịch giả |
Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Đại thừa của Phật giáo. Ở Việt Nam, từ trước đến nay, giới tu hành cũng như học giả ngoài cố HT Thích Trị Tịnh dịch chuyển ngữ bộ kinh hệ phương đẳng đồ sộ này để mọi giới đọc tụng. Vậy mà, có một thầy giáo dạy tiểu học “đem tín tâm đặc biệt để hiểu” rồi lặng lẽ trì chí trong suốt 7 năm, dịch thuật và chú giải toàn văn kinh Hoa Nghiêm với nguyện ước cống hiến cho đời một chữ TÂM. Người ấy là cư sĩ Thiện Trí Nguyễn Tri Bật, cả cuộc đời sống lặng lẽ, khiêm nhường.
![]() |
Đại kinh Hoa Nghiêm chữ Việt vừa mới xuất bản. |
Cư sĩ Thiện Trí Nguyễn Tri Bật dịch đại kinh Hoa Nghiêm từ bản chữ Hán của Thật-xoa-nan-đà. Ông Nguyễn Tri Hướng-con trai dịch giả Nguyễn Tri Bật, kể: “Cha tôi bắt đầu dịch từ năm 1963, sau 7 năm thì hoàn thành, nhưng chưa gặp được duyên lành, mãi đến lúc ông qua đời (năm 1990) vẫn còn nằm trong bản thảo. Được ni sư Tuệ Liên, tiến sĩ văn học Phật giáo, hiệu đính từ năm 2006 và đến nay mới được Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam chủ trì ấn hành.
Theo TS- Ni sư Tuệ Liên, công việc hiệu đính tiến hành suốt 8 năm, với sự cộng tác giúp đỡ của 2 sư cô khác trong việc nhập dữ liệu, dàn trang. Năm 2014, ngay sau khi hoàn thành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam in và phát hành bộ kinh Hoa Nghiêm chữ Việt, gồm 5 quyển với hơn 3.500 trang.
![]() |
Lễ ra mắt và ấn tống đại kinh Hoa Nghiêm tại gia định dịch giả Nguyễn Tri Bật. |
Đây là 1 trong những bộ đại tạng kinh Việt Nam được chính thức lưu hành. Trong ngày ấn tống, gia đình dịch giả Nguyễn Tri Bật đã tặng Viện Nghiên cứu Phật học 100 bộ để các tu viện, các chùa xa và ở nước ngoài có dịp thỉnh về phổ biến, tu học.
Thầy giáo Nguyễn Tri Bật là bậc cao học, thâm nho, không chỉ giỏi Hán văn mà còn chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học, triết học Pháp. Ở Nha Trang, rất ít người biết ông là hậu duệ của đại danh thần Nguyễn Tri Phương. “Sinh thời, cha tôi luôn luôn dạy con cháu đặt chữ tâm lên trên hết. Có những lúc đời sống kinh tế rất khó khăn, cha mẹ tôi vẫn chia sẻ, cưu mang những hoàn cảnh ngặt nghèo. Cha tôi có khát vọng đưa chữ tâm vào cuộc đời, xây dựng chữ tâm góp phần làm nền tảng đạo đức xã hội.” – ông Nguyễn Tri Hướng nói.
![]() |
Bút tích và bản thảo của dịch giả được gia đình bảo quản cẩn thận |
Một trong những người từng được thầy giáo Nguyễn Tri Bật dạy dỗ, chỉ bảo từ bậc tiểu học là nhà văn, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân. Nhớ lại kỷ niệm sâu nặng cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân xúc động bộc bạch: “Có được sự thành đạt hôm nay là nhờ buổi đầu thầy đã đặt vào tâm trí tôi không những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn hình ảnh trí thức mẫu mực của một người thầy dạy dỗ học trò như dạy dỗ con mình.”
21 năm sau khi người thầy chí tình và tận tâm giã từ cõi tạm, đại kinh Hoa Nghiêm được phát hành. Dù thế nào, ở "thế giới bên kia" ông đã thỏa nguyện, chữ Tâm kinh điển qua bản tiếng Việt dễ phổ biến, lưu truyền sâu rộng trong tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài.
![]() |
Bút tích và bản thảo của dịch giả được gia đình bảo quản cẩn thận. |