Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường Phật giáo - âm Hán Việt phạm hay phạn? (phần 1.2)
Khái niệm "làm phúc" đã xuất hiện lâu đời, trong Kinh Thi (chương Hồng Phạm 洪範) nhắc đến năm loại phúc 五福:一曰壽,二曰富,三曰康寧,四曰攸好德,五曰考終命 Ngũ phúc: nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh,tứ viết du hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh
Phần này ghi thêm vài chi tiết bổ túc cho bài viết "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường Phật giáo - âm Hán Việt phạm hay phạn? (phần 1.1)". Nguồn gốc của chữ 梵 phạm/phạn không đơn giản, ngay cả học giả thời Hán Hứa Thận trong Thuyết Văn Giải Tự (TVGT) đã từng ghi rằng
出自西域釋書,未詳意義
Xuất tự Tây Vực Thích thư, vị tường ý nghĩa (xuất hiện trong kinh Phật từ Ấn Độ, không rõ ý nghĩa - tạm dịch). Xem hình bên dưới
TVGT - Bộ lâm 林 (trong 540 bộ thủ, biên hiệu 3828) có 10 chữ như Sở 楚, sâm 森, mậu 楙, lộc 麓, phần 棼 ... phạm/phạn 梵 (biên hiệu 3837).
Từ thời Tập Vận (TV - 1037/1067) cho đến Chánh Tự Thông (CTT - 1670) ghi thêm nghĩa (giống) người Ấn Độ (Tây Vực) và là nguồn của kinh Phật (Phù Đồ thư). Đây là nghĩa mới nhập vào vốn từ Hán cổ, so với nghĩa cổ hơn là bờm xờm (cây cỏ mọc sum suê).
Tập Vận (TV – năm 1037/1067 – TV phần nhiều dựa vào Quảng Vận - để ý một cách viết khác của phạm/phạn với thành phần hài thanh là phong/phúng 風
1. Chữ phạn 飯 nghĩa là cơm đã được từ điển Việt Bồ La (VBL/1651) ghi nhận trong mục Thíc Ca: " ... cha ông là tịnh phạn vương, mẹ ông là mada phu nhên ..." (trang 761).
VBL – trang 800
VBL – trang 761
Tịnh Phạn Vương 淨飯王 là một cách dịch1 phỏng theo nghĩa tiếng Phạn शुद्धोदन [ suddhodana ] m. N. of a king of the race of the Sâkyas, father of Buddha (vua của bộ tộc Sakya, cha của đức Phật tổ). Những cách dịch khác là Chân Tịnh 真净, Bạch Tịnh 白净, Duyệt Đầu Đàn閱頭檀/悅頭檀, Thủ Đồ Đà Na 首圖馱那 … Dronodana (斛飯王 Hộc Phạn Vương) là chú ruột của đức Thích Ca - dịch theo nghĩa drona là một đơn vị dung tích (a measure of capacity) nên chuyển thành hộc (mười đấu là một hộc). Cơm2 tiếng Phạn là tihan, tandula (gạo), vrihi, anna (gạo đã nấu chín để ăn) ...v.v... Không phải là dana!
Trong 雜寶藏經 Tạp Bảo Tạng Kinh/TBTK, có câu
淨飯王當于爾時,在樓閣上
Tịnh Phạn Vương đương vu nhĩ thì, tại lâu các thượng
TBTK soạn bởi sư Ấn Độ 吉迦夜 Cát Già/Ca Dạ (Kinkara, Kekaya) và Đàm Diệu 曇曜 vào năm 472.
2. Xaca phiên âm là Thích Ca
Một nhận xét từ định nghĩa của Thíc Ca trong VBL chữ Xaca với phụ âm xát đầu lưỡi x (s) (theo cách viết của VBL) so sánh với phụ âm tắc đầu lưỡi th: Xaca (tiếng Phạn Sakya - 釋迦 Thích Ca/Già, VBL – trang 761). Điều này còn thấy trong các cách viết vị sang/vi thang (VBL - trang 676/743), lơ thơ/lơ xơ(VBL - trang 419). Tương ứng giữa x/s and th vẫn còn để lại vết tích như trên trong thời VBL (năm 1651), cũng như cách dùng sự thượng đế (thờ vua trên/VBL - trang 700). Đây là một chủ đề3 rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.
Các dữ kiện trên cho thấy hai âm phạm và phạn đã hiện diện vào thời VBL (1651), cũng như âm phạn (cơm). Đây là vết tích của âm Bắc Kinh (so với các âm địa phương) của thời nhà Minh (1368-1644) trong tiếng Việt qua con đường Phật Giáo.
3. Phụ chú và phê bình thêm
Khái niệm "làm phúc" đã xuất hiện lâu đời, trong Kinh Thi (chương Hồng Phạm 洪範) nhắc đến năm loại phúc
五福:一曰壽,二曰富,三曰康寧,四曰攸好德,五曰考終命
Ngũ phúc: nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh,tứ viết du hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh
Học giả thời Hán Hoàn Đàm 桓譚 (43 TCN - 28 SCN) thì cho ngũ phúc là 壽、富、貴、安樂、子孫眾多 (thọ, phú, quý, an lạc, tử tôn chúng đa/nhiều con cháu). Cũng có tác giả cho vô bệnh 無病 là một trong ngũ phúc (cũng liên hệ đến an lạc hay thọ ...), và nhân hoà 人和 (thích hợp, thiên thời địa lợi nhân hoà) thay vì chung mệnh (theo học giả hiện đại TQ Vương Diên Thanh 王延青) …v.v…
Khái niệm về phúc như trên có phần giống như Phật Giáo (làm việc thiện so với ác), tuy PG chú trọng nhiều đến làm phúc (nhân) so với hưởng phúc (quả), cũng như tạo nghiệp lành cho đời sau (hậu kiếp, kiếp sau so với kiếp trước) qua khả năng luân hồi ... (A) Trong "Duy Ma Cật sở thuyết kinh" 維摩詰所說經, pháp sư Cưu-Ma-La-Thập cũng dùng từ ghép phạn hành
不著三界。示有妻子。常修梵行。現有眷屬。常樂遠離
Bất trứ tam giới。 kì hữu thê tử。 thường tu phạn hành。 hiện hữu quyến chúc。 thường nhạc viễn li
(A) khái niệm về thời gian, đặc biệt là khả năng kéo dài thời gian ra (time dilation/giãn nở thời gian) cho ta khả năng liên kết thêm một số yếu tố khác với một cách nhìn bao quát và chính xác hơn. Đây là cách nhìn “phúc” từ đời trước đến đời sau, một số là kết quả mà nhiều khi ta không ảnh hưởng/ý thức được (vd. vì đã nằm trong gen của con người), đem Phật giáo đến gần khoa học thực nghiệm và lý thuyết tương đối cận đại ... Một chủ đề rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này, bạn đọc có thể tham khảo các bài viết (Nguyễn Cung Thông) liên hệ như
“Phương pháp giải quyết vấn đề và tứ diệu đế” trang http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/bon-chan-ly/4690-Phuong-phap-giai-quyet-van-de-va-Tu-Dieu-De-phan-1-.html hay http://thuvienhoasen.org/a4820/phuong-phap-giai-quyet-van-de-va-tu-dieu-de ...
"Tản mạn về từ Hán Việt - Thì thời" trang http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/attachments/article/4101/T%E1%BA%A3n%20m%E1%BA%A1n%20v%E1%B
B%81%20t%E1%BB%AB%20H%C3%A1n%20Vi%E1%BB%87t%20th%E1%BB%9D-1i.pdf …v.v…
1) Trích từ trang http://dsalsrv02.uchicago.edu/cgi-bin/romadict.pl?page=163&table=macdonell&display=utf8 . Suddha tiếng Phạn nghĩa là tinh khiết (trong sạch), cho nên từ ghép asuddha nghĩa là dơ bẩn, xấu xa ... Dana là thí 施 (bố thí/tặng/cho, nghĩa rộng hơn so với tục bố thí thức ăn như cơm trong cách dịch nghĩa Tịnh Phạn Vương) (B). Suddhacandra (Shuddhachandra,chandra nghĩa là mặt trăng, có gốc chand là chiếu sáng/shine - so với trăng và trắng tiếng Việt) dịch là Tịnh Nguyệt 淨月 - một trong 10 vị Đại Luận Sư của Duy Thức Luận. Con gái chưa lấy chồng, sữa không có nấu (chín), nước từ sông Hằng Hà ... đều được coi là suddha (tinh khiết).
Bố thí cũng có nhiều loại: bố thí tinh thần/đạo (vidya Dāna), bố thí ruộng đất (Bhu Dāna), bố thí con bò (Go Dāna), bố thí thuốc men ... Trong kinh Tiểu Thừa (tiếng Phạn Nam/Pali) có câu
Sabba danam, Dhamma danam jinati
Trong các loại bố thí thì cho (truyền bá, bố thí) đạo là cao nhất
(B) Cách dùng "Tịnh Phạn" lặp lại trong Phép Giảng Tám Ngày, tuy nhiên có vài điểm cần nêu ra ở đây là tên hai vị thầy của đức Phật Tổ, LM de Rhodes có ghi sai tên thứ nhì là Calala - có lẽ là sai từ nguồn chép tên (khá dài) của Alala Kalama (Kalama viết nhầm thành Calala?). Tên của đứa con duy nhất của đức Phật Tổ là Rahula (La Hầu La) cũng viết (sắp chữ?) nhầm thành ca hầu la (xem hình chụp bên trên), và trong Phép Giảng Tám Ngày lại ghi là con gái:
"... bên Thiên trúc quốc thì có vua, tên là Tinh Phạn, mà đẻ con, dạ thì sáng, song kiêu ngạo lắm. đã lấy con vua nào gần đấy gả cho, mà sinh đẻ được một con gái đoạn, thì khiến đi ở trên rừng một mình, dẫu vợ cãi mà chẳng cho, vì mình đã quen làm việc dối, như pháp môn phù thuỷ, và muốn cho người ta hãi mà khen nó, và lòng láo thong dong nói khó cùng ma quỷ. Mà trong nhiều quỷ dạy nó, thì có hai quỷ, tên là Alala và Calala, quen làm thầy nó liên, mà nó thì ngồi giữa hai thầy quỷ ấy ..." (Phép Giảng Tám Ngày, Ngày thứ bốn - LM de Rhodes). Các sai lệch trong VBL và Phép Giảng Tám Ngày (như nhìn từ lăng kính tôn giáo) cần được khai triển và hiểu rõ thêm, nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.
2) Xem thêm chi tiết trang này http://www.spokensanskrit.de/index.php?tinput=rice&link=m
3) Xem thêm loạt bài "Sinh thì là chết?" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông) trên trang http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4642%3Atn-mn-v-t-han-vit-sinh-thi-la-cht-phn-111&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi hay http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21153 …v.v…
Vào thời Trung Nguyên Âm Vận, các chữ phạn 飯 phạm 犯 phạm 范 phán/phiến 販 (C) ... đều cùng vần - xem hình bên dưới
Trung Nguyên Âm Vận (1324)
(C) tiếng Việt còn duy trì âm cổ của phán/phiến là bán (mua bán).