Mẹ cho con nắm bàn tay
bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa
mẹ cho con nắm đôi tay
gầy, đen, thô ráp, hiện đầy vết chai
đôi tay mẹ vẫn miệt mài...
Tác giả và mẹ tại chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho, Tiền Giang) - Ảnh: Sương Lạc
Nắm tay mẹ và cầm ngắm bàn tay của mẹ để biết những lam lũ một đời. Đôi tay của mẹ càng gầy, thô, nhiều vết chai chừng nào là bạn biết mẹ bạn đã cực khổ nhiều chừng nấy, để nuôi bạn khôn lớn thành người. Tất nhiên, có những bà mẹ tay không chai sần, u cục nhưng cũng khổ nhiều, vì những bon chen, tính toán trên bàn giấy có khi còn khốc liệt hơn cả những việc chân tay ngoài đồng.
Thương mẹ là thương bàn tay thô, thương những nếp nhăn hằn trên má, trên mắt, trên tay. Nếp nhăn biểu thị của làm việc nhiều, suy nghĩ, lo lắng cho con cái, cho cuộc sống gia đình... Và cũng là biểu hiện của thời gian khắc nghiệt đã đi qua đời mẹ, đã đẩy mẹ dần xa ta và ta càng lớn lên để... đi xa mẹ, tự lập nuôi thân và dành nhiều thời gian nắm tay một người khác không phải là mẹ.
2. Còn có thể nắm bàn tay mẹ, nắm tay mẹ đi đây đi đó là điều may mắn, là niềm mong ước, là hạnh phúc lớn của mỗi người. Vì, có những người không thể nắm tay mẹ một lần nào nữa bởi người đã khuất núi. Vì có những người chưa đủ nhơn duyên nắm tay và dắt mẹ đi đó đây. Vì có người còn nắm tay mẹ nhưng là cái nắm an ủi tuổi già, khi đôi chân mẹ đã khó khăn đi lại hoặc cái nắm tay của lá vàng dành cho lá xanh trong cơn đau, bệnh hoạn. Cuộc sống có nhiều bất trắc, do duyên-nghiệp (không phải do trời hay đấng tạo hóa nào). Do vậy, hãy trân quý giây phút hiện tại, giờ phút còn được ở bên người thân-thương.
Không phải tự nhiên mà trong đoản văn “Bông hồng cài áo” viết năm 1962, cách đây ngót nghét nửa thế kỷ, Thiền sư Nhất Hạnh đã viết điệp khúc, lặp lại lời khuyên: Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh/chị hãy vào phòng, bắt mẹ dừng kim chỉ mà đừng nói năng chi, hãy cầm đôi bàn tay mẹ và hỏi “mẹ có biết là...”. Và mẹ sẽ hỏi, chắc chắn mẹ hỏi “biết gì?”, và anh/chị/ em hãy nói “mẹ có biết là con thương mẹ không...”. Khi đó, cả hai sẽ thấy sung sướng, sẽ hạnh phúc vì... còn có thể nắm tay nhau, nói lời thương với nhau.
Tất nhiên, lời thương không phải là lời sáo rỗng. Nó xuất phát từ trái tim, cần được xuất phát từ trái tim để nói và để làm. Làm gì đó cho mẹ, đôi khi không phải là mua quà mà là sống tử tế, để mẹ yên lòng, để mẹ không phải bận tâm, lao khổ vì mình. Làm gì đó cho mẹ? Là giữ bản thân để không khổ đau cả thân lẫn tâm là việc làm âm thầm mà lớn lao. Khi đó, dẫu có thể bạn không nói thương mẹ, nhưng mẹ cảm được tình thương bạn dành cho mẹ. Khi đó, dẫu mẹ ta không còn nữa, nhưng, trong dòng sanh ly tử biệt chắc chắn có giao thoa, thấu cảm.
3. Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật kể nhiều chuyện tiền thân Ngài Địa Tạng Bồ-tát, là một người con chí hiếu, nhiều lần cứu mẹ khi mẹ là người nhiều tội nghiệp. Khi thì tín nữ Bà-la-môn, lúc là Quang Mục..., lúc nào cũng nghĩ tới mẹ và làm nhiều thiện nghiệp cho mẹ, phát tâm cứu mẹ và cứu muôn loại chúng sinh bắt đầu từ thương mẹ, hiếu với mẹ. Chính vì vậy mà Thiền sư Nhất Hạnh gọi “tình mẹ là gốc của mọi tình thương”, nói mẹ là giáo sư thuộc phân khoa dạy về tình thương trong trường đại học cuộc đời.
Mẹ là có thể không là vĩ nhân, chỉ là người nhà quê, nông dân xấu xí. Nhưng, chắc chắn mỗi bà mẹ đều là vĩ nhân của con mình, trừ những ai sanh con mà tự tước đi quyền làm mẹ của chính mình. Chắc chắn, mỗi bà mẹ đều là vị Bụt, là Bồ-tát Lắng Nghe và Thấu Hiểu của con. Nên hãy nắm tay mẹ, hãy truyền thông điệp thương mẹ và sẻ chia với mẹ bất cứ lúc nào có thể, để mốt mai... “Chỉ một lần mẹ không lau nước mắt cho con/ là khi mẹ không còn...” và “bông hồng đỏ từ nay hóa trắng...” thì có muốn nắm cũng chỉ còn là ngậm ngùi tiếc nhớ, ngậm ngùi thốt ra “hay rứa” hoặc “hay hồi nớ mình nắm tay mẹ nhiều hơn...”.
Nghĩ thế, lễ này nghỉ nhiều, nếu được, bạn hãy về thăm mẹ, hoặc lên kế hoạch dắt mẹ đi đó đi đây khi mình còn cơ hội đó, nghen