Trách nhiệm của Truyền Thông Phật giáo là nêu cao ngọn cờ Chánh pháp sao cho thích hợp với mọi căn cơ của quần chúng và thời đại. Nhằm bảo vệ Phật giáo khỏi cơn Pháp nạn truyền thông hiện tại, cũng như các biến cố đau lòng có thể xảy ra trong tương lai. Nhờ khiêu sáng ngọn đèn chánh kiến giữa đêm tối vô minh, nên phá tan mọi tà kiến của ngoại đạo và lũ sư tử trùng trung. Dẹp sạch bè lũ ma quân ẩn nấp vào hàng Tăng bảo duy trì mạng mạch của Chánh pháp.
Cho nên, tiếng nói của Ban Thông Tin Truyền Thông phải là tiếng nói của bậc đại hùng, đầy đủ Bi, Trí, Dũng, luôn cất lên vì sự tồn vong của đạo Pháp và Dân tộc, không hề bị ngăn ngại bởi sự uy hiếp của danh lợi thế quyền. Càng không vì lợi ích cá nhân, bè phái mà thực hiện, vì trái với tinh thần vô ngã của đạo Phật.
Vì vậy, công tác truyền thông Phật giáo, không chỉ bảo vệ Phật giáo bằng cách phụng sự, cống hiến, đồng hành với Giáo Hội Phật giáo Việt Nam mà đôi lúc cần phải có tiếng nói tiên phong, độc lập, để tránh tình trạng cực đoan, đúng với phép Yết Ma của Tăng đoàn, nhằm phản biện gìn giữ cốt lõi của Phật Pháp là sự thực hành Giới, Định, Tuệ bằng sự thẩm thấu truyền thừa Kinh, Luật, Luận, nhờ vậy mà bảo vệ được Chánh Pháp.
Vì tiếng nói chân chánh của người xuất sĩ là tiếng rống của loài Sư Tử Vương, có thể vỡ mật loài dã can, chồn, cáo, không bị khuất phục bởi lợi dưỡng. Để được như vậy, vai trò của Ban Thông Tin Truyền Thông cần phải được xem trọng, định hướng đúng tinh thần trung đạo, thì mới mong phản ánh trung thực hiện trạng Phật giáo đương thời, mà không hề e ngại bị khiển trách theo cơ cấu hành chánh.
Vì bất cứ tổ chức Tăng đoàn nào cũng chỉ là biểu tướng của Phật Pháp khi còn thực thi Chánh pháp, chứ không thể chấp nhận bị thế tục hoá. Cho nên, muốn Truyền Thông Phật Giáo phát huy đúng trách nhiệm với vai trò của mình, thì tự thân Giáo Hội Phật giáo Việt Nam phải lắng nghe nguyện vọng của Tăng Ni Phật Tử để xây dựng Tăng đoàn.
Do đó, trước khi nhắc đến vai trò của Truyền Thông Phật giáo, thì không thể bỏ qua chủ trương của tổ chức hình thành nên bộ phận truyền thông đó. Tại sao hiện nay Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có đủ một bộ phận Truyền Thông Phật Giáo được cơ cấu từ trung ương đến địa phương, nhưng pháp nạn truyền thông vẫn đang tiếp diễn? Hầu như Giáo Hội chỉ vào cuộc khi hiện trạng ấy bị phản ánh trên mạng xã hội, còn lại thì rủ nhau im lặng "Tịnh Hoá" !
Điều ấy bộc lộ sự yếu kém trong công tác truyền thông của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam hơn là im lặng nhẫn nhục. Vì sự im lặng ấy làm cho ngoại đạo khinh lờn, báo đài ngày càng cợt nhã. Phải chăng các cấp Giáo Hội địa phương chỉ tuyển dụng nhân sự làm công tác Truyền Thông cho có, chỉ cần họ biết quay phim, chụp hình, làm dăm ba bài thơ, biết đánh đàn, ca hát, lái xe... đều đưa vào làm Ban Truyền Thông, rồi chỉ quanh quẩn vài tin tức cũ, cục bộ, đăng bài đi cúng đám, từ thiện là đủ? Không cần biết Phật tử có quan tâm hay không? Tình hình Phật giáo hiện nay đang bị ngoại đạo tấn công thế nào? Hay chủ trương của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam là tuyển dụng càng nhiều nhân sự biết "tịnh hoá" là càng tốt?
Phật giáo có bao nhiêu tờ báo giấy, báo mạng? Nhưng khi báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Thanh Niên v.v…đưa tin xuyên tạc Phật giáo thì Ban Thông Tin Truyền Thông Phật giáo liền tịnh hoá, Từ Bi không dám viết bài đưa tin phản biện? Chỉ trông cậy vào sự lên tiếng của các Phật tử bên lề mạng xã hội. Đó là nhu nhược hay Từ bi? Đạo Phật vốn là "Ngũ Uẩn Giai Không" sao lại ngập tràn sợ hãi? Đề cao "Bồ Đề Tâm" sao lại ích kỷ chỉ lo cho riêng mình, mặc kệ sự thịnh suy của Phật giáo và hưng vong của Dân tộc?
Trước dự thảo thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài Chính được bao nhiêu Tăng Ni Phật tử phản đối? Ý thức được pháp nạn đang diễn ra? Ban Thông Tin Truyền Thông ở đâu hay mặc nhiên để Giáo hội lên tiếng chẳng phải phần việc của mình? Rồi sắp tới các tự viện sẽ bị thống kê tài chính thu chi sinh hoạt hàng ngày, nếu dự thảo thành công Bộ Tài Chính quyết định ban hành văn bản, thì đời sống Tăng đoàn sẽ đi về đâu? Nếu như điều tra kinh tế, thì chỉ phù hợp với các bổn tự có hoạt động kinh doanh, như Chùa Long Hương (công ty Quy Nguyên) Chùa Phật Quang (công ty Pháp Quang), Chùa Phổ Quang (siêu thị Pháp Hoa)..v..v… để đưa ra chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, với các ngôi chùa chuyên tu, nông thiền, làm kinh tế nhỏ để trang trải đời sống tu hành đạm bạc cho Tăng chúng mà điều tra chi tiết từ tiền hoa quả, nhang đèn, chất đốt, điện nước, rau củ, gạo muối, nước tương… nói chung là các khoản tiền công đức, e rằng không phù hợp. Vì thống kê "Chi Phí Sinh Hoạt" và "Điều Tra Kinh Tế" là hai việc khác nhau. Nếu như sự thống kê ấy xâm phạm quá nhiều đến đời sống cá nhân của Tăng Ni là vi phạm.
Do đó, trách nhiệm của Truyền Thông Phật giáo là cần phải bày tỏ nguyện vọng của Tăng đoàn, Phật tử, tín đồ với nhà nước, để việc thực thi dự luật chính sách sao cho hợp tình hợp lý. Nhất là khi Tăng Ni Phật tử còn hoang mang trước dư luận thì ban Thông Tin Truyền Thông đại diện cho tiếng nói của Tăng đoàn cần phải làm việc.
Từ suốt những năm đầu pháp nạn truyền thông đến nay, Ban Thông Tin Truyền Thông đã bao lần họp mặt rầm rộ vậy mà một Nguyễn Nhân phá kiến cho đến nay vẫn còn đó! Báo đài vẫn tiếp tục dựng chuyện lên bêu xấu, xuyên tạc Phật giáo? Vậy trách nhiệm của Ban Thông Tin Truyền Thông ở đâu? Vẫn là nghi vấn muôn thuở của cộng đồng Phật giáo !
Lý Diện Bích