Đạo Phật theo năm tháng cùng các vị Tổ sư các nhà truyền giáo đã vân du đến đất Việt rồi lưu lại ở đây một cách lặng lẽ thâm trầm như những giọt nước thấm đẫm vào lòng dân tộc vào dòng văn hóa và tâm hồn người Việt để làm nên bao nhiêu truớc tác thi ca tôn vinh, tán thán đạo Phật mà gần đây nhất những câu thơ của Trụ Vũ đã nói lên được sự gần gũi, gắn bó của đạo Phật đối với dân tộc như thế nào
Phật giáo Việt Nam. Dân tộc Việt Nam
Ngàn năm xương thịt nối liền
Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng...
Hoặc như
Lũy tre vững hiện mái chùa
Ấm tay đại thụ, mát bờ quê hương.
Vì vậy mà chúng ta không thể xác định đã theo đạo Phật từ bao giờ, khi đạo Phật như dòng sông, con suối mà mạch chảy tuôn tràn từ bao thế hệ cho đến tận bây giờ. Bởi đạo Phật đã mấy ngàn năm qua vẫn luôn được lưu giữ. truyền thừa một cách tự nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều mà ai cũng biết là từ khi còn rất nhỏ các con cháu đều được ông bà cha mẹ dạy cho biết chắp tay cúi đầu lễ Phật hoặc đưa con cháu đến chùa cho quy y, để Sư thầy đặt tên pháp danh cho khi chua hề có ý thức cũng là chỉ mong cầu Chư Phật hộ trì cho con trẻ được an ổn mạnh lành thì đó là đức tin chân chất, mộc mạc của người Việt tự rất lâu đời, vô tình đã biến Đức Phật thành vị thần hộ mạng trong mỗi gia đình không biết tự khi nào. Nên dù không chính thức theo đạo Phật hoặc trong nhà không có bàn thở Phật thì những khi gặp chuyện chẳng lành người Việt Nam vẫn luôn miệng cầu trời khấn Phật. Và như thế đạo Phật đã đi vào cuộc sống của người VN một cách nhẹ nhàng tự nhiên mà hoàn toàn không gặp sự phản kháng hay chống đối bởi bản chất hiền hòa của đạo Phật, để rồi mặc nhiên từ đó người VN đã xem đạo Phật như một tín ngưỡng truyền thống, gắn liền với tâm thức với quê hương dân tộc như những câu thơ của Nguyễn Bính
" Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông khuya, gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi !
Mai ngày tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi ! bỏ Chùa.."
Đối với các nhà nghiên cứu thì xem Đạo Phật như là một triết lý thâm sâu huyền diệu bởi thiên kinh vạn quyển mà Đức Phật đã để lại còn những người con Phật thì xem Ngài như một vị cha lành nâng đỡ, dẫn đường cho những đứa con trong cuộc đời mênh mông biển khổ. Cho nên dù ba bộ Kinh Luật Luật có được lưu truyền với những lời giáo huấn cao siêu , rộng lớn thì mỗi chúng sanh cũng chỉ lãnh hội được phần của mình. Như trong Kinh Pháp Hoa ở phẩm Dược thảo dụ thứ 5 đã ví lời dạy của Đức Phật như là những trận mưa Pháp làm cho các loại cây cỏ từ cổ thụ, lớn, vừa hay nhỏ cũng thảy đều được thấm nhuần, thọ hưởng tùy theo sức thẩm thấu của mỗi loại. Vì vậy kinh điển có nhiều, có cao thâm huyền diệu thì sự hiểu biết của mỗi chúng sanhi cũng chỉ có hạn, điều quan trọng chính yếu là có đem thực hành mới thấy được hạnh phúc, an lạc thật sự. Hãy nhìn nhân cách, lòng từ bi và tâm bình đẳng nơi Đức Phật mới hiểu được vì sao đã giác ngộ đến quả vị tối thượng, trí tuệ vuợt bậc sáng suốt mà Ngài không dành độc tôn cho riêng mình khi nói rằng "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" là bởi Đức Phật đã nhìn thấy ở mỗi chúng sanh đều có Phật tánh nên Ngài luôn luôn nhắc nhở, khuyến khích con người hãy cố gắng tinh tấn thực hành rồi cũng sẽ đạt đến quả vị như Ngài . Đức Phật thường dạy học nhiều, hiểu rộng, đọc tụng, giảng hay mà không thực hành thì cũng chẵng khác gì cái đảy chứa sách, cho dù có gần gũi có nắm chéo y của Như Lai mà không thực hành giáo pháp thì cũng như xa Như lai ngàn dặm . Vì vậy truớc kia khi kinh điển còn toàn chữ Pali hay Hán ngữ có ai hiểu được nhiều những triết lý thâm sâu, nhưng vẫn biét đến điều căn bản của Đạo Phật để thực hành cũng là quá đủ
Tránh tất cả các việc ác
Làm tất cả các việc lành.
Giữ tâm ý trong sạch.
Ngày nay các bộ kinh của Đức Phật không còn bị hạn chế nữa mà đã được phổ biến hết sức rộng rãi qua nhiều ngôn ngữ khác nhau nhất là khi có chữ quốc ngữ thì các bộ kinh đưọc phiên dịch ra Việt ngữ dễ đọc dễ hiểu càng giúp thêm nhiều cho sự hiểu biết Phật pháp một cách sâu rộng.Việc dịch thuật phổ biến đạo pháp cũng không còn dành riêng cho giới Tăng lữ nữa mà có sự tham gia của các cư sĩ Phật tử như Đoàn Trung Còn, Lê Đình Thám, gần đây có dịch giả Phạm Kim Khánh... cũng đã phiên dịch nhiều bộ sách giá trị . Ngoài ra cũng có các vị cư sĩ đi thuyết pháp , luận giảng khắp nơi như cụ Tâm Minh Lê Đình Thám, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cùng các lớp Phật học một thời mang lại bao nhiêu điều lợi lạc. Thời gian gần đây còn có Phật Giáo Hòa Hảo đào tạo được một số các em nhỏ gọi là Nhóm búp sen tiểu nhí cũng đi hoằng pháp đó đây , không chỉ hạn hẹp trong giới tín đồ Hòa Hảo mà các chùa trong hệ phái Bắc tông cũng thỉnh mời những vị Bồ tát nhỏ ấy đến truyền bá đạo lành, thật là điều quý hiếm, đáng mừng .Việc học Phật, tìm hiểu đạo Phật đã trở nên thuận lợi, dễ dàng ngay cà khi bận rộn không có thời gian đọc tụng kinh sách thì đã có băng đĩa ấn tống phát hành miễn phí để vừa lái xe hay vừa làm việc vẫn có cơ hội học Phật. Trong thời xa xưa việc tìm hiểu Phật pháp thì vô vàn khó khăn như Ngài Huyền Trang đời Đuờng phải trải muôn dặm sơn khê, gian truân, khổ nhọc đi tìm cầu kinh pháp và cùng với tấm lòng thương kính Đức Phật Ngài đã để lại những câu thơ đầy cảm xúc
Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân Phật nhập diệt
Áo não thử thân đa nghiệp chuớng
Bất kiến Như lai kim sắc thân
Tạm dịch
Phật tại thế con chìm đắm mãi
Được thân người Phât lại Niết bàn
Trách mình nghiệp chướng đa mang
Nên không thấy được thân vàng Như lai.
Đạo Phật đã đến và tồn tại hơn 2000 năm trên quê hương nước Việt, đã đồng hành cùng với những thăng trầm, thịnh suy theo vận nước cho đến cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 thì đạo Phật càng đuợc phổ biến rộng rãi hơn nhờ vào chữ quốc ngữ ra đời cộng thêm ảnh huởng của phong trào chấn hưng Phật giáo mà khởi nguồn đầu tiên từ vị cư sĩ người Sri Lanka David Hawavitarane, rồi lan nhanh đến Trung Quốc. Tại nơi đây lại được tiếp sức cũng bởi cư sĩ Phật tử Dương Nhân Sơn, ông cho thành lập Kỳ Hoàn Tinh xá để nghiên cứu Phật học qua 3 ngôn ngữ Pali, Anh văn, Hán văn. Sau đó phong trào được Ngài Thái Hư Đại sư tiếp tục đẩy mạnh nên công cuộc chấn hưng đã phát triển rộng lớn đến các quốc gia lân cận như Nhật bản, Hàn quốc, Myanma, Thái lan.. trong đó có Việt Nam. Nhờ vậy mà những thập niên đầu thế kỷ 20 đã có không biết bao nhiêu là truờng Phât học được mở ra , các tờ báo được thành lập ở khắp ba miền từ Bắc Trung Nam để phổ biến cũng như xây dụng lại nền móng cho đạo pháp dù đang trong thời kỳ Pháp thuộc. Muốn hiểu rõ thêm giai đoạn này hãy tìm đọc Việt nam Phật giáo sử luận tập ba của tác giả Nguyễn Lang mới thấy hết tấm lòng hy sinh vì đạo của các vị Thầy Tổ, cùng các cư sĩ hiền tài tiền bối với những đóng góp thiết thực cả về vật chất, tinh thần cũng như công sức cho sự phát triển này. Vì vậy dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian này lại có nhiều giáo phái ra đời như Phật giáo Hòa hảo do Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng , Cao đài giáo do ông Phạm Công Tắc làm giáo chủ , Tịnh độ cư sĩ do Đức Tông sư Minh trí mở đạo, phái Khất sĩ do Thiền sư Minh Đăng Quang thành lập ngoài ra còn có sự đặc biệt trở lại VN của Nguyên Thuỷ Phật Giáo (NTPG) do các Ngài Hộ Tông, Bửu Chơn, Thiện Luật là những người có công lao rất lớn trong việc này mặc dù khi chưa xuất gia các Ngài cũng chỉ là những cư sĩ hộ đạo.
Thật sự thì Nguyên Thủy Phật Giáo đã có mặt ở VN rất sớm từ đời Hùng vuơng thứ 18 (258 BC) do vị sư người Ấn độ tên là Phật Quang hay còn được gọi là sư Bần đi truyền giáo đến nước ta, mới đem pháp Phật mà dạy cho Chữ Đồng Tử và Tiên Dung để hai vị này trở thành Phật tử đầu tiên theo đạo Phật trên đất nuớc VN. Nhưng rồi PGNT mất dần dấu tích , mãi cho đến đầu thế kỷ thứ I sau Tây lịch, Phật giáo từ phương Bắc được truyền vào VN nên được gọi là Bắc truyền hay Bắc tông, để rồi từ đó phát triển và tồn tại cho đến ngày nay.
Trải dài theo năm tháng cùng dân tộc qua bao thời đại, với lòng từ bi và tinh thần vô uý đạo Phật phần nào đã góp sức làm nên trang sử oai hùng trong những triều đại hưng thịnh,đã sản sinh nhiều bậc anh minh tài đức được người đời xưng tụng như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Vua Lý Thánh Tông... có lòng từ, biết thương dân nhưng không hề nhu nhược rất cuơng cuờng quyết tâm chống giặc giữ vững biên cuơng, bờ cõi là một trong những đóng góp thiết thực mà đạo Phật đã mang lại cho dân tộc Việt.
Một điều đặc biệt ở đạo Phật,mà có lẽ do ảnh huởng sâu đậm từ những lời giáo huấn, tấm lòng từ bi vô luơng cùng những hành xử của Đức Phật đối với các giáo phái ngoại đạo khi Ngài còn tại thế đã góp phần rất lớn cho sự truyền bá đạo Phật ở khắp mọi nơi. Như câu chuyện của Truởng giả U Pa Li ( trùng tên với Ngài U Pa Li đệ nhứt trì luật là một trong thập đại đệ tử của Đức Phật) đuợc Giáo chủ Ni Kiền Tử là Nitaputta phái đi đến luận giáo với Đức Phật nhắm triệt hạ uy tín của Ngài.Nhưng sau khi tranh luận bất thành ông lại vô cùng hoan hỷ với những lời thuyết giáo của Đức Phật và lập tức xin quy y theo Phật. Đức Phật đã không nhận lời thỉnh cầu này mà còn khuyên ông nên suy nghĩ chân chính về những lời giáo huấn và hãy đem thực hành truớc đã, không nên vội vàng. Thế nhưng với sự giác ngộ và hoan hỷ tuyệt đối vị truởng giả này cứ một mực nài nỉ xin được quy y. Cuối cùng thì Đức Phật nhận lời ông nhưng khuyên ông hãy nên tiếp tục cấp dưỡng vật chất cho nguời thầy cũ.
Tâm Phật luôn rộng lượng bao la, giáo huấn của Phật luôn nhắc nhở điều trí tuệ, sáng suốt mà không cố chấp, phân biệt cho nên đạo Phật ví như thể chất mềm mại của nước dễ dàng dung nạp, thuận hoà ở bất cứ nơi đâu. Chính nhờ vậy mà bao nhiêu giáo phái ra đời đều lấy giáo lý đạo Phật làm căn bản rồi diễn đạt sự hành trì theo phuơng cách riêng vẫn đươc mọi nguời chấp nhận và tin theo do bởi sự hiền hòa và cũng không ngoài mục đích huớng thiện, làm lành. Con nguời có trí tuệ khác nhau,sự hiểu biết giác ngộ không đồng đều nên Đức Phật nói tám mươi bốn ngàn pháp môn chỉ được hiểu như một con số để không chấp truớc, không phân biệt cách tu tập, hành trì của các tôn giáo khác. Điều vô cùng quan trọng là giới đức phải luôn tròn đủ, trong sạch đem an lạc hạnh phúc cho mình và cho người mới là điều rốt ráo cần thiết như lời dạy của Đức Phật cho vị Thánh tăng sau cùng Subhadda trước khi Ngài viên tịch " Này Subhadda hãy bỏ qua một bên những lời dạy của các vị giáo chủ mà nên ghi nhớ điều Như Lai sắp nói đây ở bất luận giáo đoàn nào nếu có thực hành Bát chánh đạo thì nơi đó sẽ có các bậc thánh nhân " . Vì vậy đạo Phật hoàn toàn khác hẳn với nhiều tôn giáo , cùng thờ phụng một vị giáo chủ nhưng lại chống đối nhau kịch liệt, thậm chí còn hận thù giết hại lẫn nhau.
Đức Phật thường dạy nương tựa nơi giáo pháp để vững buớc trên đôi chân của mình là điều chắc chắc bình yên vì mỗi chúng sanh phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình thì cũng phải tự soi đèn, đốt đuốc cho con đường của riêng mình bởi cô đơn luôn là điều tuyệt đối cho thân phận con người. Sự phân ly chia cách là hiển nhiên cuối cùng mà con đường sanh tử luân hồi thì vô biên vô tận.
Cuộc đời nào khác chim chung ngủ
Sáng sáng đàn nào, nấy bay đi
Nhìn lại lịch sử truyền thừa mà đạo Phật như dòng suối ngọt vẫn luôn tuôn chảy càng cảm niệm công ơn sâu dầy của Đức Phật khi nghe Ngài khuyên các đệ tử " Này các con, vì lợi ích, vì hạnh phúc của cả Chư thiên và nhân loại các con hãy ra đi đem pháp lành gieo rải khắp nơi và không nên dẫm hai buớc chân trên cùng một con đường. Bây giờ Như lai cũng đi về hướng U ru ve la." Sứ mạng truyền bá đạo mầu mà Đức Phật đã ban bố cho các hàng đệ tử có Ngài Phú Lâu Na đệ nhất về thuyết giáo là nguời có công hàng đầu trong công cuộc hoằng dương chánh pháp. Không ngại khó ngại khổ Ngài Phú Lâu Na đã vượt biết bao nhiêu chướng ngại, dốc một lòng khai ngộ cho chúng sanh. Tinh thần của Ngài Phú lâu Na luôn được Đức Phật tán duơng , nhắc nhở đến các vị Tỳ kheo còn dải đải buông lung, hoặc chọn cho mình cách sống theo hạnh tiểu thừa mà có lần Ngài Phú Lâu Na đã thẳng thắn nói với các vị ấy rằng " Hoằng pháp là việc nhà, lợi sanh là sự nghiệp, chúng ta xuất gia làm đệ tử Phật không nên xem tăng đoàn là nơi chốn tỵ nạn hay là viện duỡng lão, đã là Tỳ kheo phải nên làm phận sự cho tròn...... "
Nhờ vào tình thương của Đức Phật, tinh thần truyền thừa chánh pháp của các vị Thánh tăng, các bậc Thầy tổ cùng với, những cư sĩ âm thầm là Tổ tiên ông bà trong mỗi giòng tộc đã góp phần cho việc lưu truyền, giữ gìn mối đạo, đem hạnh phúc an lành từ những lời giáo huấn của Đức Phật mà trao truyền cho thế hệ mai sau là những gì vô cùng quý báu bởi các Ngài đã thấu hiểu rõ ràng những điều lợi lạc nơi đạo Phật cùng với bao nhiêu oai lực, phuớc báu mà Đức Phật để lại. Vì vậy dù hơn hai ngàn năm trăm trôi qua sự tôn kính đối với Đức Phật cũng không hề mai một. Khi khoa học phát triển đạo Phật càng được chứng minh rõ nét và con nguời càng cần đến đạo Phật nhiều hơn Ngày nay hầu như trên toàn thế giới hình ảnh của Đức Phật ở khắp mọi nơi,như một thể loại trang trí tôn vinh, làm đẹp cuộc đời để mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của Ngài là nhìn thấy sự bình yên an lạc.
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự
Trăm nghìn phiền não sạch không
( Thiền sư Nhất Hạnh )
Ngoài những hình ảnh đẹp Đức Phật còn để lại một di sản phước báu lớn lao mà khi còn tại thế Ngài đã giảng cho vua A Xà Thế nghe về hạnh Sa môn quả trong kinh Truờng bộ. Những ai tu theo Phật hiểu biết thấu đáo, thực hành giáo pháp một cách nghiêm túc sẽ có hạnh phúc,an lạc tức thời . Những ai biết xả bỏ mọi thứ xuất gia làm thầy Sa môn theo Phật lại càng có nhiều phước báu hơn. Về tinh thần luôn đuợc thanh tịnh, an ổn về đời sống thân mạng cũng không còn phải lo âu ,điều mà ai cũng biết việc nuôi thân mạng cũng là một trong những nỗi lo lớn nhất đời nguời.
Ngày truớc trong mỗi làng thôn VN đều có những ngôi chùa, mà cho dù cuộc sống dân sinh bên ngoài có khó khăn thiếu thốn thế nào thì ở trong chùa cũng vẫn có cơm rau dưa muối là nhờ nơi lòng tôn kính đối với Đức Phật mà các vị Sư Thầy thường được cấp dưỡng đủ đầy tứ vât dụng , ngoài ra nhiều nơi chùa còn có đất cúng dường hoặc được nhà nuớc cấp cho để canh tác vì vậy nhiều gia đình đông con hay nghèo khó trong làng thường đem con cháu gởi vào chùa để con cháu đỡ khổ cực lại còn có cơ hội được học hành tử tế và đây cũng là cơ may cho đạo pháp vì nhờ vậy mà nhiều vị Tăng tài giỏi đã được đào tạo trong những hoàn cảnh này.Ngày nay thì mọi thứ đã thay đổi nhiều khi xã hội phát triển , cuộc sống vật chất thăng hoa, con nguời giàu có hơn lên. các Chùa các Tự viện cũng theo đó được xây dựng nhiều hơn.Nhìn về hình thức thì dường như đạo pháp đang thời kỳ hưng thịnh mà thực chất cũng đang đánh mất dần những hình ảnh đẹp của các vị bần tăng chân tu đạo hạnh mà nay thật hiếm khi còn bắt gặp. Tuy vậy dù phát triển theo hình thái nào đi nữa thì đạo Phật nguyên thủy vẫn là đạo của sự tự do, không hề có chủ trương nắm giữ linh hồn , không làm cho con nguời phải bị nô lệ tinh thần hay sợ hãi bởi Đức Phật luôn xem mình là người thầy chỉ đường còn nguời Phật tử chân chính thì không nhìn về Ngài như vị thần linh, đầy quyền năng huyền bí mà trong những giây phút sau cùng truớc khi từ giã các hàng tứ chúng đệ tử của Đức Phật Ngài A Nan có hỏi
_ Bạch Đức Thế Tôn, khi Ngài Niết bàn rồi chúng con biết nuơng tựa vào đâu?.
Đức Phật dạy
_ Này A nan hãy lấy giáo pháp và giới luật làm thầy, hãy nương tựa nơi chính mình, không ngoài ai khác
Những lời di huấn tối hậu chỉ giản đơn như thế đã thể hiện trọn vẹn tất cả những gì Đức Phật muốn nhắn nhủ chúng sanh, mỗi người có con đường riêng mà cuộc đời thì vô cùng ngắn ngủi rồi sẽ qua đi. Biết nương theo con đường Phật chỉ dẫn sẽ không còn lo âu sợ hãi vì vô thường là định luật tự nhiên. Khổ đau, mất mát là những điều không sao tránh khỏi khi đã làm người trong bài kinh tuyệt diệu Tứ diệu đế mà Đức Phật đã giảng. Vậy nên hạnh phúc thay khi hình ảnh Đức Phật vẫn còn đây, giáo pháp, giới luật vẫn còn đây là vẫn còn đây người thầy chỉ đường sáng suốt .Không chạy theo đám đông hay xu hướng phong trào bởi tìm kiếm bên ngoài hay nương tựa nơi kẻ khác, chắc hẳn con đường an lạc sẽ còn rất xa.
Xuân Ất Mùi 2015