Hàng triệu chai nhựa bỏ đi đang được chuyển đến tay các tín đồ Phật giáo tại Đài Loan để trở thành những mặt hàng hữu ích. Hàng nghìn tình nguyện viên đang biến chúng thành áo sơ mi, đồ chơi hay túi xách và xuất khẩu ra nước ngoài.
Công ty công nghệ Đại Ái, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động dưới sư tài trợ của Hội Từ Tế tập hợp 2000 tấn chai nhựa từ 100.000 tấn bị vứt đi mỗi năm tại Đài Loan. Sau đó hàng chục nghìn tình nguyện viên của hơn 5600 nhóm tái chế sẽ phân loại chúng thành những màu khác nhau, dán nhãn và đóng gói để chuyển đến các nhà máy. Tại đây các gói này sẽ được nghiền thành bột mịn, sau đó được máy rút mỏng thành những sợi vải nhân tạo Polyester. Và số nguyên liệu này sẽ được chuyển đến cho các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép, va li, túi xách và thú nhồi bông. Trung bình 1 tấn chai nhựa có thể sản xuất được 8000 mặt hàng quần áo khác nhau. Các sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được bán tại hơn 40 cửa hàng trên khắp Đài Loan và nước ngoài thông qua các nhà bán lẻ tư nhân. Ngày càng nhiều người thích các sản phẩm tái chế này, tại một showroom ở Đài Bắc, mỗi ngày có hơn 100 sản phẩm quần áo và vải tái chế được bán ra. Hiện nay công ty đang nghiên cứu để có thể chế tạo các sản phẩm phức tạp hơn như những chiếc ba lô hay xạc pin sử dụng bằng năng lượng mặt trời cho điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
Những món đồ xinh xắn được các Phật tử Đài Loan tái chế từ rác thải
Dự án này bắt đầu vào năm 2006 để làm chăn tặng cho các nạn nhân thiên tai, hiện nay nó đã phát triển thành một mạng lưới bán hàng khắp Đài Loan và hơn 10 thị trường nước ngoài, thu về 10 triệu đô la mỗi năm. Tuy nhiên mục đích chính của công việc này không phải là lợi nhuận. Công ty Đại Ái xem đây là một hoạt động tình nguyện và cũng là cách để giáo dục ý thức của mọi người với môi trường. Số tiền thu được này sẽ được dùng cho các dự án phát triển kênh tin tức và phim truyền hình Phật giáo phát sóng tại Đài Loan và nước ngoài thông qua vệ tinh. Số còn lại được Hội Từ Tế cũng như các tổ chức từ thiện khác dùng cho công tác cứu trợ thảm họa trên toàn cầu như bão Katrina tại Mỹ vào năm 2005 hay trận động đất tại Trung Quốc vào năm 2008. Hội Từ Tế được thành lập vào năm 1966 bởi một nữ tu người Đài Loan để làm công tác nhân đạo trên toàn thế giới, hiện nay Hội đã có chi nhánh tại 47 quốc gia. Từ năm 2006, Hội Từ Tế băt đầu tập trung vào các nỗ lực thân thiện với môi trường và đã thành công với dự án tái chế rác thải. Hơn 90% kinh phí hoạt động của hội xuất phát từ sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức.
Giám đốc của công ty công nghệ Đại Ái cho biết công ty là tổ chức duy nhất tại Đài Loan thực hiện công việc này một cách tình nguyện. Công việc Đại Ái đang làm cũng góp phần làm giảm thiểu đáng kể số lượng rác thải ra môi trường. Sắp tới công ty đang có kế hoạch nâng cao năng lực và cải tiến công nghệ để đem đến cho mọi người những sản phẩm tái chế tốt hơn và an toàn tuyệt đối. “Mặc dù việc sử dụng quần áo để giáo dục mọi người việc tái chế nhựa là rất tốt và cần thiết , nhưng cách tốt nhất là giảm thiểu tối đa việc sử dụng chai nhựa”, giám đốc công ty Đại Ái nhận xét.
Ban Biên Tập Pháp Bảo
(Dịch từ Latimes)
Hình ảnh thêm về Đài Loan: Phật tử chung tay biến nhựa phế thải thành vật dụng hữu ích