Tâm lý học nghiên cứu về thói quen con người và mô tả ở các giáo trình, nhưng từ rất sớm, phật giáo đã nhận thức sâu sắc về thói quen và đã mô tả trong kinh điển theo ngôn ngữ và phương pháp đặc thù của nhà Phật, hàng thế kỷ trước khi ngành tâm lý học ra đời, điều này không hề kém thú vị với giới nghiên cứu dù tiếp cận phật giáo chỉ với tư cách làm khoa học thuần túy, khi chạm đến minh triết của phật giáo.
Thói quen trong đời sống:
Nếu chịu khó để ý và hệ thống lại, bạn không khó nhận ra thói quen chi phối con người ra sao từ hoạt động tư duy đến hành động, không khác chằng chịt các lối mòn trên mặt đất. Thói quen ngôn ngữ, giao tiếp, lao động, tiêu dùng...
Các hãng lớn đã công phu nghiên cứu thói quen khách hàng để khai thác thị trường, hình thành ý hữu tưởng và tạo nên sản phẩm mới... Như với mặt hàng điện thoại, thói quen về màu sắc, kết cấu bên ngoài, phím... được các chuyên gia mổ xẻ qua các khảo sát để thoả mãn nhu cầu với sản phẩm mới có cải tiến.
Với xe gắn máy, một mặt hàng bán rất mạnh ở VN, nhà sản xuất đương nhiên nghiên cứu thói quen sử dụng xe gắn máy của người Việt, về hình thức thẩm mỹ, kết cấu, động cơ... trong một bài toán tài chính, kinh tế cụ thể để bán được hàng.
Thói quen trong mua sắm và sử dụng điện thoại, xe gắn máy của người Việt qui định trong điều kiện kinh tế, văn hoá, hạ tầng giao thông VN, có thể hay chắc chắn khác biệt với thói quen tương tự của người TQ, Nhật, Thái Lan, trong cùng khu vực, và khác biệt rõ rệt hơn với người Tây Âu hay Bắc Mỹ.
Qua lăng kính khoa học, nghiện thuốc lá hay ma túy thuộc về thói quen sinh học, não quen với tác nhân hoá học của nicotine và heroin, một vấn đề được các thiết bị chụp hiện đại chứng minh bằng quan sát vỏ não. Khi không được đáp ứng lượng nicotine và heroin với mức ngày càng tăng, não bộ phản ứng.
Thói quen trong ẩm thực khá điển hình nếu phân tích. Ngày trong một quốc gia, thậm chí một vùng miền, đã hình thành thói quen về thức ăn, sự lựa chọn, về chế biến... Cùng một món ăn, cách chế biến, giá vị nêm nếm, độ chín, tỉnh này qua tỉnh khác có khi đã chênh nhau nói chỉ Bắc Nam hay xuất ngoại, khác biệt có khi đến mức có người ăn không được! Thói quen trong ăn uống thuộc về văn hoá, không luận tốt gây xấu.
Nhưng thói coi thường sự chính xác về thời gian là thói quen rõ ràng không tốt lại phổ biến ở VN, có rất nhiều phiền toái đem đến từ thói quen “ giờ dây thun”, tức đi trễ, trễ hẹn. Tệ này “ phổ cập” từ sinh hoạt hàng ngày đến hội họp, sự kiện, học đường tạo nên một lực cản văn minh, tiến bộ, phát triển. Nếu ở các xã hội tân tiến, trễ vài phút thành vấn đề có khi nghiêm trọng, chuyện đó không là gì ở VN. Đã thành thói quen, mọi người đi trễ, bạn đi sớm hay chính xác thành... lạ! Ở VN, ngày thời 4.0 này, bắt bẻ than phiền người khác vì trễ nãy vài phút sẽ thành lạc lõng. Có buổi giảng hay sự kiện trễ vài chục phút là... thường!
Cũng ở VN, văn mẫu thành tệ nạn, cũng thuộc về thói quen. Khi chấp bút hay.. chấp bàn phím, dù hành văn từ một công ty hay nhà trường, cơ quan, chữ nghĩa lên xuống, bố cục na ná nhau, văn mẫu là vậy. Tệ này tàn phá ngữ văn học đường, văn phong xã hội, làm nghèo tiếng Việt, ai cũng biết nhưng ... sửa không đặng vì nhiều ký do, trong đó có những lý do to tát về chính trị. Học sinh sinh viên VN ngày nay hành văn kém, trí thức viết lách dở có liên quan đến tệ này, hành văn theo mẫu – văn mẫu- để...an toàn. Tệ văn mẫu, thói viết lách theo khuôn, có nguyên nhân, như đã viết, mới. Từng có thời chưa xa, văn chương báo chí, văn bản.. được viết với óc sáng tạo cá nhân, rất riêng, không theo khuôn mẫu nào. Tại sao nhất loạt quan dân rập khuôn ngòi bút, sự na ná tràn ngập? Câu hỏi này lớn lao. Tệ văn mẫu tràn ngập đến mức xuất hiện các sách văn mẫu dùng trong lễ hội, chùa chiền, từng bài từng bài, lại in ấn có giấy phép xuất bản hẳn hoi!
Có thực tế khác về thói quen khá tức cười, trong bảo vệ môi trường. Ai cũng tường bao nilon tồn lưu rất lâu trong đất, và số lượng bao nilon ở VN rất khủng dùng bao gói đựng hàng hoá từ vài gói mì đến năm nghìn xôi hay nắm rau... Thói quen lạm dụng bao nilon ở xứ mình thực kinh dị, đi chợ về bảo giờ cũng mang theo năm bảy bao nilon các cỡ, hãi. Nhưng khi từ chối không xài bao nilon, lẽ ra không tốn phải vui, cô bác bán hàng từ chị hàng rong đến quầy tạp hoá đều...phiền, họ quên rồi, chọn xong, phải ...cho vào bọc, như dây chuyền khép kín trong xưởng, làm khác đi..
thâý sao sao! Thói quen này mãnh liệt đến nỗi các kêu gọi dùng lá chuối hay bao gói sinh học tự hủy vô cùng gian nan, cả một cuộc chiến đấu với thói quen. Ngẫm, VN từng có thời rất ít dùng bao nilon, rồi từng bước tràn ngập bao gói nilon, bao nhiêu tấn nilon đã tạo nên thói quen ăn sâu trong mọi người mỗi khi chợ búa, từ chị em bán hàng đến người nội trợ, đến mức nếu thấy lá chuối vào, không ít người thấy lạ chỗ một sự quen thuộc chưa xa lắm. Ở đây, thói quen thắng các phân tích khoa học và kêu gọi bảo vệ môi trường.
Thử luận về thói quen qua góc nhìn phật tử:
Nhận thức về nghiệp, nghiệp lực rất hay nếu liên hệ đến nhận thức đời sống về thói quen. Ví như nghiện thuốc lá: ban đầu, con người không có chút gì liên quan sự cảm nhận thuốc lá, não xa lạ với nicotine, nhưng ngửi thụ động, hút nửa điếu rồi một điếu, hai điếu, lối mòn hình thành, tạo nghiệp, nghiệp lực thôi thúc hút nhiều hơn nhiều hơn nhiều hơn nữa, nghiện. Phân tích này về thói quen hút thuốc của nhà Phật rất khoa học.
Cuộc chiến đấu với thói quen hút thuốc lá, với chứng nghiện nicotine, gian nan. Nếu so với “ hythói quen” hít heroin, nghiện ma túy, sự gian nan càng gấp trên nghìn lần.
Nghiệp có nghiệp tốt, nghiệp xấu, thói quen cũng vậy, không chỉ có thói quen xấu như nghiện thuốc lá hay heroin. Thói quen cần kiệm, cẩn trọng khi phát ngôn hay viết lách, thói quen đúng giờ, ăn uống điều độ, thể dục .. là có ích và nên giữ gìn.
Theo cách nói của nhà Phật, thói quen là sự huân tập, huân tập xấu hình thành nghiệp xấu và ngược lại. Huân tập tích tụ, quá trình hình thành thói quen là quá trình huân tập.
Nói theo cách nào đó, quá trình tu học là quá trình hình thành thói quen tốt, huân tập nghiệp lành, thói quen xấu thuộc về phàm tình, thói quen tốt của người giác, chốn tu. Cũng theo cách nhìn ấy, dù ở cõi nào hoàn cảnh nào của xã hội, tu hay tục, đời sống là cuộc chiến đấu với các thói quen, kiểm soát hoại diệt thói quen xấu và bảo vệ, gìn giữ thói quen tốt, hình thành thói quen tốt để nếu ở cõi tu, có tu, thành bậc giác, nếu ở cõi phàm tình xã hội nên người tốt, thiện lương, công dân hữu ích.
Thói quen chằng chịt như những lối mòn níu chân người và để vượt thoát khỏi lối mòn xấu, ra đường sáng, cả một cuộc chiến đấu gian nan có khi âm thầm nhưng không hề nhẹ nhàng chi.
Cuộc chiến của ý chí.
Nguyễn Thành Công