Ngày 23-4, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất, UBND huyện Quốc Oai tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (Thạch Thất), Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy (Quốc Oai) và đón Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho các bộ tượng đang được lưu giữ tại hai di tích này.
Chùa Tây Phương (có tên chữ là Sùng Phúc tự) nằm trên ngọn núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất là một trong những ngôi chùa có kiến trúc và hệ thống tượng Phật độc đáo nhất Việt Nam. Tương truyền, chùa có từ thời Đường, sau được trùng tu vào đời Mạc, thời Lê và thời Tây Sơn. Với kiến trúc kiểu chữ Tam, chùa Tây Phương trở thành điển hình cho các ngôi chùa Bắc Bộ với hai tầng mái dấu thềm, lợp ngói mũi hài, các mái đao bay lên cong vút, trên có gắn tứ linh. Xung quanh diềm mái của tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Kiến trúc của chùa với 2 tầng 8 mái, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ rất mộc mạc. Đây trở thành đỉnh cao về xử lý hình học trong kiến trúc, xây dựng. Đặc biệt, chùa Tây Phương còn nổi tiếng với các bộ tượng Phật, trong đó bộ tượng độc bản "có một không hai" là Bát Bộ Kim Cương và Thái Tử Kỳ Đà.
Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra từ ngày 6-10/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Cùng ngày, tại Khu danh lam thắng cảnh chùa Thầy, huyện Quốc Oai tổ chức lễ đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia và khai hội chùa Thầy.
Chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý, là một tổ hợp nhiều công trình lớn, rất cổ kính, vừa to đẹp về quy mô, vừa tinh xảo trong trang trí điêu khắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
Chùa Thầy nhìn từ trên cao với thủy đình lung linh trên mặt nước. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, đặc biệt là bệ đá hoa sen hình hộp, nhị cấp, được các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào thời Lý Trần và bộ tượng Di Đà Tam Tôn niên đại đầu thế kỷ 17 được công nhận Bảo vật Quốc gia.
Đây là bộ tượng Di Đà Tam Tôn từng được biết đến là bộ tượng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác trong giai đoạn Phật giáo hưng khởi.
Chùa không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến. Nơi đây thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây cũ, cũng là nơi được nhiều lần đón Bác Hồ về ở và làm việc trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến.
Lễ hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5-7/3 âm lịch hàng năm. Đây cũng là dịp trình diễn rối nước ngay tại Thủy Đình, một bộ môn nghệ thuật độc đáo có từ thời Lý mà Đức Thánh Từ Đạo Hạnh được tôn vinh là Tổ nghề./.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo các địa phương đã cam kết gìn giữ, phát huy các giá trị của di tích; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nâng cao nhận thức về những giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của chùa Tây Phương, chùa Thầy