1. Các tài liệu nghiên cứu hiện có cho rằng, đạo Phật có lẽ đã được du nhập vào nước từ những năm đầu Công nguyên. Và có lẽ những ngôi chùa đầu tiên trên đất nước ta cũng bắt đầu được xây dựng từ khoảng thời gian này chăng?… Tới nay thì chẳng còn dấu tích gì của những ngôi chùa đầu tiên ấy, nhưng tựu trung, có thể hình dung ra mức độ đơn sơ, nhỏ bé, tùng tiệm của chúng. Trong tâm thức người Việt, ngôi chùa để thờ Phật và không chỉ thờ riêng Phật mà còn thờ rất nhiều những tín vật và khái niệm thiêng liêng khác. Chùa là nơi nương tựa tinh thần và tâm linh của cộng đồng, dù ở nông thôn hay thành thị. Trong hành trình đi mở cõi, tới bất cứ nơi nào, một trong những việc làm đầu tiên được cộng đồng quan tâm nhất là chọn nơi tốt nhất để xây chùa, như một định vị xác tín và bền vững, ngay cả khi đó mới chỉ là những đơn sơ làm từ tre nứa… Những ai từng có dịp ra Trường Sa, nhìn thấy ở đó ngôi chùa Việt, lập tức cảm thấy ấm lòng, vững lòng thêm nhiều lắm…
Ngay từ thuở ban đầu đã thế, mà tới sau này cũng thế. Tác giả Phạm Đình Hổ sống ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX trong tác phẩm “Vũ trung tuỳ bút”, khi kể về ký ức ấu thơ của mình, đã nhắc tới ấn tượng sâu đậm về ngôi chùa Ngoạ Phật trên đất Sơn Tây mà ông có dịp ghé thăm ba mươi năm trước đó. Ngôi chùa nằm trong vách đá, có gian thờ Phật Chiên Đàn và hai vị Long Thần, với một toà sen cao tới vài trùng. Đặc biệt ở đây, hoa tâm lại là “một hòn đá dài hơn một trượng, trông lởm chởm, kỳ quặc hết sức, nhìn kỹ phảng phất như hình người nằm ngửa, không biết tự đâu đem lại”. Hỏi ra thì mới thấy có người bảo, ngày trước đó chỉ là một hòn đá nằm ở cửa cống bên đường, tương truyền rằng, ai vô ý giẫm phải thì bị ốm đau, ai tới cầu xin thì được ứng nghiệm. Chỉ là lời đồn thế thôi, nhưng rồi hòn đá ấy lại được mang vào chùa Ngọa Phật để thờ… Niềm tin tôn giáo của người Việt hồn nhiên như vậy đấy. Không phải ở ngôi chùa nào cũng chỉ thờ các vị La Hán như ở chùa Tây Phương với những nỗi niềm triết học mà nhà thơ Huy Cận sau này phải than thở: “Đau đời có cứu được đời đâu”!
2. Chùa Việt như thế là bởi luôn rất gắn bó với mọi nhu cầu đời thường của người Việt, đặc biệt là những người bình dân, không nhiều lý luận mà chỉ hành xử theo những bản năng căn bản nhất trong những sự mưu sinh vốn dĩ luôn gian khó và đầy bất trắc. Chùa Việt không giáo điều mà luôn biết cách thay đổi theo thời gian, địa lý, đáp ứng những đòi hỏi đa dạng nhất của tín đồ, miễn đó là lương thiện, hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Áp đặt những nguyên tắc cứng nhắc của giáo lý vào đời sống chùa Việt rất dễ bị khiên cưỡng vì niềm tin vào Đức Phật ở người Việt gắn bó rất đa dạng và sâu sắc, tới mức hữu cơ, với những tín ngưỡng dân gian. Và các nhà sư trụ trì ở các ngôi chùa Việt thường hành động theo nhu cầu tinh thần của các tín đồ gần mình hơn là theo những quy tắc cao siêu xa xôi nào đó, miễn là mọi sự hữu ích theo cách vị nhân sinh và không trái với giáo lý căn bản của Phật giáo.
Nói thế không có nghĩa là trong ngôi chùa Việt có thể làm mọi việc tuỳ thích. Nguyên tắc bất di bất dịch là phải vô tư, phải từ bi hỉ xả chứ không thể tích cóp, vơ vào… Không ai có thể chuyển nghiệp bằng của phù vân. Cũng không ai có thể giúp người khác chuyển nghiệp được như thực hiện một dịch vụ tâm linh… Tuy nhiên, với tấm lòng nhân ái, có thể giúp xoa dịu những đau thương mất mát bằng những hoạt động tâm linh mang tính tâm lý trị liệu, ngay cả khi đã nương nhờ cửa Phật. Tất nhiên, phải trong tinh thần độ thế chứ không phải như một hoạt động hướng tới lợi nhuận. Nhà nghiên cứu rất có uy tín về Phật giáo Nguyễn Duy Hinh trong một lần trò chuyện với nhà thơ Hồng Thanh Quang từng đưa ra nhận xét: “Việc bói toán, cúng sao, giải hạn… của một số nhà sư, nhà chùa cũng là một sự thích nghi với không gian. Thư tịch cổ còn lại cho thấy, những việc này có từ thời nhà Lê; sớm hơn nữa có hay không thì hiện ta không còn thư tịch để chứng minh. Chúng ta nên coi những cái đó như một sự thích nghi với bản thân không gian và thời gian. Xét cho cùng, những cái đó không phải là Phật giáo, nhưng bởi vì tư tưởng anh là cứu độ, cứu nạn, nên người dân muốn gì thì anh phải làm cái đấy. Đó là những thủ pháp cụ thể để cho anh giải quyết vấn đề cứu độ, cứu nạn. Ở đây có hai việc như thế này: Đứng về một mặt nào đó, phải công nhận rằng những việc như thế không phải là giáo lý, nhưng mặt khác thì cũng không thể bài bác được, bởi vì bản thân đó là một biện pháp để thích nghi với tư tưởng cứu khổ cứu nạn của người bình thường…”
Việc gì có ích cho người thì không sai trái trước cửa Phật, miễn là không nhuốm mùi tiền bạc. Không ngẫu nhiên mà đại lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ, đệ tam pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt, năm nay đã trên trăm tuổi, vẫn thường xuyên nói với các đệ tử của mình: “Trong chùa không nên có tiền”… Mọi mưu toan mượn danh nghĩa dịch vụ tôn giáo để thu lời đều là vi phạm giáo lý, làm công phẫn dư luận. Chắc chắn, đó còn là những việc phạm pháp, đời không dung, Phật không tha…
3. Hơn hai nghìn năm trôi qua, bao nhiêu biến thiên, bao nhiêu dâu bể. Tổ quốc của con Lạc cháu Hồng cũng đã phát triển không ngừng. Và những ngôi chùa Việt vì thế cũng thay đổi rất nhiều, tuỳ theo mỗi vùng đất, tuỳ theo trường phái, tuỳ theo khả năng của cư dân trong vùng và những nhà hảo tâm. Nói chùa Việt chỉ là bé nhỏ không thôi thì cũng chưa đúng hẳn hẳn. Nói chùa Việt chỉ là nâu sồng mộc mạc không thôi thì cũng chưa đúng. Trong quá khứ chúng ta cũng từng có những công trình thờ Phật nguy nga mà các đời vua chúa đã trực tiếp cho xây với những chi phí chắc chắn là không nhỏ. Tuy nhiên, nếu tin vào sự bác ái của Phật Tổ, ở một đất nước mà chinh chiến liên miên, đời sống cư dân luôn luôn gặp rất nhiều khó khăn (cứ xem ngay cả các di tích cung điện của vua chúa còn lại thì đủ thấy, quá tùng tiệm so với ngay cả ở một số nước láng giềng!), thì có lẽ ít đấng từ bi nào lại muốn các tín đồ của mình phải bóp bụng quá để góp tiền của vào xây dựng những công trình tôn giáo nguy nga. Liệu cơm gắp mắm, ăn trông nồi, ngồi trông hướng, không vung tay quá trán, tinh thần dân gian này không hề xa lạ với những người tu hành và các tín đồ Việt…
“Anh thấy em nhỏ bé, anh thương”, đó không chỉ đơn thuần là câu hát trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến. Đó là mô thức căn bản trong tư duy Việt, ngay cả khi đi vào lĩnh vực tôn giáo. Trong làng quê Việt cổ xưa, chùa ít khi là quá to nếu so với đình… Vua chúa ta ngày xưa xây ngôi chùa cho sứ giả phương bắc tới Thăng Long có chỗ thực hành tín ngưỡng (chùa Quán Sứ ngày nay) cũng chỉ là một công trình vừa phải về không gian. Thực tế cho thấy, nội thành Hà Nội đâu có những ngôi chùa đồ sộ. Và ngôi chùa Một Cột xinh xinh đã được trở thành một biểu tượng lâu bền của kinh đô cũng là vì thế. Còn nhớ trên dưới chục năm trước, khi ở chùa Trấn Quốc, nhà sư trụ trì cho xây bảo tháp mới to lớn hơn hẳn cái bảo tháp cũ, không ít tín đồ cảm thấy như bị mất mát một cái gì đó. Mặc dù năm 2016, Trấn Quốc được một tờ báo ở Anh liệt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới, nhưng dư vị ấy trong lòng người Hà Nội thực sự gốc gác vẫn chưa phai…
Nói vậy không có nghĩa là tín đồ Phật giáo ở ta muốn chối bỏ những công trình lớn thờ Phật, nếu điều kiện cho phép. Nhưng đó không phải là cái đích căn bản trong tín ngưỡng Phật giáo của người Việt… Thờ Phật thực lòng không nệ tới những sự đồ sộ, bởi Phật ở tâm, cái mênh mông của lòng người tử tế và nhân ái lớn hơn bất cứ một công trình vật chất tầng tầng lớp lớp nào. Chùa là bùa làng, làng quy mô thế nào thì chùa có quy mô tương ứng, không cần phải gồng mình lên để dựng những biểu tượng nguy nga đè bóng xuống những vùng quê khiêm nhường giản dị và còn quá nhiều thiếu thốn. Phật cũng đã từng dạy, “dùng sắc, tức là hình thức, để mà đến với ta thì đó không phải là thờ phụng ta, không phải là tín đồ của ta…”