Việc quản lý một gia đình còn khó, huống hồ quản lý một tập thể gồm người ngay và kẻ gian sống cùng nhau. Một sự quản lý và tổ chức lỏng lẻo, tin người và giao việc dễ dãi, dẫn đến cơ hội cho kẻ ma cô, quỷ quyệt lừa dối nhiều người, tạo bức xúc cho dư luận xã hội. Đây là bài học cho người trong cuộc.
Khi cuộc sống càng phức tạp thì chúng ta càng dễ mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều người đã tìm đến hoạt động từ thiện, tiếp nhận thông tin, hình ảnh nhân văn để tưới tẩm tâm hồn.
Nếu một ngày xảy ra chuyện “tày trời”, việc từ thiện bị lạm dụng, rạn nứt, ô uế, thì nhiều người cảm thấy niềm tin cuộc sống bị vụn vỡ, cảm xúc bốc đồng, uất ức, phẫn nộ. Tại bởi cái thiện không thể tồn tại cùng cái ác trong lương tâm mỗi người.
Chuyện mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, đã xôm tụ những nghi ngờ từ lâu, nhiều ý kiến bất mãn, không hài lòng. Bùng nổ thông tin, cả nghi ngờ đúng lẫn nghi ngờ nhầm lẫn được hoà trộn chung dòng chảy cảm xúc trong dư luận.
Những thông tin do người chăm nuôi trẻ, người xin con nuôi cung cấp chi tiết, “Thầy bảo thế này, chùa Bồ Đề nói thế kia”. Tất cả thông tin đều nhân danh chùa Bồ Đề.
Một số bài báo phỏng vấn Ni sư Thích Đàm Lan có thông tin ngược chiều với phóng sự điều tra của báo Phụ nữ online. Khi Ni sư trả lời “tôi không biết chi tiết này, tôi không biết việc đó…” thì bạn đọc bức xúc, bình luận và kết luận Ni sư nói dối, trốn tránh trách nhiệm. Đây là bi kịch sân khấu đời cười.
Trong cuộc sống, nhiều sự việc diễn ra với những góc khuất mờ, nhìn không thấu, thấy không rõ, để rồi con người nghi ngờ nhau đến tột độ. Nhưng trong sâu thẳm lương tâm là sự sáng suốt, nên không có chỗ cho cảm xúc bấp bênh hỷ nộ ái ố. Bình tĩnh, nhìn logic vấn đề là một kỹ năng sống tích cực.
Bạn thử nhớ lại lúc xem những màn kịch, trên sân khấu: khi nhân vật chính lui vào cánh gà, nhân vật phản diện ra sân khấu, bày mưu đen tối. Khán giả chứng kiến và nghe toàn bộ lời nói, hành động của nhân vật phản diện. Còn nhân vật chính không hề hay biết nhân vật phản diện đã nói gì, bàn bạc mưu mô gì? Ai cũng biết, chỉ nhân vật chính không biết!
Hồi bé, tôi đã từng thắc mắc sự vô lý trên sân khấu: tại sao nhân vật chính diện ở trong cánh gà mà lại không nghe thấy, không biết gì, để rồi bị nhân vật phản diện hãm hại?
Nếu ví câu chuyện ở chùa Bồ Đề là một vở kịch, thì chúng ta được theo dõi sân khấu qua báo chí. Bắt khẩn cấp hai bảo mẫu mua bán trẻ em là Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt. Vậy là nhân vật phản diện đã xuất hiện, còn nhân vật chính là Ni sư vẫn đang bị nghi ngờ điều tra.
Trang và Nguyệt có thể gợi ý tiền công đức đối với những người xin con nuôi, hoặc trực tiếp thu tiền môi giới và bỏ túi hàng chục triệu đồng.
Giả thiết, Trang và Nguyệt có thể cung cấp thông tin sai lệch cho Ni sư, một cách có chủ mưu. Tình trạng báo cáo một đằng, làm một nẻo sẽ dẫn đến quyết định sai lầm của người trong cuộc là ni sư trụ trì chùa Bồ Đề.
Tại sao Ni sư Thích Đàm Lan có thể bị Trang và Nguyệt qua mặt, lừa đảo?
Một yếu tố tâm lý mà người Việt Nam có thể hiểu được. Tâm lý này diễn ra ở công sở, doanh nghiệp hay bất cứ đơn vị tổ chức nào, kể cả nhà chùa. Đó là tâm lý xu nịnh, khúm núm, nhún nhường, thói đạo đức giả… Những người cận sự, cấp dưới giao tiếp với cấp trên, với người quản lý thì họ tỏ vẻ vâng lời, tuân lệnh, đàng hoàng, tử tế, còn sau lưng lại là vấn đề khác!
Như vậy, Trang và Nguyệt có thể là người cung cấp thông tin trung gian giữa các bên liên quan. Sự thật đã bị cắn xén, bị bóp méo bất cứ lúc nào. Đây là chuỗi mắt xích logic mờ, không bằng chứng, mà những người trong cuộc tin tưởng nhau... cho đến ngày vỡ mộng!
Việc quản lý một gia đình còn khó, huống hồ quản lý một tập thể gồm người ngay và kẻ gian sống cùng nhau. Một sự quản lý và tổ chức lỏng lẻo, tin người và giao việc dễ dãi, dẫn đến cơ hội cho kẻ ma cô, quỷ quyệt lừa dối nhiều người, tạo bức xúc cho dư luận xã hội. Đây là bài học cho người trong cuộc.
Việc luận tội không thể cảm tính và “vơ đũa cả nắm”. Vụ án chùa Bồ Đề chưa có hồi kết, chưa sáng tỏ trước dư luận. Theo góc nhìn của luật pháp, luật sư, tội danh của từng cá nhân được sẽ phân định rõ ràng.
Bạch Tầm Xuân