Sáng kiến cung cấp lương thực cho những người Hồi giáo nghèo khổ của tu viện Phật giáo Dharmarajika là một trong những ví dụ hiếm hoi về sự hòa hợp xã hội giữa hai tôn giáo khác nhau trong một quốc gia. (Mà trong quá khứ đã từng phải chứng kiến hàng loạt vụ tấn công đẫm máu chống lại các nhóm thiểu số cũng như những người hoạt động thế tục).
Tu viện Phật giáo Dharmarajika bắt đầu hoạt động này từ 6 năm về trước. Nhiều tu sĩ nói rằng Ramadan là cơ hội tốt nhất để giúp đỡ những người Hồi giáo nghèo khổ.
Tăng sĩ đáng kính nhất trong chùa, Shuddhanando Mohathero, người khởi xướng dự án này, tin tưởng rằng “con người chính là mục tiêu tối thượng của con người”.
Abul Basahr, chủ một cửa hàng tạp hóa sống trong khu vực này phát biểu với Al Jazeera rằng, các tu sĩ trong tu viện Phật giáo này đã tham gia vào nhiều hoạt động phúc lợi xã hội. “Điều tốt nhất mà họ đang làm đó là phân phát iftar cho những người nghèo”, ông nói.
Nhà sư Karuna Bhikkhu cho biết, tu viện Dharmarajika được xây dựng năm 1951 ở khu vực Basabo của Dhaka với mục đích phụng sự cho sự hòa hợp trong xã hội.
Sư Karuna cho biết, đây là một nỗ lực để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng Hồi giáo vốn chiếm gần 90% dân số Bangladesh. Phật giáo chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số 160 triệu người của quốc gia này.
Harun Miah, chủ sở hữu một nhà hàng, đã làm việc với tu viện – chế biến các bữa ăn iftar – trong năm năm qua.
Ông nói rằng, iftar bao gồm khoai tây, peyaju (hành tây tẩm bột), beguni (cà tím tẩm bột), chhola-boot (đậu lăng), khejur (chà là), muri (bỏng gạo) và jilapi (một loại xi-rô ngọt). Các phần iftar sẽ được đóng thành từng hộp.
Buddhapriya Mahathero, tăng sĩ có địa vị cao thứ hai trong tu viện, cho biết mỗi ngày họ phục vụ ít nhất 300 người Hồi giáo nghèo khổ.
“Mọi người bắt đầu xếp hàng từ lúc 3 giờ chiều trở đi ở phía trong tu viện”, ông phát biểu với Al Jazeera.
Đối với những người như Sakhina, người không đủ khả năng có một bữa iftar, thì những thức ăn miễn phí của tu viện là một món quà trời cho.
“Ở đây, chúng tôi được cấp phát một cách được tôn trọng mà đúng ra chúng tôi phải được nhận từ những người đồng giáo của mình”, cô Sakhina phát biểu với Al Jazeera.
Mặc dù có vài cuộc bạo lực gần đây xảy ra ở quốc gia Nam Á này nhưng các nhà sư cho biết họ không lo lắng về sự an toàn của mình và vẫn có một mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng Hồi giáo.
Mahathero, với một niềm tin vững chắc của sự hòa hợp các tôn giáo, nói: “Tại sao chúng ta phải xung đột? Chúng ta đều là người Bangladesh. Mảnh đất này dành cho tất cả chúng ta. Bằng cách giúp đỡ những người khác, chúng ta có thể làm cho đất nước tốt đẹp hơn”.
Sujan và Krishnapad Das giúp các nhà sư chuẩn bị những bữa ăn iftar. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Mohammad Milon (ở giữa) chuẩn bị iftar tại khu vực chính của tu viện Dharmarajika. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Các bữa ăn iftar bao gồm khoai tây, peyaju (hành tây tẩm bột), beguni (cà tím tẩm bột), chhola-boot (đậu lăng), khejur (chà là), muri (bỏng gạo) và jilapi (một loại xi-rô ngọt). (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Dipananda Bhikkhu và Sujan sắp iftar thành các phần. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Tu viện Dharmarajika được thành lập năm 1951, là nhà của hơn 700 trẻ mồ côi. Họ được học tập miễn phí tại trường học trong khuôn viên tu viện. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Những người theo đạo Phật chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số Bangladesh, phần lớn đều sinh sống ở vùng đông nam, giáp với Myanmar. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Các nhà sư đang gói các phần iftar trên một chiếc bàn. Tu viện Dharmarajika tọa lạc gần ga tàu Kamalapur thuộc khu vực Basabo của Dhaka. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Những người Hồi giáo nghèo đến tu viện để nhận những phần iftar miễn phí. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Các Phật tử thường có mối quan hệ tốt đẹp với những người Hồi giáo xung quanh chùa. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Hoạt động phát iftar miễn phí được khởi xướng bởi nhà sư có địa vị cao nhất trong tu viện, Shuddhanando Mohathero. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Phía bên ngoài chùa, hàng dài những người nghèo khổ, chủ yếu là phụ nữ, đang xếp hàng để nhận iftar từ các nhà sư. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Mohammad Yasin, một sinh viên Hồi giáo, đến tu viện để nhận iftar. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Chương trình phát iftar bắt đầu lúc 5:30 chiều hằng ngày. Phụ nữ và đàn ông phải xếp hàng riêng. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)
Buddhapriya Mahathero, nhà sư có địa vị cao thứ hai trong tu viện, nói rằng ông không ủng hộ việc khủng bố những người Hồi giáo Rohingya ở nước láng giềng Myanmar. “Chúng tôi không ủng hộ những hành động bạo lực chống lại họ”. (Ảnh: Mahmud Hossain Opu/Al Jazeera)