Những thông tin và tư vấn dưới đây của chúng tôi giúp bạn phần nào có được kiến thức nhất định trước khi bắt đầu áp dụng chế độ ăn chay để có lợi nhất cho sức khỏe của mình.
Ý nghĩa của việc ăn chay
Ăn chay theo nghĩa thông thường là ăn các loại thực vật chứ không ăn động vật.
Ngày nay, có nhiều nhóm người ăn chay vì những mục đích khác nhau như:
Ăn chay theo Phật giáo: Thông thường những người tu hành ăn chay theo Phật giáo với ý nghĩa vì thương chúng sinh nhất là hữu tình có mạng sống, hễ ai có mạng sống cũng tham sống sợ chết như nhau. Bản thân chúng ta ai cũng tham sống sợ chết nên nghĩ con vật cũng thế. Vì lòng từ bi xem mạng sống bình đẳng nên không nỡ giết hại, ăn thịt.
Bên cạnh đó, ăn thịt có tính hăng mạnh nên tính khí con người cũng hung dữ hơn. Vào những ngày Rằm, Mùng Một, tính khí đã bất an, khó tự chủ cộng với ăn thịt nữa thì con người dễ phạm tội. Cho nên Phật giáo khuyên ăn những thứ nhẹ nhàng, thanh khiết vào các ngày trên để tính khí bớt hung hăng gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội.
Ăn chay vì sức khỏe: Một số người ăn chay để cân bằng dinh dưỡng, ăn chay để đẹp da, ăn chay để trường thọ, ăn chay để chữa bệnh... tuy là ăn chay nhưng chỉ xuất phát từ lợi ích bản thân chứ không phải là vì nghĩ thương chúng sinh.
Ăn chay vì bảo vệ thế giới động vật: Nhóm người này ăn chay vì nghĩ đến động vật, xuất phát từ việc ngăn chặn nạn tiệt chủng của động vật, hoặc là đặc thù công việc mình làm.
Các hình thức ăn chay
Có 2 hình thức ăn chay:
- Ăn chay trường: nghĩa là ăn chay suốt đời.
- Ăn chay kỳ: nghĩa là mỗi tháng ăn chay vài ngày, hoặc mỗi năm ăn chay vài tháng. Có nhiều cách ăn chay kỳ:
* Nhị trai: Mỗi tháng ăn 2 ngày là Mồng Một và ngày Rằm. Ngày xưa không có lịch để xem ngày tốt xấu nên đặt ra cách ăn 2 ngày vào ngày trăng tròn tức là ngày Vọng (hay còn gọi là ngày Rằm) và ngày không trăng nghĩa là ngày Sóc (hay còn gọi là ngày mồng một).
* Tứ trai: Mỗi tháng ăn 4 ngày là Mồng Một, 14, Rằm, 30 (tháng thiếu 29).
* Lục trai: Mỗi tháng ăn 6 ngày là Mồng Một, 8, 14, Rằm, 23, 30 (tháng thiếu 29).
* Thập trai: Mỗi tháng ăn 10 ngày là Mồng Một, 8, 14, Rằm, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29).
* Nhất nguyệt trai: Ăn chay trọn tháng Giêng hay tháng Bảy.
* Tam nguyệt trai: Ăn chay trọn tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười.
Vậy bạn nên ăn chay theo cách nào để có lợi cho sức khỏe?
Có nhiều cách ăn chay khác nhau, nhưng nói chung chỉ ăn ngũ cốc, rau, trái cây, không ăn thịt của gia cầm, cá, nói chung là không ăn động vật.
Có 5 thứ người ăn chay trường không nên ăn là hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ gọi là ngũ vị tân vì chúng có chất kích thích dục vọng.
Người ăn chay có thể uống sữa tươi hay sữa hộp, có thể ăn bơ hay pho mát vì chúng làm từ sữa, có thể ăn hột gà công nghiệp (gà không có trống, tức là không có sự sống).
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trung tâm dinh dưỡng TP SG, nếu bạn còn trẻ và khỏe mạnh, chỉ nên ăn chay 1-2 ngày để thay đổi khẩu vị, có lẽ không cần thiết lắm đến chuyện phải cân đong đo đếm các thành phần thực phẩm trong bữa ăn. Nhưng nếu thời gian ăn chay của bạn kéo dài trên 1 tuần, rất nên quan tâm đến việc cân đối bữa ăn của mình để đảm bảo cơ thể được nuôi dưỡng bởi một chế độ ăn phù hợp nhất cho sức khỏe.
Nhìn từ góc độ dinh dưỡng, nếu khéo léo cân đối các thành phần dưỡng chất qua việc lựa chọn và chế biến thực phẩm thích hợp, thì chế độ ăn chay không liên tục (3 tháng mỗi năm hoặc 1 tuần mỗi tháng) thật sự là một chế độ ăn bảo vệ tích cực cho sức khỏe con người.