Thông tin trên được Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 diễn ra chiều 18/4, tại Hà Nội.
Đại lễ năm nay do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc ( ICDV) và sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.
Đại lễ dự kiến đón Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó tổng thư lý Liên Hợp Quốc. Hơn 500 đoàn quốc tế sẽ tham gia với 1.500 đại biểu từ hơn 100 quốc gia; bên cạnh đó còn có 20.000 đại biểu và 60 đại sứ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam sẽ cùng làm rõ chủ đề của Vesak 2019: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Nhiều diễn đàn được tổ chức quanh chủ đề này như: lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hoà hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.
Đây là lần thứ ba, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak được tổ chức tại Việt Nam. Sau 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) và năm 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Đại Lễ Vesak (lễ Tam hợp: kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn) được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận năm 1999.
Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước.
Việt Nam đã hai lần đăng cai Vesak năm 2008 và 2014.