Gyosen Asakura, 49 tuổi, trụ trì Chùa Shoonji ở thành phố Fukui đãcó những kinh nghiệm của một DJ. Bằng cách sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật số công nghệ cao, ông đã thể hiện những hình ảnh của cuộc sống trên thiên đường, như Phật giáo đã nói, đang chờ đợi sau khi chúng ta chết đi.
Vì nhiều bạn trẻ Nhật Bản hiện nay đang dần lảng tránh Phật giáo nên Asakura hy vọng rằng sáng kiến này sẽ giúp giới trẻ có cảm hứng với Phật giáo.
“Các nhà tu hành chính là những đại diện công cộng của Đức Phật”, nhà sư Asakura nói. “Tôi muốn kết nối đến mọi người bằng cách của chính mình”.
Asakura có niềm đam mê đối với âm nhạc vào khoảng thời gian còn là học sinh năm đầu ở trường trung học cơ sở. Cha của Asakura cũng là một người yêu âm nhạc đã tặng cho con trai một hệ thống âm thanh nổi (stereo system).
Vào thời điểm đó, “Rydeen”, một tác phẩm của nhóm nhạc techno (nhạc khiêu vũ có tiết tấu nhanh, chơi bằng nhạc cụ kỹ thuật số) Yellow Magic Orchestra,đang rất thịnh hành. Và Asakura đã hoàn toàn bị mê hoặc.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học, Asakura tìm việc ở một câu lạc bộ ở Kyoto, làm việc trong bộ phận ánh sáng và làm DJ vào các ngày cuối tuần. Bản thân anh đắm chìm trong âm nhạc.
Ở tuổi 24, Asakura quay trở lại Fukui và trở thành một nhà tu hành Phật giáo. Kể từ đó, anh đã phải chứng kiến sự sụt giảm trong việc hỗ trợ cho ngôi chùa và tín đồ Phật môn của mình. Sự lo lắng nhất đối với anh chính là việc Phật giáo ngày càng thiếu vắng những người trẻ tuổi.
Nhờ sự cổ vũ của gia đình, Asakura đã quyết định sử dụng các kỹ năng của mình để phát triển Phật giáo sau khi ôngthừa kế chức trụ trì thứ 17 của một ngôi chùa từ tay cha mình vào năm 2015.
Trong các nghi lễ Phật giáo, đèn nến thường được sử dụng để chiếu sáng các án thờ.
“Vì nhiều người đã thấy được những lá vàng trên các án thờ lấp lánh đẹp đến nhường nào khi chúng được tắm trong ánh sáng nên mọi người bắt đầu chiếu sáng chúng bằng những ngọn lửa đèn nến”, Asakura nói.
Nếu trước kia người ta tìm ra vẻ đẹp của ánh sáng bằng đèn nến thì Asakura lại cho rằng ở thời kì hiện đại chúng ta có thể tìm thấy thứ ánh sáng này thông qua các hệ thống chiếu sáng rực rỡ sắc màu. Và Asakura đã áp dụng công nghệ ánh sáng này vào các buổi lễ “techno hoyo” của mình.
Khi nhà tu hành Asakura đọc các bản kinh Phật, một máy chiếu sẽ hiển thị các hoa văn ánh sáng hình học của nhiều loại màu sắc khác nhau như trắng, xanh dương, đỏ và tím, bên trong các căn phòng của ngôi chùa hoặc chiếu trên các bức tượng Phật.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về âm điệu của việc đọc các bản kinh có thể kết hợp với âm nhạc techno”, Asakura chia sẻ.
Nhà sư này đã biểu diễn nghi lễ techno hoyo đầu tiên hồi tháng 5 năm ngoái với khoảng 60 người tham dự. Asakura cho hay sự kiện đó được đánh giá rất tốt. Một trong những tham dự đã nói với ông rằng: “Thiên đường của Phật giáo thật đẹp biết bao”.
Asakura đã đưa một clip của buổi lễ lên YouTube và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ rất nhiều người xem.
Tuy nhiên, vì những hạn chế về trang thiết bị vào thời điểm bấy giờ nên cuộc trình diễn ánh sáng của Asakura vẫn chưa có tính đa dạng. Gần đây Asakura đã hoàn thành việc kêu gọi đóng góp từ cộng đồng để mua sắm các trang thiết bị ánh sáng mới.
Ngôi chùa của Asakura thuộc nhánh Hongwanji-ha, phái Jodo Shinshu của Phật giáo Nhật Bản. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1475 ở Ichijodani thuộc thành phố Fukui ngày nay.
Các buổi lễ hoyo techno tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 3/5 và 25/10 sắp tới khi ngôi chùa của Asakura sẽ tổ chức lễ “Hoonko” để tưởng nhớ Shinran người sáng lập Phật giáo Jodo Shinshu.
Đăng kí tham dự lễ techno hoyo hoàn toàn miễn phí và nhiều nhất là 100 người có thể được tham dự.