Bà Laura E. Wallace thuộc Đại học bang Ohio, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết trong số các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của con người, tôn giáo đóng một vai trò tích cực và có thể kiểm chứng được.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm của bà Wallace chỉ ra rằng những người có hoạt động tôn giáo tích cực thường có tuổi thọ cao hơn người bình thường trung bình 10 năm theo khảo sát ở thành phố Des Moines, thủ phủ của bang Lowa, và 5 năm theo khảo sát trên toàn nước Mỹ.
“Sức khỏe tốt không chỉ là nhờ vào việc tập thể dục hay ăn uống. Các hoạt động xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của chúng ta. Trong đó tôn giáo rõ ràng là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra sự khác biệt”, bà Wallace nói với tờ PsyPost.
“Tôn giáo ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ. Thông qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng tôn giáo đã góp phần hình thành nên các kết nối xã hội và từ đó hình thành nên cộng đồng”, bà cho biết thêm.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Social Psychological and Personality Science. Nghiên cứu đã thu thập thông tin từ 505 cáo phó ở thành phố Des Moines và hơn 1.096 cáo phó trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, thông tin thu thập được cũng có một số hạn chế, bà Wallace cho biết.
“Rõ ràng rất khó để lấy được đầy đủ thông tin trên một mảnh giấy”, bà Wallace nói. “Chúng tôi cho rằng sự ảnh hưởng của tôn giáo tới sức khỏe của con người vượt quá những gì mà chúng tôi biết được từ việc nghiên cứu các tờ cáo phó”.
Bà Wallace nhấn mạnh, cầu nguyện và thiền định có tác động rất tích cực đối với sức khỏe con người.
“Ví dụ, tôn giáo cho rằng các căng thẳng gặp phải trong cuộc sống có thể được giảm bớt đáng kể thông qua thiền định và cầu nguyện, ngoài ra hai việc này cũng giúp nâng cao sức khỏe của mọi người. Để thấy hết được những lợi ích của tôn giáo đối với sức khỏe thì cần phải tiếp tục các nghiên cứu trong tương lai”, bà nói.
Bình Luận Bài Viết