Lịch sử về ngày Thất Tịch gắn liền với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu. Đây là ngày hội truyền thống ở các nước châu Á để các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo trong ngày này và để cầu mong lấy được ông chồng tốt. Ngày này còn có các tên gọi khác như:
Khất xảo tiết (乞巧節; Lễ hội thể hiện tài năng)
Thất thư đản (七姐誕; - Sinh nhật cô em thứ bảy)
Xảo tịch (巧夕; - Đêm kỹ năng).
Nhật Bản cũng kỷ niệm lễ hội này để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (織姫Chức Cơ) (tức sao Chức Nữ và Hikoboshi (彦星 Ngạn Tinh) (tức sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata (七夕). Tại Hàn Quốc là lễ Chilseok (칠석).
Theo truyền thuyết: Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêucủa Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng quạ lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu.
Từ đó, cứ tới tháng Bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Tuy nhiên sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng Ngưu Lang-Chức Nữ, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lện họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau.
Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau Có lẽ do tích này mà vùng Bình Định (miền Trung Việt Nam) có từ "quạ làm xâu" nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
Nhà thơ Đỗ Phủ có bài “Khiên ngưu Chức nữ”: “Khiên ngưu xuất hà tây/Chức nữ xứ kỳ đông/vạn cổ vĩnh tương vọng,/Thất Tịch thùy kiến đồng./Thần quang cảnh nan hầu,/thử sự chung mong lung”.
Bài thơ ca thán cho chuyện tình trắc trở của Ngưu lang Chức nữ. Từ đó, con người đã lấy Ngưu lang Chức nữ để phản ánh những chuyện tình ai oán, ly biệt và nỗi khao khát kỳ vọng tình yêu.
Mùng 7 tháng Bảy Ngưu Chức tương hội đã trở thành ngày lành tháng tốt mà mọi người mong đợi. “Thất Tịch” một ngày vui, ngày tốt thành hôn của những người yêu nhau, cầu ô thước cũng trở thành từ chỉ điểm hẹn của các đôi tình nhân.