Lập luận hoằng pháp qua hình tượng ngân hàng, giao dịch tài chính, các qui luật tài chính để nói về giáo lý khá lý thú. Ngân hàng được dùng làm phương tiện thuyết giảng lý nhân quả, một kiến thức phật học căn bản.
Để bảo toàn và sinh lợi đồng tiền, người ta ký gửi vào ngân hàng thông qua một tài khoản.
Cần vốn đầu tư kinh doanh người ta vay từ ngân hàng và chịu lãi suất, ngoài những yêu cầu thủ tục và thế chấp.
Đồng tiền gửi, vay, trả, lãi suất khi ấy sòng phẵng, chính xác theo thỏa thuận, qui luật vay trả nghiêm ngặt không thêm một đồng cũng không bớt dù một xu lẻ. Kinh doanh của ngân hàng được pháp luật bảo hộ, hoạt động theo luật, mọi khuất tất hay gian dối bị nghiêm trị. Ngân hàng phải ký quỹ theo qui định để bảo đảm khả năng thanh toán trong mọi tình huống, cũng như khoản thế chấp của bên vay, bất kỳ “lỗi” nào nếu đưa ra pháp luật đều bị cân đo chế tài: truy tố, tịch biên phát mãi tài sản...
Đạo Phật cũng thuyết về luật nhân quả y chang vậy. Sinh ra cõi đời, bạn mặc định có một tài khoản đạo đức ở một ngân hàng hoạt động theo luật nhân quả ký thác lời lãi vay trả phân minh cho dù không phải bằng tiền hay vàng hay bất động sản, cổ phiếu. Làm thiện làm ác dù một lời nói, một niệm khởi vi tế nhất, từ thiện một cân gạo hay tát tay một người, cân gian một gam... tất tất, như ông bà mình thường nói, có vai giáp hai bên ghi chép và vai giáp đóng vai trò kế toán ngân hàng đạo đức kia. Có thể vô hình dưới mắt phàm, nhưng sự vận hành của qui luật vay trả ấy không hề kém ở ngân hàng tài chinh của đời. Có thể làm thiện vô tư bạn quên, thi ân bất cầu báo, nhưng nhân quả báo đáp vận động không ngừng nghỉ, đủ duyên, ân nghĩa hồi đáp thêm phần lãi y chang ngân hàng, có thể trả ân không phải người mà bạn thi ân, một nhân duyên xoay chuyển nào đó sẽ giúp lại bạn khi hữu sự một cách vi diệu. Không có gì mất đi...
Khái niệm phật học về tích phước, tạo công đức, làm phước, gieo duyên, gieo nhân lành... rất hay, chính là cách bạn gia tăng ngân khoản của mình ở ngân hàng đạo đức kia.
Ngược lại, hành ác, bạn vay và phải trả với lãi suất, vai giáp ghi hết và vận hành nhân quả không ngừng nghỉ dù chỉ một sát -na. Dân gian có câu ác giả ác báo, giết người đền mạng, tránh trời không khỏi nắng là vậy.
Hệ thống các quan niệm về cõi sinh tử, chuyển hoá phước báo, vãn sanh nhập niết bàn hay bị trừng phạt ở địa ngục nhiều đời nhiều kiếp không phải là lý thuyết suông hay sự doạ nạt, rất thực. Không nói đến, đề cập đến các cõi và vận hành sau sự sống, ngay ở đời sống hiện tiền cõi phàm đã cho thấy vay trả phân minh ra sao, cho thấy điều mà nhân gian phát biểu “ âm phủ dương gian đồng nhất lý”.
Trong xã hội, mười tám tầng địa ngục có thực mười mươi ở các nhà tù với xác hình thức giam giữ, khảo tra, trừng phạt được ám chỉ “ địa ngục trần gian”. Hệ thống tội, mức phạt chi tiết rõ ràng, luật hoá, sòng phẵng.
Phước báo cho nghiệp lành cũng phân minh. Sống đạo đức, cần lao được hồi đáp bằng mái ấm gia đình, hạnh phúc, đầy đủ, giấc ngủ ngon.
Đương nhiên, vay trả nhân quả không phải lúc nào cũng giản đơn dễ hiểu như thế, theo lo -gich ở hiền gặp lành, siêng năng tất giàu có... Xã hội đa đoan như trong một bài toán phức tạp liên quan số đông trong chiều kích không gian và thời gian dài rộng. Người tốt sống khổ, người ngay bị oan, làm ơn mắc oán... Cho nên phải hiểu sâu rộng và sự sòng phẵng nhân quả là kết toán tổng hoà có khi xuyên qua nhiều đời nhiều kiếp. Như chính Đức Phật, toàn tâm toàn ý tu hành, giác ngộ viên mãn, vẫn bị trả quả do nghiệp báo sâu xa ...
Ở ngân hàng cũng thế, vay trả chồng chéo phát sinh theo thịnh suy cuộc làm ăn của khách hàng, của minh tế xã hội. Chuyện hôm nay là tỷ phú, mai phá sản đâu phải chuyện bịa. Vậy nên hiểu về nhân quả biện chứng thay vì giản đơn đóng khung đời sống vào công thức hay con chữ. Không có chuyện đi ăn cướp một triệu, bố thí, cúng chùa vài đồng, sẽ thành tiên phật hay có công hạnh to tát chi đó, nghĩ vậy không chính tín, mê.
Khúc khuỷu vòng vo như biểu đồ toán học, như phương trình, nghiệp báo bạn phải thọ nhận là tổng hoà những gì vai giáp đã biên chép trừ cấn tội phước chính xác như công việc chuyên nghiệp của các kế toán ngân hàng hay của hội đồng xét xử khi lượng hình: thủ ác trong tình trạng nào, có rượu hay không và mức độ say ra sao, có tổ chức tính toán hay không, tổn thất của bị hại đến đâu, thái độ và hành động hối hận thành khẩn, khắc phục hậu quả...để có án, một loại quyết toán chính xác: tù treo hay giam, bao nhiêu năm, có tịch thu tài sản hay bồi thường dân sự không, bao nhiêu...
Cho dù nhân quả bên ngoài ngân hàng có thể âm thầm và không rõ rệt chi li, nhưng xét kỹ, cũng thế.
Muôn đời nay người ta tin vào thiện ác phân minh cho dù ở ngân hàng hay xã hội, cõi dương gian hay âm cảnh và niềm tin ấy đã duy trì đời sống nhân văn, không rơi vào hỗn mang.
Và đấy cũng chính ý tứ lý nhân quả của phật giáo.
Nguyễn Thành Công