Lời bạch: Sau khi Vua Đường Thái Tông hàng phục được bộ lạc ở phương bắc là Đột Quyết và Thiết Lặc, ông lại hướng về tây để chinh phục Thổ Dục Hồn, Cao Xương, Yên Kỳ và Cưu Tư, một lần nữa đả thông con đường tơ lụa.
Đường Thái Tông võ công cao cường, nhưng lại mang một cái tâm bình đẳng để đối đãi với các dân tộc thiểu số đã hàng phục, cho nên ông được tôn xưng là ‘Thiên Khả Hản’.
Đồng thời tôn giáo trong thời kỳ này bắt đầu phát triển mạnh mẽ, trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện cao tăng Huyền Trang đi Ấn Độ thỉnh kinh, câu chuyện này mọi người đều biết trong Tây Du Ký. Vậy thì lịch sử ghi chép câu chuyện này như thế nào?
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, Phật giáo vào những năm đầu thời Đông Hán đã truyền vào Trung Quốc, sau đó bắt đầu xuất hiện lần lượt các tăng nhân ‘Tây hành cầu pháp’ (西行求法: đi về tây cầu pháp), người đi Tây Thiên sớm nhất lại không phải là Huyền Trang, mà là một tăng nhân nước Nguỵ thời Tam quốc là Chu Sĩ Hành. Tăng nhân Chu Sĩ Hành này trong Wikipedia (tiếng Trung) nói rằng pháp hiệu của ông là Bát Giới, nhưng Giáo sư Chương không tìm thấy được xuất xứ có tính khả tín.
Khi Chu Sĩ Hành đi cầu pháp không đến được Thiên Trúc, mà là đến được Vu Điền, chính là Vu Điền thuộc Tân Cương ngày nay. Ông đã tìm được một số Phật Kinh, sau đó sao chép ra khoảng 60 vạn chữ, rồi đưa đệ tử mang về, còn bản thân ông viên tịch ở Vu Điền.
Người đầu tiên đến được Thiên Trúc cầu pháp là một cao tăng thời Đông Tấn tên là Pháp Hiển, bởi vì khi đó Phật giáo của Bắc Nguỵ vô cùng phát triển, cho nên khi làm sử của Bắc Nguỵ có cuốn ‘Thích Lão truyện’ (một trong Nhị thập tứ sử) có ghi lại một số sự tích của tăng lữ Phật giáo và đạo sĩ Đạo giáo thời đó, câu chuyện của Pháp Hiển chính là được ghi chép trong chính sử.
Khi Pháp Hiển cầu pháp thì tuổi đã cao, 65 tuổi, nhưng ông đã phát nguyện đến Tây Thiên lấy kinh, đến 78 tuổi thì quay về. Sau khi quay về, ông bắt đầu dịch kinh, đến 86 tuổi thì viên tịch.
Sau Pháp Hiển lần lượt có hơn 20 vị tăng nhân đến Tây Thiên cầu pháp, đương nhiên nổi tiếng nhất là Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh vào những năm đầu Trinh Quán thời vua Đường Thái Tông. Câu chuyện này mọi người đều biết ở trong Tây Du Ký.
Câu chuyện Huyền Trang thỉnh kinh đều ghi chép trong ‘Cựu Đường thư’ và ‘Tân Đường thư’, nhưng lại vô cùng giản lược, do đó khi Giáo sư Chương giảng những việc đã trải qua khi Huyền Trang lấy kinh, thì dùng những trải nghiệm mà Huyền Trang nói.
Huyền Trang có 2 người đệ tử, một người là Huệ Lập, người còn lại là Ngạn Tông. 2 vị đệ tử này căn cứ theo lời kể của Pháp sư Huyền Trang để viết một cuốn sách có tên là ‘Đại từ ân tự – Tam Tạng pháp sư truyện’, gọi tắt là ‘Từ ân truyện’. Giáo sư Chương dẫn nguồn này để kể câu chuyện về Pháp sư Huyền Trang.
Họ của Huyền Trang lúc chưa xuất gia là Trần, còn tên của ông có 2 cách nói, một là Trần Huy (陳禕), còn cách gọi khác là Trần Y (陳禕), giới học thuật còn có những khảo chứng khác, ở đây chúng ta tạm gọi là Trần Huy.
Sau khi ông xuất sinh, từ nhỏ đã vô cùng thông minh, hơn nữa có lực lĩnh ngộ rất tốt đối với Phật Kinh. Năm 13 tuổi ông xuất gia ở Lạc Dương, sau đó rất nhanh đạt được trình độ của Phật học (Phật học tháo nghệ – 佛學造詣), những tăng nhân đương địa không dạy nổi ông. Huyền Trang du học ở rất nhiều nơi trong nước, đến đâu cũng thảo luận và nghiên cứu Phật Pháp.
Vì trình độ Phật học của ông quá xuất sắc nên được tôn xưng là ‘Thích môn thiên lý chi câu’ (釋門千里之駒: ngựa chạy ngàn dặm của Thích môn), ý tứ là một người vô cùng xuất chúng trong Phật môn.
Khi đó ông thấy rằng, cùng một Phật Kinh ở Hán địa nhưng lại có dị bản khác nhau, giữa chúng có sự sai khác; hơn nữa cùng một sự việc nhưng trong Phật Kinh lại có những giải thích khác nhau; cho nên ông rất muốn làm rõ chuyện này, rốt cuộc trong Phật Kinh lúc nguyên thuỷ là giảng như thế nào.
Sau này có một vị tăng nhân Thiên Trúc nói với ông rằng: ‘Ở nước Thiên Trúc có một tự viện tên là chùa Na Lan Đà (Na Lan Đà tự), trong chùa có Pháp sư Giới Hiền, vị pháp sư này rất giỏi trong việc giảng kinh Du Già sư địa luận. Du Già sư địa luận là kinh điển của Đại thừa Phật giáo, ngài chỉ cần nghiên cứu minh bạch điều này, thì những thắc mắc trước đây sẽ được giải quyết’. Thế là Pháp sư Huyền Trang đã hạ quyết tâm đi Tây Thiên cầu pháp, nhất định phải đem về ‘Du Già sư địa luận’.
Quan hệ giữa triều Đường và Đột Quyết khá căng thẳng vào những năm đầu thời Trinh Quán. Mãi đến năm Trinh Quán thứ 16, Đường Thái Tông mới lập được Ất Tỳ Xạ Quỹ làm Khả Hãn (tương đương với Hoàng đế ở Trung Nguyên) cho Đột Quyết ở phía tây, cho nên vào những năm đầu Trinh Quán thì con đường đi Tây Vực rất nguy hiểm.
Khi đó pháp luật của Đại Đường không cho phép tăng nhân đi về tây, Huyền Trang nhiều lần nhận báo cáo không được đi. Sau này vào năm Trinh Quán thứ ba, đúng lúc kinh sư mất mùa, cho nên đã cho phép tăng nhân ra ngoài để kiếm ăn, tức có thể đến nơi khác để xin ăn, vì kinh thành không còn lương thực.
Như thế Huyền Trang nhân cơ hội này mà chạy ra ngoài. Ông tự mình đi một mạch về tây, ông không nhận được sự khuyến khích của vua Đường Thái Tông. Sau khi quay về ông mới nhận được sự biểu dương của vua Đường Thái Tông.
Khi Huyền Trang đi Tây Vực, triều đình có mệnh lệnh không cho đi, cho nên ông thường gặp quan viên địa phương cản trở. Huyền Trang đã giảng vì sao ông lại đi Tây Thiên cầu pháp cho quan viên địa phương (lúc đó là một tướng quân trấn thủ phong hoả đài), sự kiên định chân thành của Pháp sư Huyền Trang đã làm cảm động những quan viên này, cho nên họ đã tạo điều kiện cho ông.
Sau khi Huyền Trang qua Dương Quan, ông phải đi qua 5 phong hoả đài. Ở biên giới của Đại Đường, cứ cách 100 dặm (50 cây số) là đặt một phong hoả đài, giữa các phong hoả đài đều là sa mạc, vô cùng khó đi. Nếu muốn lấy nước, chỉ có thể lấy ở dưới phong hoả đài, bởi vì chỉ có nơi đây mới có nước; chỉ cần đi lấy nước khẳng định sẽ bị người khác phát hiện.
Ở phong hoả đài đầu tiên, Huyền Trang đã bị phát hiện. Khi đó ông đang lấy nước, đột nhiên cung tên bắn trước mặt ông, ông hô lớn: ‘Đừng bắn tên, tôi là hoà thượng ở Trường An đi Tây Thiên cầu pháp’. Người trấn thủ phong hoả đài này tên là Vương Tường, vốn là người rất tín Phật Pháp, cho nên đã để Huyền Trang đi. Vương Tường còn nói với Huyền Trang rằng: ‘Người trấn thủ phong hoả đài thứ tư là thân thích của tôi, tên là Vương Bá Long. Ngài đi tìm ông ấy, ông ấy sẽ giúp ngài’.
Như thế Huyền Trang lần lượt vượt các phong hoả đài tiếp theo. Đến phong hoả đài thứ tư, Vương Bá Long đã nói với ông: ‘Ngài không thể đi tiếp nữa, bởi vì người trấn thủ ở phong hoả đài thứ năm nhất định sẽ bắt ngài. Ngài phải tìm cách vòng qua. Đi như thế nào? Phải băng qua sa mạc. Tôi sẽ nói cho ngài một con đường, có một nơi gọi là Dã Mã Tuyền (野馬泉: suối ngựa hoang), ngài nhất định phải tới được nơi đó bổ sung nước, tiếp đó mới có thể đi qua được sa mạc, nếu không thì không thể’.
Vương Bá Long khi ấy đưa cho Huyền Trang một cái bao rất to rất lớn chứa đầy nước trong đó, nói rằng: ‘Ngài có thể đến Dã Mã Tuyền’.
Kết quả Huyền Trang bị lạc đường. Ông chiểu theo phương hướng mà Vương Bá Long hướng dẫn để tìm Dã Mã Tuyền, nhưng không tìm thấy. Sau khi không tìm thấy, khi ông uống nước trong sa mạc, vì bao nước rất nặng nên lỡ tay làm đổ hết nước trong bao. Không có nước trong sa mạc, thì ‘ắt chết không còn nghi ngờ gì nữa’, Huyền Trang phải làm sao? Ông quay lại lấy nước.
Ông bắt đầu mang bao nước quay lại, đi được 10 dặm, ông đột nhiên nghĩ đến phát nguyện ban đầu là: ‘Lần Tây hành cầu pháp này, nếu không lấy được chân kinh, tuyệt sẽ không quay trở lại đông thổ một bước. Tôi thà chết ở khi tây hành, chứ không muốn sống để quay lại’. Sau khi nghĩ đến điều này, ông không quay về nữa, mà lập tức đi về tây.
Nhưng trong sa mạc thật sự là ‘trên không có chim bay, dưới không có thú chạy’, Huyền Trang chỉ dựa vào vết phân lạc đà, xương trắng của người chết làm ký hiệu để men theo; hơn nữa, trong sa mạc thường xuất hiện huyễn tượng (ảo ảnh) yêu mà quỷ quái, gió nóng quỷ mị, trong ‘Từ ân truyện’ miêu tả vô cùng đáng sợ.
Ông cứ thế mà đi, đi được 4 ngày 5 đêm mà không có giọt nước nào trong cổ, khắp người nóng ran, sau đó hôn mê ở sa mạc. Lúc ý thức của ông đã không còn thanh tỉnh, ông cố gắng niệm chú ngữ, niệm kinh văn, cầu nguyện Quan Âm Bồ Tát. Ông nói: ‘Đệ tử lần này đi lấy kinh, không vì danh, không vì lợi, mà chỉ muốn lấy được Đại thừa chân kinh đưa về đông thổ, mong Quan Âm Bồ Tát có thể gia trì cho con’. Sau đó ông mất ý thức rồi hôn mê.
Đến đêm, một cơn gió lạnh thổi qua, ông sống lại, đã khôi phục một ít thể lực. Ông nghĩ mình đã ngủ một giấc trong sa mạc. Trong ‘Từ ân truyện’ viết rằng, ông mơ thấy một Thần nhân kim giáp (Thần nhân mặc giáp vàng) đứng trước mặt), vô cùng cao lớn, rồi nói với ông rằng: ‘Ngủ gì chứ, nhanh đi thôi’. Ông liền bò dậy, cưỡi một con ngựa. Con ngựa đột nhiên mất kiểm soát, bắt đầu chạy điên cuồng. Ông không khống chế được, chỉ có thể bị ngựa mang đi, con ngựa này chạy thêm 10 dặm rồi mang ông đến một con suối bên cạnh. Pháp sư Huyền Trang đã được đắc cứu như thế.
Sau khi được cứu, Huyền Trang đã gặp một quan sinh tử. Ông đi thêm 2 ngày nữa thì vượt qua sa mạc lớn, đến được quốc gia đầu tiên là nước Cao Xương. Quốc quân nước Cao Xương khi đó là là Khúc Văn Thái. Khúc Văn Thái vô cùng tín Phật, thấy Huyền Trang đến ông vô cùng vui mừng, ông nói với Huyền Trang rằng: ‘Thỉnh ngài đừng đi, hãy ở lại nước Cao Xương để giảng pháp cho lão bách tính nơi đây’.
Huyền Trang không đồng ý, ông còn phải đi thỉnh kinh. Quốc quân nước Cao Xương bắt ông lại. Vì để biểu thị quyết tâm của mình, Huyền Trang đã tuyệt thực. Khi ông tuyệt thực đến ngày thứ tư, Khúc Văn Thái đã biết được quyết tâm của ông kiên định không lay động, thế là Khúc Văn Thái đã đồng ý để Pháp sư Huyền Trang tiếp tục Tây hành cầu pháp.
***
Huyền Trang rời nước Cao Xương tiếp tục đi về tây, đi qua Yên Kỳ, Khố Xa rồi tiến nhập vào Lăng Sơn. Núi Lăng Sơn ‘cao nhập trời mây’, băng tuyết trên đỉnh không tan chảy, leo lên không dễ, ban đêm chỉ có thể ngủ trên băng.
Sau đó Huyền Trang lại trèo qua rồi đến Đại Tuyết Sơn còn cao hơn cả Lăng Sơn, cuối cùng sau khi rời Trường An hơn một năm thì đến được phía bắc Ấn Độ.
Sau khi ở đây du học một năm, ông chuẩn bị đi tiếp đến chùa Na Lan Đà của nước Thiên Trúc, nhưng đến giữa đường đã gặp một kiếp nạn sinh tử. Kiếp nạn đó là gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 3 tập 26: Tây hành cầu pháp.