Thiết kế của ngôi chùa rất chân thực (như ở Tây Tạng – ND) nhưng nằm ở một góc của Ireland để ngắm nhìn đại dương chứ không phải trên cao nguyên Tây Tạng.
Việc xây dựng ngôi chùa với phong cách truyền thống nhưng có thêm nhiều cửa sổ cho phép chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục của đại dương bên dưới nhằm để kỷ niệm 30 năm Phật giáo ở Co Cork.
Một cặp vợ chồng người Anh đã tìm kiếm quanh Ireland và đã quyết định chọn vị trí bình dị này để xây dựng một trung tâm thiền định Phật giáo.
Năm 1973, Peter và Harriet Cornish đã đến thăm bán đảo Beara hoang sơ và tuyệt đẹp, trải dài trên một diện tích 60 hecta trên bờ biển giữa Allihies và Castletownbere, và họ đã hết sức thích thú.
Năm 1986, hai người họ đã xây dựng một khu nhà trung tâm lớn cùng với 6 ngôi nhà nhỏ hơn, xây dựng đường xá, lắp đặt điện nước và trồng khoảng 15000 cây xanh.
Tháng 7 năm 1986, Peter và Harriet Cornish đã mời Lạt ma Tây Tạng Sogyal Rinpoche đến để hướng dẫn khóa thiền đầu tiên. Sau đó vài tháng, Lạt ma Sogyal Rinpoche tiếp tục quay trở lại hướng dẫn thiền định.
Năm tiếp theo, 1987, Lạt ma Sogyal Rinpoche được đề nghị trở thành người đứng đầu tâm linh của trung tâm, sau đó ông đã đặt tên cho trung tâm này là Dzogchen Beara.
Trung tâm Dzogchen Beara chính thức được bàn giao trở lại cho vợ chồng Peter và Harriet Cornish vào năm 1992 và Dzogchen Beara trở thành một trung tâm từ thiện.
Quá trình xây dựng chùa đang được tiến hành và hy vọng hoàn thành vào tháng 10 năm tới. (Ảnh: Dan Linehan)
Giám đốc trung tâm, Malcom MacClancy cho biết, “các đại sư Tây Tạng nói rằng khung cảnh đã truyền cảm hứng thiền định mà không cần bất cứ nỗ lực nào”.
Malcom cho hay, khi ngôi chùa được hoàn thành, nó sẽ có sức chứa khoảng 300 người.
“Ngôi chùa được xây dựng theo phong cách của một ngôi chùa Tây Tạng truyền thống cao hơn 3 tầng, nhưng chúng tôi lắp thêm nhiều cửa sổ lớn để có thể chiêm ngưỡng vịnh Bantry”, ông Malcom chia sẻ.
Nhiều không gian mở của ngôi chùa sẽ được lấp đầy bằng những bức tượng Phật. Đối với các vị lạt ma sẽ đến giảng dạy tại trung tâm, ông Malcom cho biết, “có thể mời các lạt ma đến, chủ yếu là từ Ấn Độ”.
Dzogchen Beara sẽ tài trợ cho các trung tâm thông qua quyên góp và tiền bạc kiếm được từ các cửa hàng, quán cafe và kinh doanh nhà nghỉ của Dzogchen Beara.
Tổ chức từ thiện Dzogchen Beara chào đón mọi người thuộc tất cả các tôn giáo cũng như ngoại đạo đến với những buổi thiền định mỗi ngày hai lần hoặc lưu lại tại các khu nhà nghỉ của họ.
Kathryn O’Flaherty, giám đốc bệnh viện của ngôi chùa Phật giáo mới ở Dzogchen Beara, Co Cork. (Ảnh: Dan Linehan)
Ông Malcom MacClancy cho biết, hồi tháng 7 và tháng 8 có tới 50 người cùng lớp tham gia các khóa thiền định và số lượng du khách đến Dzogchen Beara cũng đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua.
Năm 2009, Dzogchen Beara đã khai trương Trung tâm Chăm sóc Tinh thần, chào đón mọi người đến nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tham gia các khóa học được thiết kế đặc biệt cũng như hỗ trợ các nhóm người đang phải sống chung với bệnh tật và khuyết tật.
Kể từ đó, trung tâm đã đón nhiều lượt người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang phải trải qua những khủng khoảng trong đời sống của mình.
“Nếu mọi người cần nghỉ ngơi mà không có nguồn lực tài chính thì tổ chức từ thiện Dzogchen Beara sẽ xem xét”, ông Malcom cho hay.