Khoảng 1h30 ngày 29/09, kẻ trộm đã cắt khóa cửa chính ngoài Tam quan, sau đó đột nhập vào chùa và trèo vào lên tầng 2 nơi đặt bức tượng.
Gian thờ tầng 2 được bảo vệ bởi hai ổ khóa và có camera an ninh, thế nhưng trộm đã cắt khóa, sau đó bê phần thân tượng và buộc dây đưa xuống dưới đất.
Sư thầy Thích Đàm Lan (chùa Mễ Sở) cho biết: “Trong quá trình lấy cắp tượng Phật, các đối tượng trộm cắp đã làm gẫy một chiếc bàn và một số ngón tay Phật. Khi buộc dây đưa hiện vật xuống dưới, pho tượng có bị cọ vào thành lan can gây tróc lở nhiều mảng xi măng”.
Ngoài pho tượng cổ, bọn trộm cũng lấy đi đôi nến thờ bằng đồng có giá trị cao. Chúng thậm chí còn sử dụng cả găng tay và bình tĩnh dọn dẹp các dấu vết để lại.
Nơi đặt pho tượng quý trước khi bị kẻ gian đánh cắp. Ảnh: Cao Tuân
Sư thầy Thích Đàm Lan thông tin thêm: “Trong gian để tượng Phật có gắn camera an ninh, thế nhưng đối tượng đã lấy một chiếc áo đang phơi của thợ xây đình (bên cạnh chùa) và dùng một cây sào trong sân chùa để bịt camera”.
Ông Nguyễn Đông Bình, Chủ tịch UBND xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: "Sáng sớm ngày 29/9, chúng tôi nhận được thông tin nhà chùa báo mất tượng Phật. Chúng tôi ngay lập tức báo cáo gửi công an huyện. Các cơ quan chức năng của huyện đã cử người xuống xác minh và tiến hành điều tra"
Tượng Quán Thế Âm tôn thờ tại chùa Mễ Sở (huyện Văn Giang - Hưng Yên)
có 1.113 tay và 1.113 mắt. Ảnh tư liệu
Tượng Quán Thế Âm chùa Mễ Sở là pho tượng cổ có nhiều tay nhất ở nước ta, tới 1.113 tay, được tạc bằng gỗ mít, toàn bộ tác phẩm cao 2,8m. Từ chỏm đầu tượng tới mặt ngồi cao 140cm, bệ cao 53 cm, tòa sen cao 23cm. Khuôn mặt tượng thanh thoát, thuần hậu, thân hình thon thả, tạo nên một pho tượng đẹp cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Đây là một trong 3 bức tượng cổ tạo hình Quan Âm nghìn mắt nghìn tay độc đáo ở Việt Nam (cùng với pho tượng ở chùa Bút Tháp và chùa Đào Xuyên).
Khoảng tháng 10 năm 1988, bức tượng này cũng đã bị đánh cắp 1 lần. Kẻ gian khi đó còn táo tợn cắt cả đường dây điện thoại hòng gây khó khăn cho công tác liên lạc với các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau nỗ lực không biết mệt mỏi của công an các tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên), Hải Phòng và Hà Nội, phong tỏa toàn bộ các tuyến cảng biển nên bức tượng đã được tìm thấy tại nhà một nghệ nhân ở phố Vân Hồ, Hà Nội. Người này khai không biết về vụ trộm cắp, mà chỉ được người người đến thuê phục chế.
Để bày tỏ sự ngưỡng mộ bức tượng tuyệt đẹp, vị nghệ nhân sau đó đã về tận Mễ Sở, phục chế lại tượng mà không lấy một đồng tiền công.