Chúng ta ngồi xem có thể thấy vui và buồn cười trước phản ứng của người bị hại khi nhìn thấy quả bom giả. Nhưng tôi nghĩ nếu lúc đó bạn là nhân vật để đem ra mua vui trong clip đó thì bạn sẽ có suy nghĩ khác.
“Ra đường đốt bom” - Vui trên nỗi sợ hãi
Vài ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 4 phút, do một nhóm bạn trẻ thực hiện với nội dung “ra đường đốt bom”. Được biết nhóm bạn này sau khi xem một clip khủng bố ném bom trên Internet đã nảy ra ý định diễn và ghi hình tại Hà Nội. Chỉ cần nghe tên gọi chúng ta cũng phần nào hình dung được sự “điên rồ” từ clip này.
Theo hình ảnh được ghi lại thì một thanh niên mặc chiếc áo dài màu trắng gần giống với trang phục của người Hồi giáo, bịt nửa mặt và cầm theo một vật giống như bom tự chế và tìm đến những nơi đông người như cầu vượt bộ hành, điểm chờ xe buýt... Khi đã nhắm được mục tiêu thanh niên này sẽ đốt que phát sáng gắn trên đầu quả bom giả, đặt cạnh mục tiêu và chạy đi. Xuyên suốt clip chúng ta dễ dàng nhận ra sự bất ngờ cũng như nỗi hoảng sợ trên nét mặt những nạn nhân của trò đùa này.
Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú sau khi xem đoạn clip trên và nói: “Clip chỉ để mua vui thôi, sao mọi người phải trầm trọng hóa lên thế?” Tạo ra tiếng cười cho mọi người là tốt nhưng hình thức thực hiện lại không phù hợp. Làm gì có ai vui trên nỗi đau hay sự sợ hãi của người khác bao giờ? Chúng ta ngồi xem có thể thấy vui và buồn cười trước phản ứng của người bị hại khi nhìn thấy quả bom giả. Nhưng tôi nghĩ nếu lúc đó bạn là nhân vật để đem ra mua vui trong clip đó thì bạn sẽ có suy nghĩ khác.
Đó là chưa nói đến hậu quả từ trò đùa tưởng như vô hại này. Xem kĩ đoạn clip tôi thấy có bạn nam khi chạy từ trên cầu vượt bộ hành xuống còn nhảy cóc vài ba bậc. Phải chăng bạn đó vì quá sợ hãi, vì lo bom nổ nên mới chạy nhanh đến vậy? Thử hỏi nếu bạn nam đó vì nhảy xuống mà trượt chân ngã gây nên chấn thương ở đầu thì lúc đó chúng ta còn cười được hay không?
Nguy hiểm hơn cả khi trò đùa này được thực hiện ở bến chờ xe buýt. Chúng ta đều biết đây là nơi lưu thông của nhiều phương tiện và là nơi tập trung đông người. Nếu lúc đó trò đùa này được thực hiện thì ai dám chắc sẽ không có tai nạn thương tâm nào xảy ra? Sẽ có người lao xuống đường và đâm vào xe buýt hay lo sợ rồi dẫm đạp lên nhau? Với tâm lý hoảng sợ khi nhìn thấy bom cũng như trang phục gây hiểu nhầm, có lẽ ai cũng vội vã tháo chạy mà quên đi sự an toàn của mình.
“Nói là làm” – Chiêu trò câu like
Trước đó, cộng động mạng còn hứng thú với trào lưu “Nói là làm”, dám nói dám làm, dám chơi dám chịu. Trào lưu này hầu hết được thực hiện bởi những thanh niên không có nghề nghiêp ổn định, chủ yếu sống trên mạng ảo nhờ những nút like và share (chia sẻ). Họ sẽ đăng một dòng status (trạng thái) với số like và lượng share muốn có, khi đạt đủ số like đó họ sẽ thực hiện một hành động có thể nói là điên rồ như nhảy từ lầu 4 tòa nhà Bitexco, uống 69 lít mật ong, không mặc gì chạy 7 vòng quanh trường đại học hay tẩm xăng, tự thiêu?!
Có thể nói, đây là những hành động nhằm thể hiện sự ngông cuồng của một bộ phận giới trẻ. Mọi người càng like hay share nhiều thì họ càng phấn khích, càng nghĩ ra các việc làm quái đản nhằm tạo sức hút từ cộng động mạng. Theo các chuyên gia tâm lý do thiếu sự quan tâm từ gia đình, cảm thấy cô đơn nên những bạn trẻ này luôn muốn được mọi người chú ý. Người viết thích làm trò đã đành nhưng những người like còn ác hơn. Họ like chỉ để thỏa mãn sự tò mò xem người viết có làm thật không? Nếu không làm họ cũng chả mất gì ngoài một nút like. Còn nếu sự việc xảy ra thật thì có lẽ họ sẽ ngồi vỗ đùi rồi cười hả hê cũng nên.
Phàm làm việc gì phải xét tới hậu quả của nó
Nhóm bạn thực hiện clip “ra đường đốt bom” hiện tại đang “được” mời về phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) để làm rõ về hành vi gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Không biết cuối cùng nhóm bạn này sẽ bị chịu phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tôi tin họ đã có một “kỉ niệm” đáng nhớ, khó có thể quên trong cuộc đời mình.
Một trò đùa tưởng vô hại nhưng hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng. Nếu đã từng đọc câu chuyện “Cậu bé chăn cừu” thì chúng ta sẽ hiểu vì sao những trò đùa như vậy không bao giờ được khuyến khích trong xã hội. Nhất là khi hiện nay vấn đề an ninh luôn được quan tâm hàng đầu.
Với trào lưu “Nói là làm” phần lớn đều bị cư dân mạng lên án gay gắt, chỉ một số ít người hùa vào hưởng ứng nó. Nếu trào lưu này được thay thế bằng những hành động ý nghĩa cho cộng động như trào lưu “Ice Bucket Challenge” (tạm dịch: thách thức dội nước đá lên người) để quyên góp cho quỹ từ thiện ALS – hội chứng xơ cứng teo cơ một bên hay trào lưu #22pushupchallenge nhằm kêu gọi sự quan tâm, động viên tinh thần cho tất cả những ai đang là cựu chiến binh trên toàn thế giới thì cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều.
Suy cho cùng người dựng và nghĩ ra những clip hay trào lưu “độc, lạ, dị” đều là nạn nhân của thế giới ảo. Chỉ vì ham nổi danh trong phút chốc mà nhiều bạn trẻ bất chấp tất cả, thực hiện trò câu like dưới mọi hình thức, dẫn tới hành động nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng mà còn vô tình tạo nên hình ảnh tiêu cực cho các em nhỏ học theo.
Mạng xã hội không có lỗi, lỗi là ở người dùng. Nếu biết sử dụng chúng một cách khoa học và đúng đắn thì chúng sẽ hữu ích cho cuộc sống của chúng ta. Còn nếu không thận trọng thì chúng sẽ gây nên những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Mong sao mỗi người sẽ luôn tỉnh thức trong từng hành động, từ việc nhỏ nhất như ấn những nút like và share trên mạng xã hội.
Xin mượn bình luận của một độc giả về trào lưu “Nói là làm” của giới trẻ Việt để khép lại bài viết như một lời nhắn gửi đầy chân thành tới tất cả mọi người: “Con người chúng ta mất hàng triệu nằm để tiến hóa từ khỉ sang người. Còn bây giờ chúng ta chỉ cần vài chục năm để trở thành nô lệ của cuộc sống ảo!”