Về thời kỳ cuối của Nhà Trần, nhà nghiên cứu Tuệ Quang có viết: “Khi đạo Phật được vua chúa quý trọng thì các nhà quyền quý và trăm họ đều hướng vào, chùa chiền càng nhiều thì nếp sống thanh qui khó có thể bảo đảm được. Tăng chúng càng đông thì càng có nhiều phần tử bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn, sự kính trọng càng nhiều thì niềm kiêu hãnh càng thêm cao. Sự cúng dường càng hậu thì sự ỷ lại càng tăng.” . Đó là thời kỳ mà phần đông sư sãi không còn lo tu hành thiền định nữa, mặc dù Phật giáo Việt nam đã quy định nguyên tắc “Bất tác Bất thực” tức là “Không làm Không ăn” nhưng nhiều chùa đã trở thành nơi kiếm sống nhàn hạ của sư sãi, lạm dụng sự sùng kính và cúng dường của Triều đình cũng như dân chúng để thu vén làm giàu cho cá nhân. Chùa chiền xây càng nhiều thì càng tốn kém tiền của và công sức của dân chúng, món nợ càng lớn mà không trả được thì nghiệp chướng càng nhiều. Phật Giáo đã đi trệch khỏi Đạo.
Đạo Phật không có mục tiêu nào khác là tu hành để hóa giải nghiệp chướng trong con người mình và xã hội bằng sự giác ngộ và thực hiện các quy luật khách quan của thế giới Tự nhiên, của Vũ trụ, của Trời Đất. Làm trái Đạo thì Phật giáo suy vi, quốc gia bất ổn. Thuận theo Đạo, có được một nền tảng tâm linh vững vàng thì đất nước phát triển, xã hội bình an. Vì vậy, sự chấn hưng của Đạo Phật rất cần cho sự chấn hưng của đất nước. Đó là việc mà các bậc vua chúa cần phải làm.
Tuy nhiên về việc này, quan điểm của các vị vua đầu tiên của Nhà Trần với vua Hồ Quý Ly thật là khác biệt.
Vào cuối Nhà Lý, triều đình thối nát và Phật Giáo cũng suy vi. Nhà Trần lên thay đã chấn hưng lại Phật Giáo một cách đúng đắn, đưa Phật Giáo trở về với những căn bản của Đạo cho nên đã tạo nên được những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử Đại Việt cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế và văn hóa, chưa bao giờ người Việt Nam lại được ngẩng đầu cao như vậy.
Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly, xuất thân Nho học, vì muốn giành quyền lực tuyệt đối cho nên khi còn làm quan thì lo tập hợp các nho sĩ để củng cố lực lượng của mình và hạn chế ảnh hưởng của Phật giáo đối với triều đình, khi lên làm vua thì chọn Nho Giáo thay vì chấn hưng Phật Giáo. Nho Giáo dần dần chiếm vị trí độc tôn, lấn át và thay thế Phật Giáo trong vai trò là Hệ tư tưởng chính thống của xã hội. Phật Giáo, mặc dù vẫn được đại bộ phận nhân dân sùng kính nhưng chỉ được coi như một tín ngưỡng dân gian. Các thiền sư thường không tham gia vào bộ máy hành chính quốc gia, một khi không được triều đình tin tưởng và tham vấn thì Đạo Phật không còn ảnh hưởng gì đến các quốc sách của triều đình nữa, Vô Vi bị thay thế bằng Hữu Vi. Cho nên, phải chăng cũng vì thế mà Nhà Hồ không thể thu phục được lòng dân và cuối cùng dẫn đến họa mất nước?
Năm 1407 Nhà Minh chiếm trọn nước ta. Hai mươi năm đô hộ của Nhà Minh là một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam. Chưa bao giờ con người Việt Nam, nền Văn hóa Việt Nam lại bị tiêu diệt tàn bạo như vậy. Có thể nói di chứng của thời kỳ này cho đến nay vẫn chưa khắc phục hết.
Về thời kỳ này, nhà sử học Trần Quốc Vượng viết “Cướp được nước ta, trong 20 năm trời, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hóa, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý - Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418 ), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!” ( Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫm. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc, Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật, 2000, tr. 754-755)
Nói riêng về Đạo Phật, thì Phật Giáo đời Nhà Minh ở bên trong Trung Quốc cũng là một thứ Phật Giáo bị tha hóa do bị Triều đình sử dụng như một công cụ chính trị phục vụ cho lợi ích của vương triều. Với mục đích chia rẽ Phật giáo nên Nhà Minh đã phân chia Phật giáo Trung Quốc làm thành năm tông phái khác nhau như: Giảng (giảng kinh thuyết pháp), Giáo (nghiên cứu kinh giáo và cúng bái) Thiền (tu theo Thiền tông), Mật (tu theo Mật tông), Tịnh Độ tông, nhưng chỉ ủng hộ nâng đỡ phe Giáo tông tức là các tăng sĩ chuyên môn đọc kinh và làm các việc tế lễ, cúng bái như phóng sinh, dâng sao giải hạn, cầu phúc, cầu lộc, cúng vong…Dần dần số tăng sĩ này chiếm quá nửa số tăng lữ trong nước. Các môn phái khác đều bị hạn chế, thậm chí truy bức cấm đoán như đối với thiền tông. Chùa chiền không còn là nơi tu hành, rèn luyện của sư sãi nữa.
Vào cai trị nước ta, Nhà Minh đã tìm mọi cách tiêu diệt các cơ cấu văn hóa-tư tưởng của Việt nam, tiêu diệt tinh thần tu thiền của Phật Giáo Việt Nam, biến Phật Giáo nước ta thành một bản sao của Phật Giáo Minh Triều Trung Quốc và về phương diện này có thể nói rằng “công cuộc cải tạo về văn hóa-tư tưởng, tôn giáo” của Nhà Minh đã thành công. Phật Giáo Việt Nam từ đó trở đi cũng chỉ nặng về Giáo tông mà thôi, bị đời thường hóa, thiền định và ăn chay không được chú trọng cho nên sức mạnh tâm linh ngày càng sút giảm, những cái gì tinh túy nhất, cốt tủy nhất của Phật Giáo thời Lý-Trần không còn lại được bao nhiêu. Phật Giáo từ chỗ là nơi rèn luyện, tu dưỡng tạo ra sức mạnh đạo đức và ý chí cho con người trở thành một thứ tôn giáo lấy gõ mõ, đọc kinh, cúng vái, cầu tài xin lộc là chính.
Về mặt ý thức hệ, Nho giáo Việt Nam đã manh nha thoát khỏi ảnh hưởng của Đạo Phật từ cuối đời Nhà Trần và từ thời Nhà Hồ và Hậu Lê, được coi là chính đạo, là Ý thức hệ chính thống, là đường lối duy nhất để xây dựng quốc gia. Đạo Phật bị coi là mê tín dị đoan. Điều này cũng dễ hiểu. Các nhà sư không tu tập thiền định thì tất nhiên không bao giờ tin vào sự huyền diệu của Thiền định cho nên coi những điều ghi chép về thần thông trong kinh Phật, các câu chuyện về những khả năng huyền diệu các thiền sư Việt Nam trước đây đều là huyễn hoặc. Sư còn không tin nói gì đến người ngoài !
Các triều đại Việt Nam sau này với Nho giáo là toàn tòng, mặc dù có độc lập nhưng vẫn coi triều đình Trung Hoa là khuôn mẫu, cố gắng sao chép để làm sao cho thật giống với họ. Đại Việt mất dần tính chất độc lập về tư tưởng - văn hóa và đó cũng điều mà các triều đình Trung Hoa mong muốn. Tinh thần bình đẳng, khoan dung, từ bi, bác ái, không phân biệt của thời Lý – Trần không còn nữa báo hiệu bắt đầu một sự xuống dốc của lương tâm, trí tuệ và tinh thần Việt Nam.
Những năm đầu của Nhà Hậu Lê (1437) đã diễn ra trận đụng độ đầu tiên giữa hai xu hướng, một bên là chủ trương xây dựng các nghi thức và nhã nhạc của triều đình mang tính dân tộc theo truyền thống từ đời Lý – Trần khác biệt với Trung Quốc mà đại diện là Nguyễn Trãi, người tuy chịu nhiều ảnh hưởng của Phật Giáo nhưng lại cổ xúy cho vai trò thống trị tư tưởng của Nho Giáo và một bên là Lương Đăng, chủ trương các nghi lễ và nhã nhạc của triều đình phải theo Minh triều vì muốn chuẩn theo Nho giáo có xuất xứ từ Trung Quốc. Cuối cùng vua Lê Thái Tông vị vua thứ hai của triều Hậu Lê đã bác phương án của Nguyễn Trãi, phe Lương Đăng đã thắng. Nguyễn Trãi dâng sớ phản đối nhưng không kết quả mà còn bị nghi là phản nghịch, từ đó bắt đầu một giai đoạn gian nan trong cuộc đời chính trị của vị Đại công thần số một của Lê Lợi.
Cũng giống như Vua Chu Nguyên Chương Nhà Minh, sau khi giành được ngôi báu từ tay Nhà Nguyên, đã vội vàng tìm cách vu khống để giết các tướng giỏi đã theo ông từ trước như Giám Ngọc, Hữu Đức, Phùng Thắng… đề phòng họ cướp ngôi báu thì thời Hậu Lê, nhiều công thần khai quốc như Trần Nguyễn Hãn, Phạm Văn Xảo…bị ép phải chết hoặc bị chém đầu để phòng họ làm phản và ngay cả một con người đạo đức và tài năng như đại công thần Nguyễn Trãi cũng bị ghen tị, xúc xiểm đến nỗi bị Lê Thái Tổ nghi ngờ, không được triều đình trọng đãi và sử dụng. Sau chiến thắng quân Minh, cuộc đời Nguyễn Trãi là một chuỗi ngày cay đắng, có lúc cũng bị ngồi tù, mất chức… rồi cuối cùng bị vu cho tội giết vua trong vụ án Lệ Chi Viên không những bản thân bị chết thảm mà ba họ cũng bị chu di, thân phận không bằng một người dân thường phạm tội thời Lý-Trần. Vụ án Nguyễn Trãi đã chính thức chấm dứt thời kỳ phát triển văn hóa – đạo đức dân tộc rực rỡ của Đại Việt.
Tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” không còn nữa. Phật học đã bị nhà Hậu Lê loại ra khỏi chương trình học tập và thi cử của triều đình. Nho giáo trở thành độc tôn, trở thành một thứ học phiệt, bất kỳ một tư tưởng gì khác với Nho giáo có nguy cơ đe dọa tới vị trí độc tôn ấy đều bị lên án và trừng phạt.
Nền chính trị và pháp luật nhân bản, khoan dung dựa trên giáo lý của Đạo Phật đã giúp các triều đại Lý-Trần củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng được một quốc gia phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng vào loại hùng mạnh nhất ở Châu Á bấy giờ. Nhà Lý, phía Bắc thì đè bẹp ý chí xâm lược của Nhà Tống – một siêu cường phong kiến, phía Nam thì bình định được Lâm Ấp, Chiêm Thành. Nhà Trần thì phía Bắc ba lần đại phá đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thời đại của Đế quốc Mông Cổ, kẻ đã chiếm một phần lớn thế giới bấy giờ và chiếm trọn Trung Quốc từ tay Nhà Tống, phía Nam thì đánh bại mọi sự tấn công của Chiêm Thành mở rộng được lãnh thổ của quốc gia. Chính chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông của các vua Trần đã làm suy yếu đế quốc khổng lồ này, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia bị xâm lược đấu tranh giành được độc lập dân tộc, trong đó có cả Trung Quốc.
Không phải sao chép và bắt trước tạo nên sự phát triển rực rỡ của Đại Việt thời Lý – Trần mà chính sự sáng tạo, tự chủ trong môi trường bình đẳng, tự do theo tư tưởng của Đạo Phật đã làm nên sức mạnh văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, chính trị, tư tưởng, quân sự, đã sản sinh những nhân vật kiệt xuất của Đại Việt có tầm cỡ thế giới, đã tạo ra những giá trị của Đại Việt khác biệt với giá trị Trung Hoa khiến Chu Nguyên Chương tức Minh Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Minh, phải nể trọng và ghi nhận khi ban cho sứ thần nhà Trần bốn chữ Văn Hiến Chi Bang (Quốc gia Văn hiến) vào năm 1368 mà sau này Nguyễn Trãi đã nhắc lại một cách hết sức tự hào trong bản Bình Ngô Đại Cáo của mình. Hay trước đó vào thời Nhà Lý, vua Thần Tông Nhà Tống, sau thất bại ê chề trước đội quân của Lý Thường Kiệt, cũng bắt các tướng lĩnh của mình phải học tập nghệ thuật quân sự của Đại Việt :” Nước An Nam có cách hành quân rất tài, phải đem (cách ấy) dạy cho các tướng ở biên giới phía tây và bắt họ phải luyện tập theo kiểu đó” (Xem Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện.Tr.458)
(còn tiếp )