Theo Phật Giáo, vạn vật sắc tướng chỉ là ảo hóa, vô thường nên Bát Nhã Tâm Kinh mới nói ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giai không, khổ tập diệt đạo. Ngay cho tới cứu cánh niết bàn đều không phải thật, mà nó chỉ là điên đảo mộng tưởng do bởi bộ não vô minh, mơ tưởng lệch lạc của nhân loại.
Nói theo ngôn ngữ của Duy Thức Tông thì chuyển thức thành trí là chuyển hóa tánh Biến kế sở chấp (bám chấp vào những thứ hư vọng như lông rùa, sừng thỏ,) và tánh Y tha khởi (tính chất duyên sanh tạo ra sanh tử) thành tánh Viên thành thật (tính chất không sanh không diệt, không nhiễm không tịnh của Niết-bàn).
Kinh Hoa Nghiêm nói, “Tất cả ba cõi duy chỉ Nhất tâm” (phẩm Thập Địa).
Duy nhất Tâm ấy tất cả chúng sanh đều có ... độc một tâm bất nhị, và Tâm ấy chính là Tâm Phật.
Mạt-na, A-lại-da, và lưới Đế Châu là một phần của Tâm.
Tâm không ở trong vũ trụ. Tâm không ở ngoài vũ trụ mà vũ trụ ở trong Tâm.
Giác ngộ “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” thì sẽ kiến giác tất cả chỉ là ảo hóa. Lúc đó tự nhiên tức khắc giải thoát tất cả mọi khổ nạn (độ nhất thiết khổ ách) vì tất cả mọi cảnh giới, mọi hiện tượng đều chỉ là nằm mơ, mộng du giữa ban ngày.
Tuy nhiên, Long Thọ Bồ Tát không phủ nhận cuộc sống thế gian dù biết đó là ảo, nên mới có Trung Quán Luận, chỉ ra con đường ở giữa.
Không quá chấp trước cảnh mộng huyễn của thế gian để chuốc lấy phiền não, cũng không thiên chấp ở tánh không, bởi tất cả mọi diệu dụng đều nằm ở chỗ ảo hóa.
Mọi người có thể tự do tự tại sống cuộc sống của mình, đừng có quá cố chấp cũng không có cái gì phải bỏ.
Ngày nay không phải chỉ có Phật Giáo nói vạn pháp duy thức. Một số nhà khoa học cũng nói và viết sách trình bày sự việc rất là cụ thể với vạn pháp duy thức của Phật Giáo. Hai trong những người đó là Craig Hogan và David Bohm.
(Trích trong sách, Vũ Trụ Ảo, Chương 12 của tác giả Lê Huy Trứ)