Hồi chuông vang xa, tỏa rộng vào bìa rừng mơn man từng cây cổ thụ. Chú sa di đọc bài kệ gióng chuông như mọi lần, nhưng lần này chú không thể an tâm. Vị thầy tôn quý của chú là Quốc sư Vạn Hạnh vẫn đang trầm tư cả buổi chiều, Sư chưa gọi pha trà như thường lệ. Sư ngồi kiết già trên chiếc bồ đoàn quen thuộc đã cũ nát, tựa hồ như cau mặt với tháng năm. Khác với đạo phục Quốc sư uy nghiêm cao quý khi đến triều đình, Sư về chùa liền trở lại với bộ nâu sòng bạc màu thời gian. Bữa cơm trưa duy nhất của Sư chỉ vỏn vẹn vài món tương rau, đậu hủ mà chú cảm nhận Sư dùng rất ngon miệng. Nhiều lần được tướng quân hoặc đại thần của nhà vua thăm viếng, Sư miễn cưỡng nhận nhiều phẩm vật kèm theo những thức ăn chay cao lương mỹ vị. Những lần như thế, chú và chư tăng ở đây được nhận hết những món đó từ tay Sư chuyển qua.
Dân chúng sống gần đó tự hào vì họ được ở gần ngôi chùa có Quốc sư. Họ có thể lén nhìn những vị đại quan, tướng quân và cả Nhà vua nữa. Những gia đình nghèo xem chùa như ân nhân của mình. Họ thường được Sư phát chẩn mỗi khi hạn hán, thất mùa. Con em họ được chư tăng ở đây dạy cho dăm ba chữ. Sau thời khóa tụng kinh buổi tối của chư tăng là những tiếng ê a của trẻ thơ. Thỉnh thoảng, chính mắt họ thấy Sư cầm tay các em dạy viết những nét vỡ lòng.
"Này con, pha ấm trà ngon nhé!"
Tuy vậy, người dân ở đây còn có nỗi khổ tâm riêng. Số là dưới thời vua Lê Đại Hành, họ nói rằng vua quan đều tôn kính chư tăng. Mỗi khi xa giá đến đây, Nhà vua không cho tướng sĩ làm ồn bởi vó ngựa. Ngài cho dừng trại từ xa, lẳng lặng xuống kiệu đi bộ cùng tướng sĩ đến tận cổng chùa. Còn hiện nay, dưới sự cai trị của vua Lê Long Đĩnh, binh lính trở nên ngạo nghễ trước cửa thiền, xem sư sãi như dân thường. Mỗi khi có vị quan lớn hay tướng quân nào đó đến chùa, quân lính hộ tống thường quát nạt, và đánh roi bất kỳ ai, tựa như bày tỏ uy quyền, dù đó chỉ là quyền của một gã lính lệ.
_ Này con, pha ấm trà ngon nhé!
Giọng Sư trầm ấm và vang xa, cộng với cái vỗ nhè nhẹ trên vai từ bàn tay gầy của Sư, chú sa di giật mình, rời khỏi những niệm tưởng miên man, trở về thực tại. Thường thì Sư chỉ gọi pha trà là đủ đạo lệnh, nhưng khi Sư nói pha ấm trà ngon thì lúc ấy chú ngầm hiểu có thượng khách đến viếng. Chú hầu trà cho Sư đã hơn 5 năm qua được biết nhiều vị đại thần trong triều đến đây. Chú không biết họ chức vị gì, chỉ thấy họ mặc giáp trụ thì chú cho đó là quan võ, đội mão chuồn chuồn thì chú gọi đó là quan văn.
Chú thấy Sư tiếp chuyện với nét mặt trầm ngâm, thỉnh thoảng Sư hơi nhíu hàng lông mày bạc trắng như cước. Những lúc ấy, chú thích nhìn những sợi lông mày mọc ngược, dựng đứng lên phía vầng trán cao rộng của sư phụ mình. Mùa an cư kiết hạ, chư tăng đã tập trung ở tự viện Phổ Đà tại kinh đô, mình chú ở lại hầu Thầy và làm những việc vườn tược. Chú rất thích những ngày tháng này là bởi vì chú được gần gũi Sư hơn thường nhật. Có những đêm chú đã ngủ say, Sư còn ghé qua phòng chú nhìn vào. Có khi Sư tự tay kéo tấm chăn đắp lên ngang ngực chú rồi mới trở về phòng mình. Có khi Sư giảng kinh riêng cho chú nghe. Ôi kinh Phật mà những sư huynh, sư thúc thường tán thán cao siêu, thâm diệu nhưng qua giải nghĩa của Sư, sao mà dễ hiểu và dễ ứng dụng! Chú tin rằng đây là biệt tài của Sư, một ơn phước lớn do chư Phật gia hộ. Dù không thâm nhập được diệu nghĩa kinh tạng, nhưng chú cảm nhận được trí tuệ của Sư cao vút như ngọn tre trăm năm ở làng chú.
Trà đã pha xong, khói trà bốc lên thơm ngào ngạt, chú vội dâng trà rồi lẳng lặng đứng sang một bên hầu quạt. Chú thấy vị khách mặc giáp trụ, trông oai dũng bất phàm, nhưng lại khiêm tốn ngồi một bên và thấp hơn chỗ bảo tọa của Sư. Sư đưa mắt ra hiệu, chú sè sẹ bước ra ngoài. Hớp một ngụm trà thơm, vị khách chắp tay thấp giọng:
_ Bạch Thầy, tướng quân Đào Cam Mộc và ba quân tướng sĩ đang chờ ý kiến của Thầy, để ngày mai khởi sự.
*
* *
Vị khách không ai khác hơn là tướng quân Lý Công Uẩn, hiện đang giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ, trông coi toàn bộ an ninh của cấm thành hoàng cung và khu vực kinh đô Hoa Lư. Lý tướng quân vẫn quen gọi như vậy mỗi khi đến tiếp kiến Quốc sư. Nhìn thấy những nếp nhăn trên vầng trán của Sư, bất giác tướng quân không cầm lòng được, để rơi những giọt nước mắt lăn dài, nhỏ giọt trên bàn trà. Chàng nhớ lại ngày nào mẹ con chàng tránh cuộc truy sát của tùy tướng Sứ quân Ngô Xương Văn, lánh nạn về châu Cổ Pháp, tá túc ở chùa Tiêu Sơn. Lúc đó, Sư là vị tăng giáo thọ uy nghiêm, tế hạnh. Ai cũng bái phục Sư bởi sở học trác tuyệt về Nho gia, và đặc biệt là trí tuệ biện tài vô ngại về Phật pháp, hết lòng che chở bảo ban mẹ con chàng.
chàng có gương mặt sáng láng, dung biểu khác thường
Thấy chàng có gương mặt sáng láng, dung biểu khác thường, Sư ngầm hiểu sẽ là bậc long tượng trong cửa thiền, hoặc là bậc minh quân danh tiếng. Sư tiên đoán như vậy nên cố gắng đào tạo chàng ngay từ thuở nhỏ. Dường như có một thiện duyên tiền kiếp, ngoài nghĩa thầy trò trong đạo, Sư yêu quý chàng như tình cha con. Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, chàng sống trong cửa thiền, vui thú với câu kinh tiếng kệ. Sư dạy chàng chữ nghĩa vào buổi sáng, dạy võ thuật và binh pháp vào buổi chiều, còn buổi tối cho đến tận khuya, Sư dạy giáo lý Nhà Phật. Thường nhật, Sư rất hòa ái, nhưng khi dạy dỗ Sư lại rất nghiêm khắc. Chàng đã bị Sư trách phạt bằng một hình thức nhớ đời: Hễ mỗi lần bị quở phạt là Sư không cho chàng làm gì cả, chỉ ngồi chơi xơi nước, không cho luyện võ và thực hành giáo pháp. Thoạt đầu, chàng thích lắm, bởi vì không phải quét lá đa ngập sân chùa, không phải tưới cây hàng trăm thùng nước, không phải đọc tụng các bài kệ công phu thời khóa.. Thế là chàng la cà từ chỗ này qua chỗ khác, đương nhiên là không được ra khỏi khuôn viên chùa. Chàng tung tăng chân sáo, ca hát luôn miệng. Lúc ấy, Sư không dạy dỗ, cũng không cho phép chàng gặp mặt hoặc pha trà mỗi khi khách đến. Qua ngày thứ 7, chàng ngán ngấy sự ăn không ngồi rồi, bất an trước sự im lặng của Sư và các đạo huynh khác. Chàng thèm đọc tụng một câu kinh, thèm một thời thiền trong đạo chúng. Quả thật, đối với chàng đó là một cực hình hơn bất cứ khổ ải nào, mà đến lúc ấy mới nhận thấy mặt trái của phóng dật.
Không thể chịu đựng nổi, chàng bèn đến thư phòng quỳ trước mặt Sư, nước mắt ràn rụa xin được sám hối. Ánh mắt nghiêm nghị của Sư nhìn xoáy vào tâm can chàng, khiến lòng chàng tràn ngập cảm xúc tàm quý. Nhớ lại, lúc ấy giá như có được phép thần thông, chắc chàng độn thổ cho đỡ xấu hổ. Nhưng với nét mặt đầy khoan dung, Sư đỡ chàng đứng dậy và khuyên chàng đừng nên tái phạm. Mỗi lần tha lỗi cho chàng, Sư thường bảo: “Pha một ấm trà con nhé!”. Câu nói đó trở thành âm vang hạnh phúc nhất của đời chàng. Dù sau này, đã có lần chàng được vua Lê Đại Hành ngợi khen công trạng dẹp loạn Phạm Xảo trước mặt bá quan văn võ, nhưng so với một câu nói đó của Sư cũng không thể sánh được. Có lần, chàng được giữ chức Điện tiền quân, thời của vua Lê Trung Tông, chàng phạm lỗi với Sư khi cùng họp bàn việc triều chính. Lúc ấy, Sư đang ở vai trò cố vấn cho Nhà vua, Sư liền nghiêm sắc mặt. Biết mình lỡ lời, nét mặt chàng thất sắc. Chàng cung tay cúi thấp đầu xin lỗi, Sư liền nói: “Phiền tướng quân pha một ấm trà nhé!”. Chàng mừng vô kể vì biết Thầy mình tha thứ. Các vị quan tướng không hiểu vì sao chàng vui vẻ rời khỏi phòng họp, tự tay đi pha ấm trà mà không sai tỳ nữ. Từ đó về sau, chàng không bao giờ để cho Sư bảo mình pha trà nữa!
Qua lời dạy của Sư, chàng hiểu được lỗi lầm là một cơ hội tốt để sửa tâm đổi tánh. Không một hoàn cảnh, trường hợp nào mà không có tác dụng, trừ phi con người không biết cách dụng công. Lời dạy ấy theo chàng suốt bao năm xông pha trận mạc, phò vua giúp nước. Nhớ lời Sư dạy chàng khắc kỷ với bản thân, khoan thứ người khác, thông cảm họ như chính bản thân mình. Nhờ vậy, chàng được lòng từ quan lớn trong triều, cho đến cả những anh lính quèn mới tập múa đao trong những ngày tập luyện ở quân trường. Giờ đây, được ngồi bên cạnh Thầy, chàng không mong thời gian trôi qua, chỉ muốn nó trôi ngược lại để chàng được sống trong những kỷ niệm êm đềm. Sư giờ đây cũng đã quá thất tuần, tuy thần thái vẫn như xưa, nhưng vô thường chạm đến mép cửa nhân sinh, nên chàng thấy Sư gầy đi nhiều. Chàng hồi hộp chờ đợi. Bên ngoài, trời tối mịt, le lói những vì sao nhạt nhòa trên cao. Cây đa trước chùa thỉnh thoảng xào xạc trước ngọn gió khuya. Trong thư phòng thoang thoảng mùi trầm, trên chiếc lư hương đã tàn vài cây nhang dài. Dãy kinh sách dày đặc trong tủ mà chàng cảm nhận như kho báu nhân loại bởi vì thấy chúng được Sư nâng niu như những báu vật. Thuở thiếu thời, chàng được Sư cho đọc nhiều quyển kinh. Tuy không thông hiểu sâu xa nhưng chàng thấm được yếu nghĩa, đem vào ứng dụng ở quan trường và chiến trường. Nhớ lại có lần hai bên xáp chiến, quân Tống thua trận đầu hàng. Tướng quân Nguyễn Tụy - con trưởng của đại tướng Nguyễn Bặc, người có công lớn phò tá Tiên đế dẹp loạn 12 Sứ quân - đưa ý kiến giết hết hàng quân để đỡ tốn lương thực và lính canh giữ, vì trận chiến đang có nguy cơ thiếu lương trầm trọng. Chàng kịch liệt phản đối nhưng áp lực của tướng sĩ cấp dưới trong tình thế đó cũng khó xử lý. Nếu không khéo giải quyết, ba quân nổi loạn.
Chợt trong đầu chàng lóe lên tia sáng trí huệ, khiến chàng gật gù đắc ý. Sáng hôm sau, chàng tập họp ba quân tướng sĩ phủ dụ. Chàng giảng giải cho họ nghe về lòng từ bi của nhà Phật, giới luật cấm sát sanh. Dựa theo lời dạy trong kinh, chàng giảng giải cho họ biết, ai cũng muốn sống dầu đó là con sâu. Chẳng qua vì hoàn cảnh đưa đẩy, họ mới ra nông nỗi này. Họ đầu hàng là để được sống, chứ không phải để chết. Giả sư binh lính Đại Việt bị rơi vào trường hợp như quân Tống hiện nay thì sẽ ra sao? Sau đó, chàng giảng tiếp về nhân quả tuần hoàn không sai chạy và hậu quả của nghiệp lạm sát. Dường như được lực gia trì của Bồ tát Quán Âm mà chàng hết lòng cung kính thờ phượng từ thuở ở chùa đến khi lên kinh đô lập nghiệp, chàng diễn giải một cách thuyết phục, ba quân ngồi im phăng phắc. Những cử chỉ gật gù như nói lên sự đồng thuận, quân và tướng cảm nhận như trước mặt họ là một nhà sư chứ không phải là một chiến tướng lừng danh, từng một người một ngựa xông pha giữa trận tiền như chốn không người nhờ vào đường kiếm gia truyền của họ Lý. Chàng vừa dứt lời, tướng quân Nguyễn Tụy rụt rè giơ tay:
_ Thưa chủ tướng, nếu không giết hàng binh thì phải làm sao giải quyết vấn đề?
Trong đầu chàng lóe lên tia sáng trí huệ
Chàng khoác tay ra hiệu họ Nguyễn yên tâm, rồi kề tai nói nhỏ. Nguyễn Tụy nghe xong lộ sắc diện phấn khởi, vỗ đùi một cái đét thật to. Buổi chiều, chàng tập hợp hàng binh nhà Tống nói rõ điều nhân nghĩa của truyền thống Đại Việt. Nói xong, chàng nhờ tham tán quân vụ Đinh Xạ sắp xếp nhân sự. Đinh Xạ hạ lệnh hàng binh đốn cây rừng làm hàng rào bao bọc xung quanh một khu đất rộng hàng chục mẩu, có làm cổng khóa và cổng gác đường hoàng. Sau đó họ Đinh lại chia quân Tống thành 5 đội, ai nấy được mượn cày cuốc, trâu lớn để làm ruộng, tăng gia sản xuất dưới sự giám sát của một toán quân người Việt. Họ được cấp phát lương thực mỗi ngày, họ sẽ được hưởng những gì mình đã làm ra, như vậy vừa thoát khỏi cái chết vừa lại có ăn. Chàng hứa sau khi chấm dứt binh đao, sẽ cho những lính Tống trở về cố hương, ai ở lại sinh sống thì cho trở thành dân thường Đại Việt. Hơn 300 quân Tàu, không ai bảo ai tự động quỳ xuống, sụp lạy Lý Công Uẩn như một vị Bồ tát. Họ hứa sẽ không bạo loạn, chăm lo làm lụng và hơn nửa số trong họ xin ở lại nước Nam. Cảm kích trước nghĩa cử của họ Lý, vị hàng tướng Tàu họ Quách nhận ra cuộc chiến tranh do vua Tống phát động là phi nghĩa bởi nó đưa hàng vạn binh sĩ thiệt mạng vì chủ nghĩa bành trướng của Đại Tống, bèn chỉ cho chàng những yếu điểm quân sự của lính Tống để nhanh thắng trận. Sau khi trở về Hoa Lư với khúc ca khải hoàn, Nhà vua biết được chuyện đó, hết lời khen ngợi và tin dùng chàng. Đích thân Nhà vua cảm ơn Sư Vạn Hạnh đã tiến cử hiền tài Lý Công Uẩn.
Những hoài niệm mơn man trong tâm trí chàng rồi cũng dừng lại để nhường chỗ cho thời điểm thực tại quá sức căng thẳng đối với mình. Tướng quân họ Lý nhìn Sư bất động trên chỗ ngồi, tự biết Sư đang quán chiếu những khía cạnh của quốc gia đại sự. Sư thở nhẹ và từ từ quay mặt về hướng chàng.
_ Mới rồi tôi trông thấy lời sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ, nhân ái, lại được lòng dân mà đang nắm binh quyền trong tay. Người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông còn ai đương nổi !” .
Sư nói liền một hơi như trút được bao nỗi day dứt trước đây của mình. Không trăn trở sao được khi Sư chấp nhận rời cửa thiền để giúp cho Lê Đại Hành với vai trò cố vấn chính trị, lo cho triều chính. Mối lương duyên của Nhà vua với Thái hậu Dương Vân Nga trước đây cũng là vấn đề cân não trong dòng tưởng nhập Bồ tát đạo mà Sư đã đồng thuận vì đại cuộc quốc gia. Nhờ đó, nạn binh đao nội chiến không xảy ra, Nhà vua có cơ hội xây dựng và giữ gìn bờ cõi thoát khỏi nạn ngoại xâm. Nhà vua tôn quý Sư như bậc Thượng phụ thời Xuân thu liệt quốc bên Tàu. Khẩu dụ của Sư luôn được Nhà vua nghe theo. Sư còn giúp vua Lê Đại Hành có thêm một cánh tay đắc lực là Lý Công Uẩn. Vì an bang tế thế, Sư còn tiến cử những hiền tài khác nhưng một số quan đại thần gièm pha về quan hệ giữa Sư và Lý Công Uẩn. Sư bỏ mặc ngoài tai, tận tụy với công cuộc kiến thiết đất nước, đưa tinh thần từ bi, hỷ xả của Phật giáo vào tận tâm tư của mỗi người dân, lấy tinh thần thập thiện Nhà Phật là nền tảng luật pháp của Nhà Lê.
Đương khi tình hình diễn ra tốt đẹp thì đến năm thứ 10, Lê Đại Hành băng hà. Trước đó hai ngày, Nhà vua cầm tay Sư trăn trối và phó thác con trưởng cho Sư, mà sau này lên ngôi lấy vương hiệu là Lê Trung Tông. Sư bèn hứa khả. Cũng vì vậy mà hoàng đệ là Lê Long Đĩnh căm giận Sư, bởi Long Đĩnh đã từ lâu ôm mộng nắm quyền trị nước. Hết sức mềm mỏng trong ứng xử triều chính, nhưng Sư luôn là cái gai trong mắt gian thần thuộc phe phái Lê Long Đĩnh. Về phần mình, Lê Long Đĩnh làm ra vẻ bề ngoài tôn kính Sư, lấy lòng các quan đại thần và tướng lĩnh, bên trong ngấm ngầm liên kết nhiều thế lực vùng biên cương nổi loạn đảo chánh.
Vua Lê Trung Tông bạc phước, chỉ làm vua được 3 năm liền bị Lê Long Đĩnh sát hại, tiếm ngôi. Sự cố diễn ra quá bất ngờ đối với Sư và nhiều quan chức trong triều. Sau sự cố này, Sư trở về chùa cũ nhập thất trong tâm trạng u uất chuyện “nồi da xáo thịt” của dòng họ Lê. Mặc dù không dám làm hại Sư nhưng Nhà vua mới luôn cho người do thám, kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại của Sư và những vị khách đến đây. Sư không còn muốn tham gia triều chính vì giờ đây Lý Công Uẩn vẫn được thăng quan tiến chức đều đặn. Họ Lý có thể giúp đỡ triều Lê giữ gìn bờ cõi, bình loạn giặc phản nhưng chưa thể phát huy hết sở học bình sinh của mình. Thỉnh thoảng Lý Công Uẩn bí mật đến thăm Sư và cho biết tình hình thế sự, sau đó là tham vấn ý kiến. Từ ngày lên ngôi, Lê Long Đĩnh lộ rõ chân tướng của mình. Nhà vua suốt ngày say sưa với ca hát, tiệc rượu, nhất là chuyện phòng the. Tuổi còn trẻ nhưng vì hoang dâm vô độ nên Lê Long Đĩnh không thể nào đứng dậy được, nên thiết triều trong tư thế nằm. Người dân căm ghét gọi là Lê Ngọa Triều.
Nhà vua ngoài chuyện dâm dật còn thích thú cảm giác mạnh. Những tù nhân là mục tiêu vui thú của Nhà vua. Sau khi thả tù nhân ra rừng tự do chạy trốn, Nhà vua sai người giương cung sát hại. Khoảng 100 người tù mới có khoảng 2 người chạy thoát. Khi nghe Lý tướng quân kể lại như thế, Sư đau lòng khôn xiết. Nhớ lại năm xưa khi có người mật báo Lê Long Đĩnh chuẩn bị đảo chánh, Sư bán tín bán nghi chưa biết tính sao vì lúc này, Sư lại đang chủ lễ cầu siêu cho Thái hậu Dương Vân Nga cũng là Hoàng hậu của Tiên đế tại chùa Minh Châu ở Dương Lôi, còn tướng quân Lý Công Uẩn đã kinh lý thị sát vùng biên giới phía Bắc. Và đó chính là thời điểm nghiệp báo của vua Lê Trung Tông phải trả. Kinh thành chỉ còn lại tay chân của hoàng tử Lê Long Đĩnh, cuộc đảo chánh thành công.
Có nhiều lần Nhà vua sai lính hầu gọt vỏ mía trên đầu nhà sư
Đây là một trong những nỗi đau của Sư trước thế cuộc “huynh đệ tương tàn”. Nhưng nỗi đau lớn nhất, cũng là vết thương nặng nhất mà Sư không ngờ mình bị lâm sự, đó là pháp nạn Phật giáo do Lê Ngọa Triều gây ra. Nhà vua thường tỏ thái độ khinh bạc và căm ghét sư sãi. Có nhiều lần Nhà vua sai lính hầu gọt vỏ mía trên đầu nhà sư, buộc nhà sư ăn thịt chó, ép họ hành dâm với cung nữ… Những điều bạo ngược đó dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp nơi. Bên cạnh đó còn sưu cao thuế nặng mỗi năm tăng thêm, khiến người dân khốn đốn. Nhân tình cảnh này, trộm cướp và giặc giã nổi lên ở nhiều châu, huyện, quy mô nhất là bọn phản loạn núp dưới chiêu bài “Trả lại ngai vàng cho họ Đinh” nổi lên chiếm cứ các tỉnh vùng biên phía Bắc. Trong khi Lý Công Uẩn và tướng quân Đào Cam Mộc đang ngày đêm dẹp loạn bên ngoài thì ở vương triều Nhà vua ham chơi sa đọa, tin vào bọn nịnh thần. Nhiều trung thần trả áo từ quan, không tham gia chính sự. Sư đau đáu nỗi lo cho bá tánh loạn lạc, không khéo cuộc nội chiến tương tàn như loạn 12 Sứ quân trước đó lại tái diễn. Đương lúc thế sự rối bời cảnh nhiễu nhương, bản thân Sư chưa có một đối sách nào, một vị khách đặc biệt đến xin tiếp kiến. Sư bước ra nhìn thấy một người đàn ông mặc thường phục của thương lái, nhưng không át được phong thái đường bệ của ông ta. Vị khách cung tay thi lễ :
_ Đảnh lễ hòa thượng! Xin cảm thông sự đường đột này.
Sư bước xuống thềm tam cấp, suýt nữa buột miệng thành tiếng! Hóa ra vị khách là tướng quân Đào Cam Mộc. Hàm râu quai nón đặc biệt nổi bật trên gương mặt chữ điền, dễ gây ấn tượng cho người khác. Hai người chậm rãi bước vào thư phòng. Tướng quân không dám đi ngang hàng, họ Đào lùi lại phía sau khoảng nửa bước. Vài tuần trà thơm đủ để Sư hiểu được nguyên do…
Đào tướng quân âm thầm kéo quân về kinh thành, ông đã nghe hết những chuyện chướng tai gai mắt ở vương triều, những nỗi khổ của người dân đang gánh chịu mỗi ngày. Ông tuy được Nhà vua trọng dụng nhưng bất bình với hành vi bạo ngược của Nhà vua. Đến lúc này, thời điểm đang ở tình thế “dầu sôi lửa bỏng”, vận mệnh đất nước đang nghiêng ngả bởi một hôn quân. Đào tướng quân nghĩ rằng chỉ có Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn chung tay mới có thể lật ngược thế cờ. Tuy quyền chức và thế lực của Đào Cam Mộc trội hơn Lý Công Uẩn, nhưng chính bản thân ông nhận thức rõ, chỉ có họ Lý mới có chân mạng đế vương. Trong thời gian gần đây sấm truyền cũng ám chỉ điều này. Riêng Nhà vua khi nghe tin này có phần chột dạ, nhưng ngũ dục nội cung kéo vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, khiến Nhà vua quên hết mọi sự. Còn bọn gian thần thừa dịp thẳng tay bóc lột, áp bức người dân để vơ vét cho đầy túi tham của mình.
Càng nghĩ càng căm hận, Đào tướng quân thân hành đến gặp Lý Công Uẩn và nói thẳng ý nguyện của mình. Lý tướng quân bàng hoàng vì không ngờ Đào tướng quân lại có một quyết định vượt quá suy nghĩ của thường tình. Họ Đào sẵn lòng phò tá những ai đem lại thanh bình và hạnh phúc cho muôn dân. Đào tướng quân nhìn thấy ở Lý tướng quân đầy đủ phẩm chất của một minh quân nên không ngần ngại vào thẳng vấn đề. Tuy nhiên, Lý tướng quân vẫn còn băn khoăn liền đến thỉnh thị ý kiến từ Quốc sư bởi hơn ai hết chàng hoàn toàn đặt hết niềm tin ở Ngài.
* *
*
Dùng từ bi bằng trí tuệ để vì hạnh phúc cho muôn dân, mà đó mới là cứu cánh của đạo Phật
… Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn nghe xong lời dạy của Quốc sư, chàng cảm tưởng Thầy mình đang trút đi một gánh nặng tư duy. Chàng biết Sư là người luôn trọng đạo nghĩa Nho gia. Sự cố Lê Long Đĩnh cướp ngôi đã khiến Sư buồn lòng trước sự bất lực trong việc cản ngăn để bảo đảm được mạng sống cho vua Lê Trung Tông. Song, đây cũng là cảnh thay ngôi đổi chủ trong dòng họ Lê hoàng tộc. Nay để cho chàng lên ngôi vua bằng sự đồng ý cho cuộc đảo chánh vương triều nhà Lê, khiến Sư đương nhiên sẽ chịu tiếng bất trung; cô phụ ủy thác của Lê Đại Hành mà Sư đã hứa trong phút lâm chung là bất nghĩa. Là một nhân sĩ trước khi xuất gia nằm lòng tư tưởng Nho gia, làm sao Sư không đau đáu? Đến khi tham kiến lần này, chàng thấy Sư cau mày, rồi nhập định để cuối cùng phán quyết bằng một câu khẳng định chàng xứng đáng lên ngôi, Lý tướng quân hiểu rằng Quốc sư làm tròn sứ mệnh của mình: dùng từ bi bằng trí tuệ để vì hạnh phúc cho muôn dân, mà đó mới là cứu cánh của đạo Phật. Đứng trên quan kiến Nho gia, có thể Ngài chịu tiếng bất trung bất nghĩa, nhưng là một tỳ kheo có vai trò Quốc sư, Ngài phải lấy hạnh phúc bá tánh làm đầu. Chàng lại xiết bao cảm phục tấm lòng của Thầy mình, như một Bồ tát luôn vì chúng sanh mà chịu nhiều khổ ải.
Lý Công Uẩn bái biệt ra về, chàng ngoái đầu nhìn lại cho đến khi bóng Sư mờ nhạt trong sương mai. Còn Sư đang khoan thai đến phòng nghỉ. Ngoài kia trời đã hửng sáng, bình minh vừa ló dạng, cây cỏ, hoa lá dường như tươi màu của một ngày mới đặc biệt. Đi ngang qua phòng chú sa di, Sư nhẹ chân bước vào kéo tấm chăn đắp lên ngang ngực chú. Sư mỉm cười tự nhủ thầm ngày sau sẽ có thêm một “Lý Công Uẩn” tương lai. Tiếng chim hót líu lo khác mọi ngày…
THINLEY- NGUYÊN THÀNH