Tuy nhiên, nguồn gốc cũng như ý nghĩa của lễ cúng ông Táo thì không phải ai cũng biết.
Việc sắm lễ phải đầy đủ và chu đáo, tuy nhiên tránh lãng phí tiền bạc và không nhất thiết phải mua sắm nhiều lễ, đặc biệt là mua vàng mã. Mọi việc là do thành tâm, chứ không phải do mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng thành của con cháu - Ảnh minh họa.
Tục đưa ông Táo về trời, mặc dù là phong tục truyền thống nhưng nó vẫn tồn tại song hành với Phật giáo. Trên thực tế, người Phật tử tuy quy y Tam bảo nhưng vẫn không bỏ những tục lệ thờ cúng của cha ông.
Người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có vị Thần Bếp hay còn gọi là Thần Táo Quân trông nom cuộc sống của họ. Theo quan niệm, Thần Táo Quân bao gồm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Đó là hai Táo ông và một Táo bà. Theo đó, mọi phước đức dày hay mỏng mà gia chủ có được là do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà như thế nào.
Lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Người Việt tin rằng, hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo chuyện bếp núc và mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời.
Sự tích Táo Quân ở Việt Nam được truyền lại như thế nào?
Theo truyền thuyết thì có người tên là Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, chàng nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người (2 ông, 1 bà ) và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành chiếc kiềng ba chân ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.
Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình. Đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người.
Táo Quân hay còn gọi là Táo Công là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.
Ngày nay, bàn thờ của Táo Quân thường được đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
Vào các ngày như rằm, mùng một hay các ngày lễ Tết trong năm, các gia đình vẫn dâng lễ để cúng Táo Quân. Song dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân chính là ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian. Đó là những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực.
Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay hay mặn tùy khả năng mỗi gia đình nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới.
Việc sắm lễ cúng Táo Quân bao gồm: Một mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương thơm, hoa quả, ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén và ba con cá chép sống để Táo Quân cưỡi bay lên trời.
Việc sắm lễ này phải đầy đủ và chu đáo, tuy nhiên phải tránh lãng phí tiền bạc và không nhất thiết phải mua sắm nhiều lễ, đặc biệt là mua vàng mã. Mọi việc là do thành tâm, chứ không phải do mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng thành của con cháu.
Lưu ý khi đi thả cá:
Trước khi phóng sinh bạn cần nên suy xét kĩ lưỡng môi trường nơi đó, ví dụ như nơi đó có thích hợp để cá chép sinh tồn hay không? Chất lượng nước thế nào? Có ô nhiễm không? Nước nông hay sâu? Bạn nên chọn ao hồ nên rộng rãi, thoải mái và có cảnh quan đẹp để thả cá chép. Tránh thả cá ở những nơi nước bẩn để tránh cá bị chết.
Tâm thái khi đi khi đi thả cá rất quan trọng, cần vui vẻ, thoải mái đi phóng sinh cá. Trong lúc thả cá cũng không cần phải cầu khấn gì cả, chỉ cần đơn giản nghĩ là mình đang đơn thuần cứu vớt chúng là được.
Nên thả bằng cách thả từ từ nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá chép có cơ hội sống. Thường ngoài thả cá chép, các gia đình cũng thả cả tro cúng Táo quân xuống nước, nhưng để bảo vệ môi trường, hành động này không nên thực hiện.
Dù thả cá chép ở đâu, hãy nhớ bảo về môi trường nước, tuyệt đối không vứt túi ni lông, chân, tàn hương hay các vật dụng thờ cúng khác xuống sông hồ.