... Như từng viết, về bản chất ở lý luận kiến tạo, chế độ XHCN ở tất cả những nơi đảng cộng sản thắng lợi và trên từng dòng giáo điều của Mác, Ăng ghen, Lê Nin, Mao hay HCM hoặc Phiden Cattro...nhất quán sắt đá đả kích tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm, phủ nhận giá trị từ lý luận đến thực tế các tôn giáo ngay từ khi các nhà cộng sản còn đấu tranh tư tưởng, hoạt động bí mật, chưa nắm chính quyền. Cộng sản xem tôn giáo, các học thuyết duy tâm là phản động, và có một câu rùng rợn trong kinh điển mác xít “ tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng” và chỉ riêng một câu đấy đã đủ xem như lời tuyên chiến với thánh thần trời đất.
Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là lịch sử có một nội dung căn bản trong các nội dung căn bản nhất: tiêu diệt tôn giáo bên cạnh cuộc chiến đấu chống các tư tưởng không cộng sản- xuyên suốt, nhất quán.
Cộng sản sử dụng văn học, nghệ thuật vô sản, công tác tuyên giáo, chính trị và những gì có thể để thực thi nội dung căn bản ấy. Bất cứ cán bộ đảng viên nào chệch khỏi lập trường giai cấp, có biểu hiện duy tâm, thân thiện tôn giáo dù chỉ qua ngôn từ xem như tự đánh dấu trừ đậm nét trong hồ sơ cá nhân, trong sổ tay theo dõi của chi bộ và cơ quan tổ chức, kiểm tra của Đảng, nhẹ nhất là kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Chưa đến mức tận diệt tôn giáo như trong một cuộc thánh chiến thời cổ, nhưng chuyện chính quyền địa phương mọi nơi xách nhiễu cơ sở tôn giáo, gây khó dễ từng chút, siết chặt hoạt động tôn giáo, là phổ biến. Việc xây dựng, hành lễ, đào tạo, bổ nhiệm...hết thảy nhất cử nhất động trong sự cho phép của Đảng, thông qua cơ chế an ninh, nội vụ, mặt trận.
Các trào lưu tư tưởng không cộng sản, các tôn giáo leo lét sống sót trong lòng các chế độ cộng sản. Đảng dùng nòng súng bảo đảm sự độc tôn của tư tưởng Mác xít.
Lê Nin, Stalin, Mao, HCM, Phidel Cattro, Ponpot..có khác biệt trong tiếp thu và thực hiện lý luận Mác xít, nhưng không khác nhau trong thái độ với các tôn giáo, với “ ma túy ru ngủ quần chúng”. Họ mạnh tay chĩa súng vào các tôn giáo và nhìn tôn giáo với cái nhìn ác ý lộ liễu. Ở Liên bang Xô Viết, CHDC Đức, Rumani, Hunggari, Ba lan, Mông Cổ, Cu ba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam... có rất nhiều án tù cho các nhà sư, tu sĩ tôn giáo khác và nhiều đàn áp bằng đủ hình thức nhắm vào đời sống tôn giáo.
Ở VN, quốc gia cộng sản còn sót lại, có một lịch sử, một “ truyền thống” chống tôn giáo đầy máu và nước mắt, công khai lẫn âm thầm, qui định ở nghị quyết các cấp ủy khắp đất nước. Các cơ sở tôn giáo hoang phế, tu sĩ bị theo dõi, bức hại, giam cầm, tín đồ bị ngược đãi...có ở mọi lúc mọi nơi. Tôn giáo tồn tại trong lòng chế độ vô thần là một kỳ tích bất khả tư nghị, trái mong muốn của nhà cầm quyền.
Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một biến động long trời lở đất buộc những cái đầu cuồng tín nhất ở các nước cộng sản còn sót lại như VN, TQ, Cuba, Bắc Triều Tiên phải điều chỉnh cách nghĩ: biết phải làm sao khi ngay lăng Lê Nin vắng như chùa Bà Đanh, ở quê hương cách mạng tháng Mười dân chúng đòi cải tán thi hài Lê Nin, còn ở Đức hình ảnh, tượng đài Mác bị rẻ rúng... Để tồn tại, các đảng cộng sản còn nắm chính quyền như ở VN, bên cạnh đàn áp, tăng cường đàn áp, phải lùi bước, thoả hiệp, mị dân, lợi dụng tôn giáo, điều chỉnh chính sách như cách tô sơn thiện chí cho chế độ, về hình thức. Nhìn bề nổi, tôn giáo ở VN thời hậu Xô Viết phát triển mạnh về xây cất, số lượng tu sĩ, tín đồ, sự kiện... Nhưng, về bản chất, tình hình tự do tôn giáo ít có thay đổi, vẫn ngột ngạt.
Với phật giáo, sự “ phát triển” gói trong lòng bàn tay Đảng. Cơ cấu giáo hội, từ Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự, các ban trị sự do các tu sĩ hoặc là cộng sản, thân cộng, hay phần tử cơ hội làm lợi cho Đảng bằng áo cà sa, nắm cương vị chủ chốt. Nhưng thực ra, giáo hội cũng chỉ có tí xíu quyền tượng trưng, ngay xử lý nội bộ phật giáo cũng không có thực quyền. Chi phối tổ chức hơn một vạn nhà chùa trên cả nước nằm trong “ sự hiệp thương” bao gồm MTTQ, an ninh xã hội, ban tôn giáo và..Giáo hội phật giáo VN- một thành tố của MTTQ VN. Giáo hội sống ảo trong các danh xưng to tát để phụng sự các mục đích từ thô đến tế của Đảng: nắm quần chúng, chăm lo an sinh xã hội, cung ứng kinh tài, làm lớp thếp sơn son trước dân chúng trong nước và hải ngoại, trước quốc tế gây ảo giác về cái gọi là tiến bộ nhân quyền, sự đổi mới. Phật giáo bị Đảng lợi dụng thông qua một giáo hội bù nhìn rõ rệt tồn tại như một phòng của ban tôn giáo chính phủ. Việc thực tu, thực học, sự tinh tấn hoàn toàn khác và hầu như không liên quan đến Đảng, giáo hội hay MTTQ và cần như thế, về lý. Khi Đảng không chĩa súng vào thánh thần, giả bộ khép nép lễ lạy cúng tế ve vuốt tôn giáo, ấy là khi tình thế đòi hỏi, không phải thực tâm của một Đảng thủ đoạn tận cùng chống tôn giáo về nguyên tắc.
Trong lòng chế độ vô thần, sự duy tâm không thể tồn tại đường hoàng công khai. Thời hoàng kim của nền chuyên chính vô sản, tác giả bài viết từng nghe một bí thư đảng ủy phát biểu cùng cái chém tay sắt lạnh trong cuộc họp mở rộng, nguyên văn: cạnh nhà thờ của tụi nó, MÌNH xây một trường học. Mấy chục năm bôn ba, chợt nhận ra câu nói ấy thực đáng sợ.
... Đúng là cạnh mỗi nhà thờ công giáo thường thường có một trường học. Bên giảng đường quý Cha giảng kinh thánh, bên này ê a i tờ và các bài thơ ca ngợi HCM- cứ như môth biện pháp mềm kiềm toả tôn giáo ngay từ từng cơ sở. Bên thánh đường vang tiếng chuông, bên này tiếng trống, khăn quàng đỏ... Đảng hầu như tính hết.
Tác giả bài viết cũng để ý, mỗi sự kiện phâth giáo dù đã siết chặt năm ngăn bảy nấc các khâu, an ninh nổi chìm dập dìu, nhưng vẫn luôn có một hoạt động biểu dương lực lượng của Đảng đồng thời tổ chức: một cuộc diễn tập quân sự, mít tinh... Cứ như ngẫu nhiên, nhưng không hề ngẫu nhiên.
Cạnh chùa ngoài trường học có khi có sân bóng đá bóng chuyền, nhìn kỹ sẽ nhận ra không thuần túy thể thao.
Giáo khoa XHCN nói về Phật, về Chúa khác hẳn cách nói của nhà chùa nhà thờ. Ai đi học thời cộng sản ở VN đều buộc phải biết đến bài thơ về Chùa Tây Phương của thân phụ ông Cù Huy Hà Vũ, nhà thơ Cù Huy Cận: đả phá bài xích chế giễu hình tượng các vị La Hán ở chùa thống khổ tuyệt vọng gieo rắc sống ảo, thể hiện sự bế tắc tư tưởng của ông cha trước khi có Đảng. Bài thơ giàu tính Đảng nhưng thiếu đạo đức ấy nhào nặn biết bao thế hệ học sinh Nam Bắc, tốn bao giấy mực, đi vào đề thi, luận văn như một tác phẩm giá trị thế hệ trẻ phải thấm nhuần để không lầm lạc rơi vào “ ma túy ru ngủ quần chúng”. Không biết có phải quả báo hay không, hậu vận thi sĩ họ Cù không tốt, khi quý tử của ông, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ chống Đảng, phải lưu vong. Hậu vận ấy tùy góc nhìn, có thể xem là phúc khi đời con thoát khỏi lối mòn củ đời cha, hoặc xem là hoạ khi con không nối nghiệp phụng sự Đảng, gãy đường công danh.
Như thế, trẻ em, học sinh sinh viên không được nhà nước XHCN khích lệ nên gần gũi tôn giáo, ngay từ học đường. Đảng dày công xây dựng nền giáo dục vô thần lấp đầy Đảng và lãnh tụ, choáng hết chỗ thánh thần, nhồi sọ, áp đặt tư tưởng, nhuộm đỏ ngay từ lớp trẻ thơ.
Song như pháp không lời, sự tồn tại của các cơ sở tôn giáo cạnh nhà trường, tiếng chuông, tiếng mõ, áo chùng, cà sa..gieo ảnh hưởng tinh tế lặng lẽ của tôn giáo đến học trò. Các thế hệ học sinh gắn đời đi học với những âm thang hình ảnh ấy cùng phượng vĩ, tiếng trống trường, con chữ.... Tương tác qua lại, dù Đảng không muốn cũng không thể khác. Tôn giáo gắn với tiềm thức sâu thẳm trong mỗi con người, không thể nhào nặn vô thần duy ý chí. Đấy là một may mắn lớn.
Những nhà thờ, nhà chùa cạnh ngôi trường âm thầm lặng lẽ bồi đắp tâm hồn trẻ thơ, gieo nhân văn, nhân tính, làm vơi bất hạnh bởi sự sống trong lòng chế độ vô thần.
Âu Ông Trời khiến vậy....
Nguyễn Thành Công