- Hơi thở là đối tượng luôn có mặt liên tục chứ không gián đoạn, dễ được biết rõ ‘vào-ra’ chứ không đòi hỏi sự tưởng tượng,
- Hơi thở là đối tượng không hình tướng, âm thinh và mùi vị nên không kích thích các giác quan mà gây ra vọng tưởng.
Do đó nơi đây, đối tượng hơi thở sẽ được lấy làm đối tượng.
1) Chánh niệm trong thiền định.
Chánh niệm nơi đây là Chỉ, là tập trung vào một đối tượng duy nhất để định tâm. Đối tượng được chọn là hơi thở.
Chánh niệm hơi thở trong thiền định là niệm đếm hơi thở: Bài thiền tập này thích hợp với những người bắt đầu tập thiền hoặc những người đã tập một thời gian nhưng tâm vẫn chưa hết tán loạn. Trẻ em cũng có thể tập bài thiền này. Đếm hơi thở giúp hành giả phát triển định lực sơ bộ. Người khó chịu cách mấy cũng tập dễ dàng. Trường hợp có phóng tâm thì phải niệm phóng tâm, sau đó quay lại đếm hơi thở như cũ. Việc phóng tâm là chuyện bình thường, không cần phải lo lắng hay chán nản vì nó. Ý thức về việc phóng tâm cũng đủ để thành công cho bước đầu thiền tập. Theo dõi hơi thở vào ra thật nhịp nhàng. Lúc đầu hơi thở sẽ hổn hển, dồn dập, gấp gáp và nhiều lần đầu cũng có thể như thế, nhưng sau đó, hơi thở chậm dần, sâu hơn, nhẹ hơn và dài hơn. Đếm hơi thở không nhất thiết phải đếm một tiếng mà có thể nhiều tiếng.
Thở vào, một hơi thở
Thở ra, một hơi thở.
Thở vào, hai hơi thở
Thở ra, hai hơi thở.
Thở vào, ba hơi thở
Thở ra, ba hơi thở.
Thở vào, bốn hơi thở
Thở ra, bốn hơi thở.
Thở vào, năm hơi thở
Thở ra, năm hơi thở.
Thở vào, sáu hơi thở
Thở ra, sáu hơi thở.
Thở vào, bảy hơi thở
Thở ra, bảy hơi thở.
Thở vào, tám hơi thở
Thở ra, tám hơi thở.
Thở vào, chín hơi thở
Thở ra, chín hơi thở.
Thở vào, mười hơi thở
Thở ra, mười hơi thở.
(Quay lại một hơi thở)
Hơi thở đếm từ một đến mười, sau đó qua trở lại một. Có thể đếm tiếp 11, 12,… không nhất thiết phải quay lại số 1. Khi đếm giữa chừng mà quên thì phải quay lại từ đầu.
Hơi thở không nhất thiết phải đếm một tiếng mà có thể nhiều tiếng. Ví dụ “thở vào, một – thở ra, một” trở thành “thở vào một-một-một – thở ra một-một-một”. Cách này làm cho hơi thở ngày càng dài ra và sâu thêm. Tâm từ từ an định và thiền giả cảm thấy bình an.
Hơi thở được theo dõi tức là biết đang như thế nào: thở vào – thở ra, thở vào từ mũi đến bụng phồng lên – thở ra từ bụng đến mũi xẹp xuống. Không quá cố gắng thở mạnh, thở sâu với việc phình bụng ra-thóp bụng lại. Tất cả động tác thở đều diễn ra bình thường theo nhịp điệu tự nhiên của cơ thể.
Thiền lâu hay mau không quan trọng mà quan trọng là phẩm chất của hơi thở. Chỉ cần năm phút thực sự có chất lượng là đạt yêu cầu. Khi năm phút hoàn hảo, lần sau tăng lên mười phút và cứ như thế tăng dần.
Có nhiều cách thiền tập hơi thở, trên đây chỉ là một điển hình.
Kết quả là hành giả thành tựu định, đó là An chỉ định (P: Appanā-samādhi).
Nên biết rằng định này không thể sinh tuệ được. Đỉnh cao của hai loại thiền này đã từng bị đức Phật từ chối sau khi học với hai vị thầy là A-la-la Ca-lam (P: Āḷāra-kālāma) và Ưu-đà-la La-ma tử (P: Uddaka-rāmaputta). Kinh điển ghi lại là nhằm nhắc đến những gì mà Phật thích Ca kinh qua, mang tính lịch sử, nhưng có thể dùng làm phương tiện cho hành giả sơ cơ.
Đối tượng của Thiền định không đề cặp đến Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
2) Chánh niệm trong thiền tuệ.
Chánh niệm nơi đây là Quán, là chiếu soi dể thấy ra sự thật của các pháp (thực tính pháp), pháp nơi đây là hơi thở.
Chánh niệm hơi thở trong thiền tuệ là niệm Duyên khởi tính của hơi thở. Đó là nhằm thấy ra Thực tính của hơi thở (Thực tính pháp – Tính chất thật của pháp). Bài thiền tập này giúp hành giả thực hành quán pháp trên pháp, đó là quán đối tượng của tâm – là pháp ‘hơi thở’, nhằm soi sáng để thấy rõ thực tính pháp ‘hơi thở’ như nó đang là (hiện tai), nghĩa là thực tính Duyên khởi (Vô thường, Vô ngã, Sinh-Diệt, …)… của hơi thở.
Kết quả là hành giả thành tựu định và tuệ. Đó là Minh sát định (P: Vipassanā-samādhi) và Minh sát tuệ (P: Vipassanā-ñāṇa).
Minh sát định còn gọi là Chánh định (P: Sammā-samādhi), Sát-na định (P: Khaṇika-samādhi).
Theo đó:
- Hành giả được xem như đã bước đầu thành tựu “Sống trong hiện tại – bây giờ và ở đây”, một cuộc sống tỉnh giác – đoạn trừ Si.
- Hành giả biết kiểm soát dừng lại ở ngưỡng ưa thích, chứ không buông trôi tới ham muốn, chiếm đoạt – đoạn trừ Tham.
- Hành giả biết kiểm soát dừng lại ở ngưỡng chê ghét, chứ không buông trôi tới nóng giận, loại trừ – đoạn trừ Sân.
Tập khí Tham-Sân-Si dần bị đẩy lùi, phiền não-khổ đau dần bị đoạn diệt và hạnh phúc vô tận thật sự dần được hiện tiền.
Trong kinh Tương Ưng Bộ IV. Trang 404 nêu rõ: “Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”.
Trong kinh Tạp A Hàm có chép: “Niết-bàn có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ Nghiệp gây ra từ ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
Như thế có thể thấy rằng thiền trong đạo Phật biểu hiện sự linh hoạt hài hòa, song hành của Tuệ giác cùng An định [= Ổn định: stability, chứ không là Cố định: rigidity] nơi nội tâm của hành giả.
Xem thêm:
- Hơi Thở Tinh Khôi | ĐÀM LINH THẤT
VIDEO
- THIỀN MINH SÁT - VIPASSANA MEDITATION -[HD-720P]
- Zen Meditation Instruction (How to Meditate)
- Orientation to Zen 02 - Home Practice
Huy Thái